banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 6/12
Cập nhật lúc 05:30 ngày 06/12/2016

Trong ngày 06 tháng 12 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Cổ phiếu Sabeco lên sàn HOSE; Cấp phép cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả thải ra biển: Chỉ giám sát một thông số?; Nhà nước sẽ không còn quản lý ngành thép bằng quy hoạch; Xăng tăng hơn 300 đồng một lít từ 19h ngày 05/12; Thép cuộn Việt Nam thoát án kiện tại Mỹ.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                

1. Cổ phiếu Sabeco lên sàn HOSE 

Trên nhiều trang báo mạng ngày hôm nay đưa tin hơn 641 triệu cổ phiếu Sabeco chính thức có mặt trên sàn với giá tham chiếu trong phiên đầu tiên là 110.000 đồng một cổ phiếu. Hiện vốn điều lệ Sabeco đạt gần 6.413 tỷ đồng. Với mức giá tham chiếu như trên, vốn hóa thị trường của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng và xếp thứ 5 trên sàn HOSE sau Vinamilk, Vietcombank, PV Gas và Vingroup. Hiện Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất của Sabeco khi nắm giữ hơn 574,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 89,59%, số lượng cổ đông nước ngoài xấp xỉ 9,4%.

Tuy nhiên, trên báo điện tử Dân trí ngày hôm nay đã đăng tải bài viết “Chuyển động ngầm trong game thoái vốn”. Với chủ trương “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa” và hàng loạt thông tin bán vốn tại các thương hiệu lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco… đã tạo ra “bữa nhậu cuối năm” cho giới chứng khoán Việt. Quan sát trên thị trường chứng khoán những ngày gần đây, nhiều chuyển động ngầm xung quanh các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị lên sàn và lên kế hoạch bán vốn. Trường hợp thoái vốn của Sabeco, Habeco giá cổ phiếu bị đẩy lên quá cao.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứ Chính sách và Kinh tế (VEPR) cho rằng việc bán vốn tại các thương hiệu lớn dựa vào giá tham chiếu trên thị trường là đúng. Tuy nhiên, riêng trường hợp Habeco, giá thị trường BHN chỉ phản ánh lô cổ phiếu tương ứng 0,7% vốn do đó đại diện cho giá trị của Bia Hà Nội. Vì vậy việc dựa vào giá tham chiếu của thị trường không hoàn toàn khách quan.Theo ông Thành, Carlsberg đã là cổ đông của Habeco gần một thập kỷ cũng đã hiểu biết về giá trị, tiềm năng phát triển của Bia Hà Nội. 

“Trong trường hợp hai bên vẫn tiếp tục không thống nhất được quan điểm, có thể Bộ Công Thương sẽ chào bán cạnh tranh với giá thị trường khi đó nhà đầu tư ngoại sẽ e ngại và nếu họ cho rằng đắt quá họ không mua, sẽ khiến Habeco rơi vào tình cảnh ế, bán vốn không thành công phải bán lần 2, lần 3”, TS Thành nói và cho rằng Bộ Công Thương nên cân nhắc hợp lý về giá bán và đối tượng mua để đảm bảo lợi ích thu về.

2. Cấp phép cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả thải ra biển: Chỉ giám sát một thông số? 

Ngày 29/11, UBND tỉnh Thanh Hóa ký giấy phép cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả 241.428m3 nước thải thử thủy lực và súc rửa đường ống ra biển. Điều này gây nghi ngại khi vừa tháng 6/2016, công ty này xả thải trái phép ra biển 42.000 m3 nước thải từ quá trình thử áp lực và súc rửa đường ống tiếp nhận dầu thô, trong khi quá trình này dùng hóa chất diệt sinh vật.

Giấy phép chỉ yêu cầu giám sát liên tục một thông số duy nhất là lưu lượng nước thải trong khi các chỉ tiêu quan trắc tự động cơ bản khác như COD, SS, nhiệt độ pH, tổng Nito không được nhắc đến.Một chuyên gia về xử lý nước thải cho biết, nước thải từ quá trình thử thủy lực, súc rửa đường ống không dùng hóa chất thường có hàm lượng sắt cao. Nếu không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, hàm lượng sắt cao trong nước thải có thể làm giảm oxy trong nước, gây ô nhiễm môi trường nước biển. Vì thế, các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ, không để tình trạng xả thải trực tiếp ra biển.

