banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 14/9
Cập nhật lúc 08:40 ngày 15/09/2016

Trong ngày 14 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá bán lẻ điện và thóc, gạo; Thủy điện sông Bung 2:Quảng Nam họp, trách nhiệm Bộ Công Thương; Minh bạch quyền lực của Bộ Công Thương; Việt Nam trì hoãn tham gia EITI: Lỗi tại Bộ Công Thương?; Nông dân “tiền mất, tật mang”, trắng tay vì phân bón giả.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá bán lẻ điện và thóc, gạo.

Tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 177 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Bộ Tài chính vừa có đề xuất bỏ nội dung lập quỹ bình ổn giá đối với điện bán lẻ và thóc, gạo tẻ thường.

Sở dĩ có đề xuất này, theo lý giải của Bộ Tài chính, hiện nay trong giá điện vẫn còn một số ít chi phí còn treo lại. Mặt khác, theo lộ trình, tới đây khi thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì việc tồn tại một quỹ tài chính dùng để bình ổn giá bán lẻ điện là không phù hợp.

Đối với mặt hàng thóc, gạo tẻ thường, việc thực hiện chính sách thu mua tạm trữ thóc, gạo đã góp phần giữ ổn định mức giá trong nước. Do đó, việc lập quỹ bình ốn giá đối với thóc, gạo tẻ thường là không cần thiết. 

2. Thủy điện sông Bung 2: Quảng Nam họp, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương.


Sáng ngày 14/9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo khẩn để thông tin về sự cố vỡ đường ống  xảy ra tại công trình Thủy điện Sông Bung 2 làm 2 người chết, 22 bị lũ cuốn trôi chưa tìm thấy.

Tại cuộc họp báo, phóng viên đã nhắc lại những cảnh báo liên quan đến dự án này: Ban quản lý Dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong đó có một số nhà thầu yếu về năng lực; năng lực quản lý dự án của Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2 còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm; CTCP Tư vấn xây dựng điện 3 lần đầu tiên làm tư vấn chính cho dự án có quy mô lớn như Sông Bung 2.

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Sở Công Thương tỉnh và UBND tỉnh Quảng Nam không nhận được báo cáo này của EVN. Vì UBND tỉnh chỉ quản lý dự án thủy điện có công suất thấp theo quy định, còn dự án Thủy điện Sông Bung 2 có công suất lớn nên do EVN quản lý. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương và Bộ này sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Toàn cũng cho biết, nguyên nhân về sự cố của Thủy điện Sông Bung 2 sẽ được các cơ quan Trung ương vào cuộc tìm ra nguyên nhân trên cơ sở khoa học, khi tìm ra nguyên nhân sẽ quy trách nhiệm rõ ràng các bên liên quan. 

3. Minh bạch quyền lực của Bộ Công Thương.

Tiếp tục phiên họp thứ ba, sáng 14/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú trình bày tờ trình dự án luật.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhận xét, đọc dự thảo luật có cảm giác nặng nề, khi thiên về quản lý nhiều hơn là phát triển ngoại thương.

“Quyền lực của Bộ trưởng, của Bộ Công Thương tại dự thảo luật là rất lớn, vậy điều khoản nào để minh bạch quyền lực này?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương.

4. Việt Nam trì hoãn tham gia EITI: Lỗi tại Bộ Công Thương?


Dù Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận EITI từ năm 2007 nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn này kéo dài lên đến gần 10 năm có thể xuất phát từ việc chỉ định sai cơ quan đầu mối xem xét thực thi là Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương chủ quản nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước, “vì vậy, Bộ không chỉ cân nhắc lợi ích dưới góc độ quản lý nhà nước mà còn có thể cân nhắc dưới góc độ một nhà đầu tư. Mà trên thực tế, quan hệ này lại có những điểm “đặc biệt” – ông Tuấn nói.

Theo bà Trần Thị Thanh Thủy – Đại diện Liên minh Khoáng sản, hiện nay, tiến trình xem xét EITI được giao cho Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Công Thương, chính xác là một cán bộ phụ trách. Tuy nhiên, lộ trình của Bộ Công Thương gần như không tiếp cận được bởi Bộ này chỉ gửi tham vấn tới một số bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ TNMT và những bên liên quan. Những thông tin này đều được đóng dấu mật và không được phép tiết lộ ra bên ngoài. Bà Thủy đánh giá, việc Bộ Công Thương một mình xây dựng tiến trình và các biểu mẫu mà không có sự tham gia của các tổ chức xã hội, các DN, cũng như sự hỗ trợ chuyên môn khác là “lợi ích nhóm” là nguyên nhân chính khiến tiến trình bị gián đoạn. 

5. Nông dân “tiền mất, tật mang”, trắng tay vì phân bón giả.

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực phân bón hiện nay còn rất nhiều bất cập. Đơn cử như ngành nông nghiệp, vốn am hiểu về nông nghiệp và gần gũi với bà con nông dân, lại chỉ được giao quản lý 10% tỷ lệ phân bón. Trong khi ngành Công Thương, được giao quản lý đến 90% lại không có chuyên môn về lĩnh vực này. Tất cả đang tạo ra những kẽ hở khiến nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành.

Theo thống kê mới được Bộ Công Thương công bố, mỗi năm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 2,6 tỷ USD.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)