banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 29/8
Cập nhật lúc 04:32 ngày 29/08/2016
Trong ngày 29 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Tổng công ty Giấy: Đầu tư 3000 tỷ đồng rồi chờ...thanh lý!; Xăng sinh học khó cạnh tranh; Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định về mức thu, nộp, quản lý bán hàng đa cấp; Biến tướng điều kiện kinh doanh của Thông tư 20: Cần giảm độc quyền của các hãng lớn; Doanh nghiệp nhỏ lo phá sản vì Bộ Công Thương; Vung tay quá trán, Tập đoàn Dầu khí bị truy thu hơn 4.500 tỷ đồng; Hai phóng viên báo Công Thương bị thu thẻ nhà báo.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Tổng công ty Giấy: Đầu tư 3000 tỷ đồng rồi chờ... thanh lý!


Dân trí điện tử đưa tin về Nhà máy Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt dự án đầu tư vào cuối năm 2003 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Gần 10 năm triển khai và "rót" vào gần 3.000 tỷ đồng, đến nay, công trình ngàn tỷ đang được xây dựng phương án thanh lý và phương án trả khối nợ "khổng lồ". Dự án này được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi), năm 2009, khi chuyển giao chủ đầu tư dự án từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).

Đối với các khoản nợ phải trả, Bộ Công Thương đề nghị Vinapaco tiếp tục thanh toán cho các nhà thầu và Bộ Tài chính tiếp tục trả nợ cho ngân hàng Societe General đối với khoản vay đã đến hạn. Bộ Tài chính cho biết, Bộ Công Thương chưa đưa ra được phương án xử lý dứt điểm đối với khoản nợ phải trả lên tới gần 2.652 tỷ đồng, bao gồm nợ phải trả cho ngân hàng Societe General 465,3 tỷ đồng và nợ phải trả Bộ Tài chính 1.398,9 tỷ đồng.

Với lý do quỹ tích luỹ trả nợ là có hạn, Bộ Tài chính đã "dứt khoát" trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tổng công ty Giấy Việt Nam cân đối thu chi tài chính và có trách nhiệm trả khoản nợ này. Bộ Tài chính đề xuất, sau khi thanh lý nhà máy, sẽ sử dụng nguồn tiền thu được để ưu tiên thanh toán khoản vay nước ngoài là Ngân hàng Societe General trước các khoản vay từ Bộ Tài chính và nợ nhà thầu. 

2. Xăng sinh học khó cạnh tranh.

Trên nhiều bài viết ra ngày hôm nay 29/8 phản ánh về lộ trình “phổ cập” xăng sinh học đến người tiêu dùng càng thêm gian nan bởi giá bán mặt hàng này gần như không còn khả năng cạnh tranh. Hiện chênh lệch giữa giá xăng RON 92 và xăng E5 có phần do chênh lệch từ giá cồn ethanol được sử dụng để phối trộn. Trong đó, vấn đề đáng nói là giá cồn ethanol hiện cao hơn giá xăng khoáng nhập khẩu ở mức đáng kể. Đặc biệt, giá cồn ethanol đã chạm đáy, tức là mức thấp nhất có thể và chắc chắn sẽ không giảm thêm nữa. Nên chỉ trừ khi giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu vọt lên mức cao thì giá xăng E5 mới lội ngược dòng quay về mức cạnh tranh được. Còn nếu vẫn duy trì tình trạng này thì người tiêu dùng lại càng quay lưng với E5 vì giá không cạnh tranh được.

Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), nhận định lộ trình áp dụng xăng sinh học chắc chắn sẽ khó thành công trong bối cảnh này bởi cồn ethanol giá cao lại khan hiếm. Trong khi đó, chủ trương nhất quán là tận dụng nội lực, tránh lãng phí tài sản đã đầu tư để sản xuất loại cồn này nên việc nhập khẩu ethanol cho dù có thể giá thấp hơn là khó được phép. Do vậy, cách duy nhất để giảm giá xăng sinh học hiện nay là giảm thuế môi trường nhưng lại vướng phải “rào cản” ngân sách khó khăn. 

3. Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định về mức thu, nộp, quản lý bán hàng đa cấp.

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để thay thế Thông tư số 197/2014/TT-BTC ngày 18/12/2014. Theo dự thảo, doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Mức thu phí thẩm định được đề xuất như sau: Đối với trường hợp cấp mới, gia hạn Giấy chứng nhận là 5 triệu đồng/1 lần thẩm định còn đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận thì mức phí là 3 triệu đồng/1 lần thẩm định. Dự thảo này cũng nêu rõ, tổ chức thu phí được để lại 90% tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ thẩm định, thu phí theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí. Số tiền phí còn lại (10%), tổ chức thu phí nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của mục lục ngân sách Nhà nước. 

