banner2019
 
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Phát huy dân chủ, nắm vững chính sách, chế độ để bảo vệ đúng, đủ, kịp thời người lao động
Cập nhật lúc 10:36 ngày 06/04/2016

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đó vừa là cơ sở pháp lý, vừa là định hướng để Công đoàn các cấp và công nhân viên chức lao động cả nước đem hết khả năng vận dụng, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Muốn vậy, cần phải thực hiện tốt chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của Nhà nước để họ có điều kiện cống hiến năng lực của mình vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Để bảo vệ NLĐ có hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn ở các công đoàn cơ sở cần phải quan tâm, nắm bắt một cách cụ thể các văn bản về  chế độ chính sách để làm tốt công tác giám sát và cùng phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho người lao động. Có như vậy mới thực sự xây dựng một tập thể đoàn kết, dân chủ. Và trong tập thể thực sự dân chủ ấy, mỗi thành viên mới có điều kiện phát huy hết năng lực của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 


Trước hết, nói về dân chủ, xét về mọi góc độ, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện và vừa là động lực cho sự phát triển của mỗi tổ chức kinh tế- xã hội. Với  tổ chức Công đoàn cũng vậy, nếu không phát huy được quyền làm chủ của người lao động, không có một môi trường dân chủ thì chúng ta hoạt động không thể đạt kết quả tốt được. Nếu xác định rõ chức năng nhiệm vụ mà không có môi trường dân chủ thì Ban chấp hành Công đoàn cũng không thể hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; người lao động không thể phấn khởi, tự tin để cống hiến và sáng tạo trong mọi lĩnh vực hoạt động. Mặt khác, không nói lên được hoặc có nói cũng không được những người có thẩm quyền hiểu, ủng hộ thì không thể bảo vệ  quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Nhưng nếu có dân chủ mà chỉ là dân chủ hình thức thì mọi hoạt động của Công đoàn cũng chỉ là thụ động và cũng không bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. Người lao động sẽ nảy sinh tư tưởng hoài nghi, không tin tưởng vào tổ chức mà mình tham gia. Như vậy, sẽ hạn chế sức sáng tạo của người lao động và tạo nên một dư luận không đúng về vai trò, vị trí của Công đoàn. Chỉ có phát huy dân chủ trong môi trường thật sự dân chủ thì Công đoàn mới có thể hoạt động và giữ vững vai trò, vị trí của một tổ chức đoàn thể rộng rãi của CNVC - người lao động; chỉ có phát huy dân chủ và trong một môi trường thật sự dân chủ thì người lao động mới thật sự phấn khởi, tin tưởng và cống hiến nhiều nhất. Qua đó, mới khơi dậy, huy động và phát huy tốt nhất tiềm năng của người lao động và chỉ có dân chủ thì tiếng nói đại diện cho người lao động mới có trọng lượng trong các cuộc họp, các diễn đàn để bảo vệ cho được quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động. 

Để thực hiện tốt dân chủ trong cơ quan, doanh nghiệp, đòi hỏi mọi hoạt động phải công khai, minh bạch, nhất là thực hiện chế độ chính sách cho CNVC- Lao động. Chỉ có công khai minh bạch thì mới củng cố được lòng tin của NLĐ, đoàn viên đối với lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp và CĐ. Chính vì vậy mà một trong những nhiệm vụ chính của Công đoàn là chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, lao độngCNVC. Làm tốt công tác này đòi hỏi Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải nắm vững nội dung các văn bản về việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Trên cơ sở nắm vững các văn bản ấy, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở mới thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Việc nắm vững các văn bản về thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động sẽ giúp cho Ban chấp hành Công đoàn cơ sở làm tốt các công việc: 

- Tăng cường, nâng cao chất lư¬ợng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động, nhất là vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ liên quan đến đời sống  của người lao động trong đơn vị doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết hoặc phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Công đoàn cơ sở  cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn  trong việc tham gia quản lý doanh nghiệp như : xây dựng nội quy, qui chế nội bộ,  tham gia  các biện pháp nhằm đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động trên cơ sở góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của NLĐ và doanh nghiệp. Tích cực tham gia trực tiếp đổi mới cơ chế quản lý về tài chính và tổ chức bộ máy, nhân sự trong cơ quan, doanh nghiệp. 

- Công đoàn cơ sở chủ động tham gia xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa Công đoàn với ban lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định; tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, đặc biệt là phối hợp với lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị NLĐ đồng thời quan tâm hướng dẫn người lao động ký kết và thực hiện đúng hợp đồng lao động; thương lượng, ký kết, nâng cao chất lượng thoả ước lao động tập thể đúng quy định của Bộ luật lao động; xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị. 

- Phối hợp với chuyên môn tổ chức thực hiện  việc  khám sức khỏe  hàng năm cho NLĐ, Tổ chức cho NLĐ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế gia đình theo quy định của nhà nước.  

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật cho đoàn viên công đoàn để mỗi đoàn viên công đoàn có vốn  hiểu biết  nhất định về kiến thức luật pháp. 

- Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn  mới tham gia, cán bộ công đoàn  làm công tác kiểm tra. 

- Tăng  cường chỉ đạo hoạt động của UBKT công đoàn. Thực hiện  kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, việc thực hiện các Chỉ thị và Nghị quyết của Công đoàn cấp trên;  kiểm tra  việc quản lý, sử dụng tài sản và tài chính Công đoàn . 

- Giải quyết hoặc phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết kịp thời những kiến nghị của đoàn viên công đoàn về việc thực hiện chế độ chính sách trên cơ sở các văn bản quy định, hướng dẫn của các cấp quản lý. 

Tóm lại, dân chủ  là một phạm trù tồn tại khách quan nhưng để có dân chủ thực sự thì phải tạo ra một cơ chế, một môi trường thuận lợi cho nó phát triển và hoàn thiện, đồng thời bắt nó phục vụ cho quá trình phát triển, tồn tại của chính tổ chức mình. Dân chủ cũng cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển và ngày một hoàn thiện hơn; nếu không, tự bản thân nó không thể phát huy tác dụng. Chính vì vậy, để xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, Ban chấp hành CĐCS phải là nhịp cầu giữa lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp với người lao động trong đơn vị, làm thế nào để mỗi người lao động trong đơn vị được đảm bảo về quyền và lợi ích của mình; được bàn bạc, thống nhất các kế hoạch, chủ trương của đơn vị, tạo được niềm tin  tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ban lãnh đạo. Làm được điều đó, mỗi cán bộ công đoàn cần phải nắm vững các chính sách, chế độ của nhà nước đối với người lao động để vừa phối hợp với lãnh đạo chuyên môn thực hiện đúng chế độ vừa làm tốt chức năng giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.