banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin thương mại ngày 03/10
Cập nhật lúc 05:12 ngày 03/10/2016

Trong ngày 03 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ trưởng Bộ Công Thương “đau xót” vì doanh nghiệp cho rằng ngành có lợi ích nhóm; Phó Thủ tướng tiếp tục yêu cầu làm rõ quy trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải; PVN bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ: Ai mua?; Tranh cãi quanh việc hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas; Choáng với nợ xấu 2.100 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại PVC; Lo điện than gây sự cố môi trường.

Thông tin cụ thể:

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương “đau xót” vì doanh nghiệp cho rằng ngành có lợi ích nhóm. 


Ngày hôm nay 03/10, báo chí đưa thông tin dày đặc về vấn đề này, các báo dẫn lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, ông rất đau xót trước những ý kiến của doanh nghiệp cho rằng dự thảo Nghị định Quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo giết chết doanh nghiệp (DN) nhỏ, lợi ích nhóm. Theo Bộ trưởng, mục tiêu xây dựng nghị định là tốt đẹp nhằm tạo cơ sở cho DN phát triển, bảo vệ môi trường, an toàn người lao động, bảo tồn tài nguyên quốc gia...

Tuy nhiên, có những nhìn nhận như vậy là có phần lỗi của ban soạn thảo khi chưa công khai minh bạch thông tin, chưa rộng đường dư luận để được đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo. “Quy định đặt ra là để quản lý có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chứ không phải đẻ thêm một loại giấy phép con mới để hành doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói. Do đó, lãnh đạo bộ yêu cầu các cơ quan soạn thảo đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để thấy được các vướng mắc, lỗ hổng. 

2. Phó Thủ tướng tiếp tục yêu cầu làm rõ quy trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải. 

Một số bài báo khai thác thông tin xung quanh văn bản gửi Bộ Công Thương về các kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan tới việc tuyển dụng, bổ nhiệm Hàm vụ phó, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp đối với ông Vũ Quang Hải. Đồng thời, yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện kiến nghị của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/11/2016.

3. PVN bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ: Ai mua?

Theo phản ánh trên báo điện tử Đất Việt ngày 3/10,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết đang trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch bán vốn trong giai đoạn 2016 -2020. Đặc biệt, PVN nhấn mạnh sẽ bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) Hải Phòng nếu như tìm được đối tác phù hợp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng trong bối cảnh khó khăn như PVTex hiện nay, đây là lựa chọn phù hợp để tìm cách cắt giảm thua lỗ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Quang – Viện trưởng Viện kế toán – Kiểm toán – Trường đại học Kinh tế quốc dân lưu ý, khi PVTex có ý định bán Nhà máy xơ sợi Đình Vũ thì cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng dựa trên các phân tích: số tiền đầu tư vào đó là bao nhiêu và giá trị lợi nhuận khi tái đầu tư.

“Bán được là tốt” đó là khẳng định của ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas về việc PVN muốn bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ. Theo ông Cẩm, trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ kéo dài như hiện nay của PVTex, thì việc tìm đối tác để bán đi, tránh thiệt hại cho nhà nước là cần thiết. “Chắc chắn bán sẽ không dễ dàng. Bán thì đương nhiên phải giá rẻ vì giá trị làm sao như những doanh nghiệp đang phát triển tốt được. Cái gì cũng có hai mặt của nó”, ông Cẩm nói.

4. Tranh cãi quanh việc hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas. 

Trước những ý kiến còn trái chiều về Nghị định 19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, cách đây một tháng, Bộ trưởng đã ra chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh gas và các đơn vị này đang tiến hành sửa đổi. “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu theo Nghị định 19 vẫn nằm ở một chuỗi kinh doanh LPG chứ không phải là có ý định gạt bỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi ngành”, Thứ trưởng khẳng định.

Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị không hạ chuẩn về quy định đủ điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối và phân phối, giữ nguyên như quy định tại Nghị định 107/2009. Việc giữ nguyên quy chuẩn sẽ xây dựng được các doanh nghiệp có đủ tiềm lực phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam. Ngoài ra, việc quy định quản lý bình gas giữa doanh nghiệp đầu mối và đại lý sẽ tạo ra cơ sở pháp lý xử lý các vi phạm cũng như trách nhiệm liên quan đến cháy nổ bình gas.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh gas cũng cho rằng, một số quy định tại văn bản còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Nghị định 19 quy định một đại lý chỉ được ký với một tổng đại lý hoặc 3 thương nhân đã phần nào hạn chế quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp…

5. Choáng với nợ xấu 2.100 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại PVC. 

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố báo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015. Trong đó, mối quan hệ giữa PVN và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã lộ diện. PVC khiến PVN hứng chịu khoản nợ có khả năng mất trắng lên tới gần 2.100 tỷ đồng. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2015, những khoản nợ xấu chính của PVN lên tới 6.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ xấu của PVN tại PVC lên tới gần 2.100 tỷ đồng. PVN cho rằng đó là “các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày”.

Hồi cuối năm 2014, con số này “chỉ” là 1.793 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa nợ xấu của PVN tại PVC phát sinh thêm hơn 300 tỷ đồng trong năm 2015. PVN không nêu rõ khoản nợ của PVC phát sinh từ những giao dịch nào. Và khả năng PVN lấy lại toàn bộ khoản nợ này từ PVC là rất thấp vì hiện tại, PVC trong tình trạng khá bê bết. Tại thời điểm cuối quý 2/2016, lỗ lũy kế của PVC là 2.919 tỷ đồng. Trước đó, công ty này đã trải qua thời gian dài thua lỗ triền miên. Mặc dù PVC sở hữu lượng tiền lên tới 903 tỷ đồng nhưng do nợ dài hạn của công ty quá lớn 2.081 tỷ đồng nên PVC không dễ xoay xở với các khoản nợ của mình, trong đó có khoản nợ khủng tại PVN.

Tuy nhiên, báo cáo của PVC không nêu rõ khoản nợ tại PVN. PVN xác nhận cuối năm 2015, nợ xấu của PVN tại PVC là gần 2.100 tỷ đồng. Trong khi đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015, PVC ghi nhận tổng nợ phải trả của PVC là 2.687 tỷ đồng. Có thể thấy, số tiền PVC nợ PVN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ của PVC.

6. Lo điện than gây sự cố môi trường. 

Các báo đưa tin, ngày 1/10 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Trà Vinh thực hiện giám sát môi trường Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Việc giám sát này thực hiện theo đề nghị của người dân huyện Duyên Hải trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra xung quanh.

Kết quả buổi giám sát cho thấy, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải còn tồn tại nhiều bất cập về môi trường. Hoạt động của nhà máy để lại một lượng phát thải khổng lồ, mỗi ngày sử dụng hơn 12.000 tấn than; lượng tro, xỉ than thải ra hơn 4.500 tấn. Ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, lo ngại: “Ngay cả địa phương cũng không lường được số lượng xả thải quá lớn của nhà máy này. Với số lượng như vậy, trong năm tới bãi thải sẽ quá tải, trong khi số xỉ than này hiện nay vẫn chưa biết xử lý ra sao”.

Theo quy hoạch điện phê duyệt, đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất khoảng 18.270MW, chiếm 32,38% tổng công suất điện than cả nước; gấp khoảng 40 lần Đông Nam Bộ, lớn hơn cả vùng Đông Bắc Bộ cộng với Đồng bằng sông Hồng. Nhưng hiện nay thông tin về quy hoạch phát triển nhiệt điện than và những nguy cơ, rủi ro tác động của loại hình phát triển này dường như chưa đến được với công chúng và người dân các tỉnh ĐBSCL.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)