banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 26/8
Cập nhật lúc 06:56 ngày 26/08/2016
Trong ngày 26 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Mòn mỏi đợi thông tin doanh nghiệp nhà nước; Sốt ruột vì Nhiệt điện BOT Hải dương chậm tiến độ; Xuất khẩu dệt may vướng trở ngại kép; Công nghiệp trọng điểm, nhiều mũi nhọn quá hóa... cùn; Bộ Công Thương: Tỷ lệ hàng Việt không giảm tại các chuỗi siêu thị ngoại; Công ty đa cấp MLM bị rút giấy phép sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Mòn mỏi đợi thông tin doanh nghiệp nhà nước.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến ngày 15/7, tức 8 tháng sau khi Nghị định 81/2015/HĐ-CP về công bố thông tin doanh nghiệp (DN) nhà nước có hiệu lực, trong số 31 tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, duy nhất có Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VINACEM) công bố 6 trong 7 báo cáo đến thời hạn phải công bố.

Tuy vậy, việc công khai vi phạm của các DN vẫn chưa phải là công việc dễ làm với các cơ quan quản lý nhà nước, dù đã có quy định của luật. Đây cũng là lý do gây nên những mối lo thường trực về chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực DN nhà nước. 

2. Sốt ruột vì Nhiệt điện BOT Hải dương chậm tiến độ.


Báo Đầu tư phản ánh, tuy nằm trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhưng dự án này lại do phía Bộ Công Thương quản lý, do vậy mọi thông tin chi tiết liên quan đến chủ đầu tư, tình hình triển khai cụ thể… sẽ do bộ này nắm.

Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Thủ tướng đã giao “Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2016 về năng lực của nhà đầu tư, những khó khăn, tồn tại dẫn đến việc chậm tiến độ dự án 39 tháng, đề xuất phương án xử lý”.

Chính phủ cũng đang rất sốt ruột trước tình trạng nhiều DA BOT ngành điện chậm triển khai, tắc trong làm thủ tục đầu tư. 

3. Xuất khẩu dệt may vướng trở ngại kép.

Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do khủng hoảng kép về đơn hàng lẫn đơn giá, khiến nhiều DN quan ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu cho cả năm 2016.

Hiệp định TPP được kỳ vọng đem lại lợi thế lớn cho ngành dệt may, nhưng đến nay chưa được phê chuẩn, trong khi những hiệu ứng bất lợi đã gây nhiều khó khăn cho DN.

4. Công nghiệp trọng điểm, nhiều mũi nhọn quá hóa... cùn.

Đó là ý kiến được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước chỉ ra tại tọa đàm khoa học quốc tế "Chính sách công nghiệp: Thực trạng và định hướng đổi mới", do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức hôm qua (25.8) tại Hà Nội. Mục tiêu quá tham vọng, lĩnh vực ưu tiên dàn hàng ngang cộng với việc tổ chức thực hiện kém là lý do khiến ngành công nghiệp của VN vẫn èo uột.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), ông Trương Thanh Hoài thừa nhận các đề án, chiến lược trước đây không thực hiện được vì duy ý chí. Chiến lược cơ khí trọng điểm năm 2003 coi thép chế tạo, tuabin là ngành mũi nhọn. Sau hơn một thập niên, VN vẫn chưa sản xuất được 1 kg thép chế tạo, tuabin thì hầu như không tưởng, còn công nghiệp hỗ trợ gần như không có gì. Với công nghiệp ô tô, ông Hoài cho rằng "không hẳn thất bại" mà chỉ là mục tiêu ban đầu quá cao, không phù hợp với dung lượng thị trường nên các doanh nghiệp không thể chú tâm vào nội địa hóa.

Quy hoạch định hướng đến 2025, tầm nhìn 2035 được ban hành, nhưng Đảng đã nhận thấy nhiều hạn chế, không phù hợp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Do vậy, Ban Kinh tế T.Ư được Bộ Chính trị giao chủ trì sửa đổi, hoàn thiện đề án để trình Bộ Chính trị vào tháng 11.2016.

5. Bộ Công Thương: Tỷ lệ hàng Việt không giảm tại các chuỗi siêu thị ngoại.


Trước những thông tin doanh nghiệp Việt Nam gần đây lên tiếng họ bị chuỗi siêu thị Big C sau khi được Tập đoàn Central Group (Thái Lan) thâu tóm gây khó dễ, tăng tỷ lệ chiết khấu, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết qua phản ánh từ báo chí, Bộ Công Thương đã nhiều lần làm việc với các chuỗi phân phối lớn, các công ty bán lẻ ngoại đã cam kết ưu tiên phân phối hàng Việt Nam và các Sở Công Thương đã báo cáo rằng tỷ lệ hàng Việt ở đó không có nhiều thay đổi.

Bà Nga cũng cho biết thêm, Chính phủ có thể kiểm soát được các doanh nghiệp bán lẻ của nước ngoài, thông qua Luật Quản lý cạnh tranh, Quản lý giá, và nhiều luật khác.

Sau 7 năm phát động CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ hàng Việt trong các chuỗi phân phối đã đạt hơn 80%, thậm chí đạt trên 90% tại một số chuỗi siêu lớn nước như Saigon Co.op và Hapro. Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận là “còn nhiều việc phải làm” để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc ngay ở thị trường trong nước, bởi trong quá trình hội nhập, hàng nước ngoài sẽ vào Việt Nam.

6. Công ty đa cấp MLM bị rút giấy phép sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Cục Quản lý cạnh tranh đã chính thức tuyên bố thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam.

Việc thu hồi giấy chứng nhận của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không giải phóng các doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 19/7/2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt MLM Việt Nam với tổng số tiền phạt là 350 triệu đồng vì một số vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)