3. Nhà nước sẽ không còn quản lý ngành thép bằng quy hoạch. 

Trả lời đề nghị góp ý vào dự thảo đề án quy hoạch ngành thép đến năm 2025, có xét đến năm 2035 đang gây chú ý, Văn bản của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sưa ký tên đề nghị Bộ Công Thương lưu ý là nếu Luật quy hoạch đang lấy ý kiến qua hai kỳ Quốc hội được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2018 thì nhà nước không quản lý ngành thép bằng quy hoạch nữa.

VSA cũng lưu ý Bộ Công Thương là điều chỉnh bản quy hoạch mà không có mục tiêu phát triển ngành sản xuất thép cán nóng, thép chất lượng cao là một thiếu sót lớn, vì đây là các mặt hàng mà Việt Nam đang phải nhập siêu gần như 100%, trong khi đó lại tiếp tục phát triển các dự án thép xây dựng, phôi thép thông thường.

Điều đáng nói là trong bản dự thảo quy hoạch của Bộ Công Thương, dự án ngàn tỉ có tên “Dự án mở rộng giai đoạn II nhà máy gang thép Thái Nguyên” hiện đang thua lỗ, không đi vào sản xuất, trên thực tế là của Tổng công ty Thép Việt Nam và các cổ đông khác góp vốn lại bị liệt vào danh sách chưa có chủ đầu tư là không đúng. Hiện Chính phủ và Bộ Công Thương đang tìm cách tháo gỡ cho dự án này nhưng chưa có lối thoát rõ ràng. VSA đề nghị cần có hướng giải quyết dứt điểm dự án này đồng thời loại bỏ các dự án kiểu đầu tư tương tự nhưng chưa triển khai, kể cả các dự án còn lại trong giai đoạn 2017-2025 nếu không khả thi.

4. Xăng tăng hơn 300 đồng một lít từ 19h ngày 05/12. 

Theo thông báo của Liên bộ Tài chính - Công Thương, từ 19h, giá xăng A92 tăng hơn 300 đồng/lít. Mức tăng này dựa trên xu hướng tăng mạnh của giá thế giới trong thời gian gần đây. Cụ thể, giá xăng RON 92 tăng thêm 304 đồng/lít, giá bán lẻ lên tối đa 16.671 đồng/lít. Xăng sinh học cũng tăng 301 đồng/lít. Giá các loại dầu tăng ít nhất 163 đồng/lít.Theo đó, dầu diesel tăng 163 đồng/lít, lên 12.679 đồng/lít. Dầu mazut tăng mạnh nhất với 275 đồng/kg, lên 9.962 đồng/kg. Dầu hỏa tăng 244 đồng/lít lên mức tối đa 11.209 đồng/lít. 

Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu cho biết ước quỹ bình ổn giá (BOG) của doanh nghiệp này còn dư 1.850 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm công bố ngày 19/11 là 1.752 tỷ đồng, quỹ bình ổn của Petrolimex tăng 98 tỷ đồng, còn so với ngày 4/11 là 1.757 tỷ đồng quỹ bình ổn của Petrolimex tăng 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ ngày 20/10 đến ngày 4/11 do tăng mức trích lập nên quỹ này đã giảm 2 lần liên tiếp, với mức giảm khoảng 63 tỷ đồng.

5. Thép cuộn Việt Nam thoát án kiện tại Mỹ. 

Ngày 5/12, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thông báo Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) đã ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn carbon nhập khẩu từ Oman, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Pakistan và Việt Nam.

Theo đó, USITC xác định rằng sản phẩm nhập khẩu từ Oman, UAE, Pakistan đã bán phá giá, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Mỹ. Riêng lượng hàng hóa bán phá giá nhập khẩu từ Việt Nam và hàng hóa trợ cấp từ Pakistan không đáng kể. Vì vậy, Bộ Thương mại Mỹ sẽ không ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với ống thép cuộn carbon của Việt Nam và lệnh áp thuế chống trợ cấp đối với Pakistan.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)