banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 17/8
Cập nhật lúc 07:00 ngày 17/08/2016

Trong ngày 17 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Nhà máy đạm Ninh Bình tái hoạt động, công nhân đi vòng quanh vớt xác cá; Cam kết bao tiêu sản phẩm Lọc hóa dầu Nghi Sơn: PVN “xin” cơ chế gánh lỗ; Săm lốp xe đạp Việt Nam tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá; Thí điểm đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2016; Doanh nghiệp EU phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Nhà máy đạm Ninh Bình tái hoạt động, công nhân đi vòng quanh vớt xác cá. Theo bài viết phản ánh của báo Tiền phong, Ông Vũ Văn Nhẫn – Tổng giám đốc Nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết, dây chuyền sản xuất của nhà máy dừng hoạt động từ cuối tháng 3/2016. Đến ngày 1/6, Ban giám đốc phát lệnh triệu tập công nhân trở lại làm việc. Sau vài ngày tập huấn, tới ngày 5/6 nhà máy đốt lò tái khởi động dây chuyền sản xuất. 


Cùng ngày, nhà máy có cuộc họp yêu cầu thanh tra, kiểm tra các vấn đề còn tồn tại. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh yêu cầu Thanh tra Bộ phối hợp với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam sớm quyết toán khâu đầu tư của dự án, báo cáo kịp thời để tìm hướng giải quyết, khắc phục. Kể từ đó tới ngày 18/6, Nhà máy Đạm Ninh Bình chính thức cho ra tấn urê đầu tiên sau thời gian dài tạm dừng máy móc để đại tu, sửa chữa, bảo dưỡng theo quy định.

Nhưng điều đáng nói chỉ sau ít ngày khởi động trở lại, Nhà máy Đạm Ninh Bình có dấu hiệu tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên kênh điều hoà bao quanh nhà máy. Công nhân đã được huy động đi vớt xác cá. Cho rằng Nhà máy Đạm Ninh Bình là nguyên nhân gây ô nhiễm, người dân xã Khánh Phú, Yên Khánh đã tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng và phản ánh đến báo chí.

2. Cam kết bao tiêu sản phẩm Lọc hóa dầu Nghi Sơn: PVN “xin” cơ chế gánh lỗ. Trên nhiều bài báo ra ngày hôm nay phản ánh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang đứng trước nguy cơ phải bù lỗ khi Liên doanh Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2017) do những tính toán sai lầm trước đó về việc bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Chính vì điều này, PVN đang xin Chính phủ cơ chế để có nguồn bù lỗ. 

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc cam kết bao tiêu sản phẩm đối với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là lợi bất cập hại. Theo đó, để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn, các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ cam kết quá nhiều ưu đãi cho dự án này, trong khi không tính toán hết đến việc tới đây thị trường xăng dầu theo các cam kết hội nhập sẽ phải mở cửa. Theo đó, từ năm 2015, thuế nhập khẩu một số mặt hàng dầu đã về 0% đối với nguồn được xác định nhập khẩu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc, tới năm 2024, tất cả các sản phẩm xăng dầu sẽ về 0%.

Trưởng ban Chế biến thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho rằng, PVN sẽ khó có thể gánh khoản bao tiêu lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, mà đang xin Chính phủ cơ chế để bù lỗ. Chúng ta đã cam kết với nhà đầu tư không phải chuyện nói chơi, nhưng gỡ bằng cách nào thì phụ thuộc Chính phủ, chúng tôi chưa thể có câu trả lời được.

3. Săm lốp xe đạp Việt Nam tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm săm lốp xe đạp nhập khẩu từ Đài Loan, Srilanka và Việt Nam với mức thuế từ 0,73-2,02 USD/kg. Đó là thông tin được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ngày 16/8 thông báo nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ về việc Tổng vụ nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm săm lốp xe đạp nhập khẩu từ Đài Loan, Srilanka và Việt Nam.


Cụ thể, đối với mặt hàng thuộc mã HS 4011.50 mức thuế là 0,73 USD/kg. Đối với mặt hàng thuộc mã HS 4013.20 có mức thuế là 2,02 USD/kg. Đồng thời, mức thuế chống bán phá giá được áp bổ sung đối với phụ kiện săm lốp xe đạp thuộc mã HS 8714.99.90 của các sản phẩm thuộc 2 mã HS nêu trên cũng ở mức tương ứng với các mức nêu trên. Trước đó, năm 2004 Thổ Nhĩ Kỳ đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nêu trên nhập khẩu từ Việt Nam; năm 2010 Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành rà soát và tiếp tục áp thuế với mức 30%-44%.

4. Thí điểm đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2016. Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 17/8 đưa thông tin về Quyết định 3084/QĐ-HĐGHNNKĐ của Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 25/7/2016 về Quy chế này quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016: Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016 (HS 1701). Quy chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016, các thương nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.


Thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện được đăng ký tham gia đáu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Theo đó, Thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 40.000 tấn đường thô. Thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch nhập khẩu 45.000 tấn đường tinh luyện.

5. Doanh nghiệp EU phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vừa công bố khảo sát, hơn 53% doanh nghiệp EU phản hồi môi trường kinh doanh tại Việt Nam "ổn định và cải thiện". Đây là kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh quý II/2016 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố.


 

Con số này cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu vẫn có những phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán số lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp theo và đang lên kế hoạch tiếp tục gia tăng đầu tư. Đây là một dấu hiệu tốt trong việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)