banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 19/9
Cập nhật lúc 05:41 ngày 19/09/2016

Trong ngày 19 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Nhà máy 12.000 tỉ thua lỗ: 5 năm khốn khổ với phía Trung Quốc; Bộ Công Thương không cấp phép Formosa nhập bùn bô xít; Dàn lãnh đạo PVC bị khởi tố: Có dấu hiệu sai phạm ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2?; Bắt thuốc lá lậu sẽ được hỗ trợ 4.500 đồng/bao; Bộ Công Thương sẽ quản lý giá sữa; Xuất siêu: Vừa mừng vừa lo.

 Thông tin cụ thể như sau: 

1. Nhà máy 12.000 tỉ thua lỗ: 5 năm khốn khổ với phía Trung Quốc.


Theo phản ánh từ báo điện tử Vietnamnet: Dù đã hoàn thành từ năm 2012, nhưng dự án đạm Ninh Bình 12.000 tỉ sử dụng nhà thầu Trung Quốc vẫn tiếp tục gánh chịu nhiều rắc rối và hậu quả từ đối tác Trung Quốc. Theo VinaChem, chủ đầu tư nhận bàn giao quyền vận hành từ nhà thầu EPC vào ngày 24/9/2012 nhưng đến nay chưa quyết toán được gói thầu EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công) dẫn đến chưa quyết toán dự án hoàn thành.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Tập đoàn hóa chất Việt Nam và nhà thầu HQC Trung Quốc đã tiến hành đàm phán 11 đợt để giải quyết các tồn tại của Hợp đồng EPC và bồi thường thiệt hại của nhà thầu do không đạt yêu cầu trong hợp đồng EPC. Tuy nhiên một số tồn tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm bao gồm: Thời gian chậm tiến độ thực hiện hợp đồng. Các thay đổi trong quá trình thi công liên quan đến thay đổi kết cấu, vật liệu cấu kiện sử dụng trong thi công, thiết bị của dự án, hồ sơ thiết bị… Nhà thầu cam kết sẽ cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan cho chủ đầu tư trước ngày 25/6/2016 nhưng tính đến thời điểm 5/9/2016 nhà thầu vẫn chưa cấp đủ.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình của Ngân hàng phát triển Việt Nam thành vốn góp Nhà nước tại Tập đoàn để giảm hệ số lãi vay. Số tiền là hơn 2.700 tỉ đồng.

Mới đây, trong chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành. Tại buổi hội đàm, dự án đạm Ninh Bình cũng là 1 trong 3 dự án được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề cập vì các vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc tích cực phối hợp, chỉ đạo các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang là tổng thầu EPC một số dự án như Nhà máy đạm từ than cám Ninh Bình, Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư Việt Nam giải quyết các vướng mắc, tồn tại các dự án nêu trên.

2. Bộ Công Thương không cấp phép Formosa nhập bùn bô xít.

Về vấn đề này, Báo điện tử Vietnam Net đăng tải Nội dung trao đổi của đại diện Bộ Công Thương với báo chí vào sáng 18/9, đại diện Bộ Công Thương cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra kỹ các thông tin. Trong danh mục hàng hóa nhập khẩu cần sự cấp phép của Bộ Công Thương thì không có mặt hàng bùn hay bột bô xít này. Còn trong danh mục của các bộ chuyên ngành khác thì chúng tôi chưa rõ. Ví dụ, nếu đó là phế liệu thì có thể phải có giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Vì thế, vị đại diện khẳng định: Bộ Công Thương không cấp phép nhập khẩu đối với trường hợp này.

 

Giải thích rõ thêm, đại diện  Bộ Công Thương nói: Giờ vẫn còn các ý kiến tranh luận gọi lô hàng Formosa nhập về là bùn bô xít hay bột bô xít. Nếu là bùn thì mang tính chất phế thải nhiều hơn. Còn các ảnh chụp chiều qua và sáng nay thì có vẻ đó là bột bô xít. “Hiện nay cơ quan chức năng đang lấy mẫu xem thực tế lô hàng Formosa nhập về là cái gì. Căn cứ vào đó mới biết được hàng nhập ấy có giấy phép hay không và nhập đúng hàng ghi trong giấy phép hay không”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

"Còn phía Bộ Công Thương khẳng định mặt hàng Formosa nhập về không thuộc trách nhiệm cấp phép của Bộ Công Thương hay nằm trong danh mục quản lý của Bộ Công Thương như đại diện của Hải quan Vũng Áng đã thông tin cho báo chí trước đó." 

3. Dàn lãnh đạo PVC bị khởi tố: Có dấu hiệu sai phạm ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2?.

Theo nguồn tin của báo điện tử Dân trí, việc ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận cùng một số cá nhân khác tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) bị khởi tố, điều tra có nội dung về việc sử dụng số tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư dự án. PVC được giao làm nhà thầu dự án này có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính Tổng công ty đã ký với các nhà thầu phụ cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký. Ngày 12/1/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý với kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án của Bộ Công Thương và giao Bộ Công Thương chỉ đạo PVN rà soát lại chi phí đầu tư trước khi phê duyệt điều chỉnh hợp đồng EPC. 

4. Bắt thuốc lá lậu sẽ được hỗ trợ 4.500 đồng/bao.

Đây là nội dung quy định về mức hỗ trợ cho các lực lượng chức năng phòng chống thuốc lá lậu tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế huy động kinh phí hỗ trợ hoạt động phòng chống buôn lậu thuốc lá vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến trước khi ban hành. Mức hỗ trợ này tăng 1.000 đồng/bao so với hiện nay (3.500 đồng/bao).

Hiện, công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá được thực hiện ở nhiều nơi, địa phương (vùng giáp biên và cảng biển, hàng không) như lực lượng như: hải quan, biên phòng, Ban chỉ đạo 389 tại các địa phương, thuế, công an... Tuy nhiên, tham gia nhiều nhất vẫn là lực lượng quản lý thị trường ở các Sở Công Thương. 

5. Bộ Công Thương sẽ quản lý giá sữa.


Báo chí đưa tin, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 177/2013/NĐ-CP vừa được Bộ Tài chính chính thức trình Chính phủ ký ban hành, việc quản lý, thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, sẽ được chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương quản lý cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài, qua đó có thể nắm được tình hình giá sữa nhập khẩu của các thị trường, diễn biến giá, nguồn cung thị trường thế giới và đồng thời có hệ thống cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh. Do đó, khi Bộ Tài chính chủ trì thực hiện bình ổn giá sữa nêu trên phụ thuộc nhiều vào công tác phối hợp của các bộ chuyên ngành. Trên cơ sở thực tiễn điều hành, quản lý giá sữa trong thời gian vừa qua cho thấy, vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông sữa trên thị trường, do hơn 70% nguồn cung sữa bột trong nước là nguồn sữa nhập khẩu. 

6. Xuất siêu: Vừa mừng vừa lo.

Báo Doanh nhân Sài gòn đưa tin, Tám tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,45 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu đến 3,6 tỷ USD (theo Tổng cục Thống kê). Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy yếu, nợ công tăng cao thì hoạt động xuất nhập khẩu được xem như một gam màu sáng, tuy nhiên, thực tế vẫn còn đáng ngại.

LH (Nguồn VP Bộ CT)