banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 21/10
Cập nhật lúc 08:00 ngày 22/10/2016

Trong ngày 21 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại đáng chú ý: Hàng loạt dự án của EVN, PVN, TKV có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Bộ Công Thương "thúc" Hải quan cho Formosa được trực tiếp nhập than; Tiếp tục kiến nghị giảm 50% sản lượng thủy điện “sai lầm thế kỷ”;  Bộ Công Thương thu hồi thêm một công ty bán hàng đa cấp; Hai đại gia bia Nhật Bản “nhòm ngó” mua cổ phần Sabeco.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Hàng loạt dự án của EVN, PVN, TKV có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.


Báo chí đưa tin dày đặc về thông tin Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành Công Thương, trong đó quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với từng đơn vị thuộc ngành; đồng thời công bố danh sách những dự án, nhà máy được coi là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, danh mục các Dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại  07 Tập đoàn, Tổng công ty: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam.

2. Bộ Công Thương "thúc" Hải quan cho Formosa được trực tiếp nhập than.

Báo Dân trí đưa tin, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Formosa, Bộ Công Thương vừa có đề nghị Tổng cục Hải quan sớm hoàn thiện các thủ tục hải quan theo quy định để thông quan đối với mặt hàng than do Formosa nhập khẩu. Đơn đề nghị này vừa được Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) gửi đến Tổng cục Hải quan xung quanh thông tin gần đây, Formosa kêu khó khăn trong việc nhập khẩu than trực tiếp để phục vụ phát điện nhà máy nhiệt điện Formosa tại Đồng Nai.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, dự án Nhà máy nhiệt điện Formosa do Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa (tại Đồng Nai) làm chủ đầu tư có công suất 2x150 MW, sử dụng nguồn than nhập khẩu đã đi vào vận hành từ năm 2004. Tại Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 9/7/2003 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đồng ý cho phép Formosa nhập khẩu than để sử dụng cho mục đích phát điện của Nhà máy nhiệt điện Formosa. Do đó, việc Formosa đề nghị tiếp tục nhập khẩu than cho nhà máy nhiệt điện là phù hợp với quy định hiện hành. 

3. Tiếp tục kiến nghị giảm 50% sản lượng thủy điện “sai lầm thế kỷ”.

Cử tri, nhân dân Gia Lai một lần nữa vừa có kiến nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm 50% sản lượng phát điện của Nhà máy Thủy điện An Khê - Ka Nak để trả lại dòng nước sông Ba bình thường như trước khi có thủy điện, nhằm bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân thị xã An Khê và các huyện phía Nam của tỉnh Gia Lai.

Trước kiến nghị này, Bộ Công Thương không trả lời rõ có giảm sản lượng hay không, nhưng hứa sẽ chỉ đạo EVN “tuân thủ kế hoạch, phương án tích, xả nước các hồ chứa An Khê và Ka Nak được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, ưu tiên trước hết cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu đập An Khê”.

4. Bộ Công Thương thu hồi thêm một công ty bán hàng đa cấp.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Triwonder International (trụ sở tại Hà Nội). Lý do thu hồi được đưa ra là do doanh nghiệp không triển khai hoạt động bán hàng đa cấp trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh liên tiếp thu hồi giấy phép các công ty bán hàng đa cấp. Trước đó, Cục này cũng đã rút giấy phép bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam; Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long; Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam và mới đây nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất Thương mại Bông Sen Vàng. 

5. Hai đại gia bia Nhật Bản “nhòm ngó” mua cổ phần Sabeco.

Theo Nikkei đưa tin, 2 hãng bia là Asahi Group và Kirin Holdings của Nhật Bản đang cân nhắc việc tham giá đấu giá mua cổ phần của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Phiên đấu giá có thể diễn ra sớm nhất trong tháng tới.

Trả lời một hãng thông tấn nước ngoài cách đây 2 tuần, ông Lê Hồng Xanh - Tổng Giám đốc Sabeco khẳng định, Sabeco có thể niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới. Ông Xanh cũng cho biết, về các kế hoạch thoái vốn cũng đang được Chính phủ xem xét và chưa “chốt” phương án cụ thể nào. Kể từ khi Chính phủ thông báo chủ trương cổ phần Sabeco, một số hãng bia ngoại đã tỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần. Ngoài Kirin, Asahi, Thai Bev và Heineken đều đã bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên ông Xanh nói rằng tiến trình cổ phần hóa đã được khởi động lại và các nhà đầu tư quan tâm sẽ phải tham gia đấu giá một lần nữa.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)