banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 16/12
Cập nhật lúc 02:06 ngày 17/12/2016

Báo chí trong ngày đăng tải nhiều thông tin liên quan đến tình hình mưa lũ, tính đến 4h ngày 16/12, có 14 hồ xả qua tràn, trong đó có 6 hồ xả với lưu lượng trên 800 m3/s. 

Theo báo cáo của Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông nên từ nay đến hết ngày 17/12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.


Sáng nay 16/12/2016, người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có mặt tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, tham gia cùng Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về phòng chống thiên tai tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Không chỉ trực tiếp tham gia chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn cử đại diện của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp tham gia Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương và phòng chống thiên tai chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

“Nhà đầu tư đổ xô vào bia nội” là bài viết đáng chú ý trên Thanh niên 16/12.  Bài viết phản ánh: Trong khi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ bán được 60% số cổ phần tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam thì hàng loạt nhà đầu tư trong ngoài nước xếp hàng chờ mua cổ phiếu của bia Sài Gòn trong từng phiên giao dịch, khiến giá cổ phiếu này tăng vọt lên cao nhất sàn chứng khoán.

Hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ xô vào việc mua CP các công ty bia trong thời gian qua bởi Việt Nam đã được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những thị trường bia rượu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong khảo sát thị trường bia rượu thế giới, chỉ có Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ bia hàng đầu thế giới và liên tục tăng trong 10 - 15 năm qua. “Việt Namcòn được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những thị trường bia rượu tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong đó Sabeco lại chiếm gần 50% thị phần. Nên quá dễ hiểu khi CP Sabeco nóng như vậy

Bài báo dẫn lời của Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ: “Bia rượu là ngành siêu lợi nhuận và đầu tư cũng thấp hơn sữa, đặc biệt, trong bối cảnh ngành sữa đang đối diện áp lực nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng, giá cả tốt để cạnh tranh trực tiếp với sữa ngoại, sữa Việt Nam còn nhiều khó khăn lắm”.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Doanh nghiệp kêu khổ, Bộ Tài chính yêu cầu sửa 76 văn bản kiểm tra chuyên ngành; Xử lý Gang thép Thái Nguyên: "Thà bỏ đi một lần còn hơn"; Bốn siêu dự án thép tỷ đô 'bám' biển miền Trung.

Thông tin cụ thể như sau:                                                    

1. Doanh nghiệp kêu khổ, Bộ Tài chính yêu cầu sửa 76 văn bản kiểm tra chuyên ngành. 

Dân trí phản ánh: Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị sửa đổi, bổ sung 76 văn bản quy phạm phát luật liên quan đến hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo yêu cầu và kiến nghị của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương là hai cơ quan có số văn bản kiểm tra chuyên ngành bị yêu cầu sửa đổi nhiều nhất lần lượt là 28 và 12 văn bản.

Đáng chú ý là Thông tư số 29 của Bộ Công Thương về quy định quản lý chất lượng phân bón vô cơ, Bộ Tài chính cho biết, trong các quy định của pháp luật, phân bón vô cơ đã được quy định là mặt hàng nhóm 2, bắt buộc phải kiểm tra trước khi thông quan. Tuy nhiên, tại Thông tư trên, Bộ Công Thương tiếp tục quy định bắt buộc phải kiểm tra, như vậy chồng lấn 2 lần kiểm tra, chưa phù hợp, cần điều chỉnh.

2. Xử lý Gang thép Thái Nguyên: "Thà bỏ đi một lần còn hơn". 


Liên quan tới Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và phương án xử lý đối với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với Dự án và của Công ty nêu trên. Bình luận về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Thà bỏ đi một lần còn hơn. Vấn đề phát triển, quy hoạch ngành thép, cho phép hay không cho phép dự án thép ra đời hay tiếp tục được triển khai không phải thừa hay thiếu mà là trong bối cảnh hội nhập, tham gia phân công lao động, anh là người đi sau nên cần chọn những gì làm tốt nhất có lợi nhất và không ô nhiễm môi trường”, ông Mại nói.

Đồng quan điểm, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng từng cho biết, không nên “ném” thêm tiền vào dự án này. Nguyên nhân được vị chuyên gia chỉ ra là dự án đã ứ đọng hàng nghìn tỷ đồng trong khi đó thép Trung Quốc giá rẻ tràn thị trường, thép sản xuất trong nước khó cạnh tranh. "Chưa kể, đầu vào để sản xuất, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu và các vấn đề liên quan, tác động đến môi trường”, ông Hồ nói.

3. Bốn siêu dự án thép tỷ đô 'bám' biển miền Trung. 

Báo điện tử Vietnamnet đưa tin: Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Tính riêng bờ biển miền Trung, Bộ Công Thương dự kiến sẽ hình thành 4 khu liên hợp thép quy mô lớn. Cụ thể là liên hợp thép Vũng Áng giai đoạn 1 (Hà Tĩnh), khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận giai đoạn 1, liên hợp gang thép Nghi Sơn giai đoạn 1, Liên hợp thép Quảng Ngãi giai đoạn 1. Trong bản dự thảo lần 2 này, Bộ Công Thương đã không để tên của các nhà đầu tư như bản dự thảo lần 1.

LH (Nguồn VP Bộ CT)