4. Biến tướng điều kiện kinh doanh của Thông tư 20: Cần giảm độc quyền của các hãng lớn.

Tiếp tục bình luận việc Bộ Công Thương khẳng định sẽ bỏ Thông tư 20 nhưng cần đợi Bộ GTVT xây dựng quy định mới có tác dụng tương đương (Thông tư 20) tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty luật Basico cho rằng: Thay vì xóa bỏ các quy định vô lý để không cản trở quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương còn đề xuất thêm những quy định tạo nguy cơ đẩy các DN kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe hơi tư nhân tới khả năng phải đóng cửa.

Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc bãi bỏ Thông tư 20 đã được nêu ra thời gian qua trên nhiều diễn đàn. Thậm chí có ý kiến đặt thẳng vấn đề, liệu Bộ Công Thương nói vì người tiêu dùng, nhưng thời gian qua, bộ này đã bao nhiêu lần nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về việc không được bảo hành sản phẩm chính hãng? Ngoài ra, với lý do bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, vậy sao lại chỉ quy định với xe dưới 9 chỗ trong khi các xe 16 chỗ, 24 chỗ, 45 chỗ cũng tham gia gia thông, vận chuyển hành khách lại không bị áp dụng. Vì vậy nghi ngờ của người dân về việc có lợi ích nhóm cũng là điều dễ hiểu”, một DN cho thuê xe ở Hà Nội nêu ý kiến. 

5. Doanh nghiệp nhỏ lo phá sản vì Bộ Công Thương.

Đó là tiêu đề bài viết đăng trên trang nhất Báo Tuổi trẻ 29/8, theo phản ánh, tác giả bài viết cho rằng, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vì Nghị định 19/2016 do Bộ Công Thương soạn thảo, đưa ra những yêu cầu “khủng” về kinh doanh khí. Các chuyên gia cho rằng quy định này có thể loại hết doanh nghiệp nhỏ, dành thị trường cho doanh nghiệp lớn. Nghị định vừa có hiệu lực, hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh gas đã phải gửi đơn thư đề nghị gỡ quy định và chờ đợi. Thậm chí có doanh nhân bày tỏ quyết tâm sẽ về tận Hà Nội căng băng rôn yêu cầu sửa lại nghị định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu đơn vị chức năng của bộ nghiên cứu để đề xuất sửa Nghị định 19/2016. Điều này là theo đúng tinh thần các chính sách phải đảm bảo sát và phù hợp với yêu cầu cuộc sống. Về xem xét trách nhiệm cán bộ, trước mắt sẽ tập trung sửa quy định, sau đó tập trung xử lý theo đúng tinh thần tái cơ cấu Bộ Công Thương, đó là xây dựng bộ máy theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, cán bộ phải theo tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng chính sách kịp thời và phải phù hợp với thực tiễn. 

6. Vung tay quá trán, Tập đoàn Dầu khí bị truy thu hơn 4500 tỷ đồng.


Tại buổi họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 (tiến độ tài chính ngân sách 2014), đại diện Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp những thông tin các khoản thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty được điều chỉnh tăng 6.220 tỷ đồng.

Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phải nộp thêm 4.562,81 tỷ đồng, Tổng công ty bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) phải nộp thêm 210,3 tỷ đồng, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) phải nộp thêm 128,3 tỷ đồng, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải nộp thêm 99,22 tỷ đồng... Hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút. 5/38 tập đoàn, tổng công ty hoạt động thua lỗ. Một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra, một số đơn vị được kiểm toán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý, mua sắm, sữa chữa tài sản (một số đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM)…

7. Hai phóng viên báo Công Thương bị thu thẻ nhà báo.

Trên nhiều báo, đài đưa tin ngày 25/8, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ra Quyết định thu hồi thẻ nhà báo của bà Vũ Thị Thành Huế và bà Lê Thị Xuyến, công tác tại báo Công Thương do vi phạm các quy định về hoạt động nghiệp vụ báo chí. Cụ thể, 2 phóng viên này sau khi tìm hiểu một số sai phạm trong xây dựng tại huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng đã đề xuất người vi phạm "ký hợp đồng quảng cáo, tuyên truyền trên báo, cần thì xuất hóa đơn không cần thì không xuất, không cần đăng tải gì cả, coi như hỗ trợ báo". 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)