banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 12/8
Cập nhật lúc 08:34 ngày 13/08/2016

Trong ngày 12 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như:  Việt Nam trước nguy cơ mất vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo; Petrolimex báo lãi hơn 2.800 tỉ đồng trong 6 tháng; Mỹ nêu lý do cấm nhập khẩu lô cá da trơn từ Việt Nam; Mỹ nêu lý do cấm nhập khẩu lô cá da trơn từ Việt Nam; Chính thức dừng dự án nhà máy thép Quảng Liên Dung Quất; Thương mại Việt Nam - EU phát triển nhanh; Sẽ có chứng nhận chợ an toàn thực phẩm.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Việt Nam trước nguy cơ mất vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo. Thông tin trên các báo cho biết, do không ký được hợp đồng xuất khẩu lớn ở các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam bí đầu ra. Tại thị trường trong và ngoài nước, gạo Thái Lan vẫn ở đẳng cấp cao, gạo Campuchia ngày càng tiến lên khẳng định vị thế, còn Việt Nam đang tụt lại và có nguy cơ mất vị trí thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo.


Sau nhiều năm chiếm giữ ngôi vị thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, giờ đây, gạo Việt lâm cảnh bế tắc đầu ra với rất nhiều nguyên nhân. Và, sau mấy chục năm phát triển mạnh mẽ, gạo Việt lại quay về với câu chuyện nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để giữ thị phần.

2. Petrolimex báo lãi hơn 2.800 tỉ đồng trong 6 tháng. Tại báo cáo giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Petrolimex cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh tăng so với cùng kỳ năm ngoái là: thứ nhất, doanh thu hoạt động tài chính tăng do công ty mẹ nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty con, công ty liên kết tăng và lãi do chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ. Thứ hai là bởi chi phí hoạt động tài chính giảm, do công ty mẹ hoàn nhập dự phòng vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết vì các đơn vị này hoạt động có lãi so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, phần lợi nhuận lớn có thể đến từ việc doanh nghiệp hưởng lợi khi tính thuế bình quân gia quyền.

3. Mỹ nêu lý do cấm nhập khẩu lô cá da trơn từ Việt Nam. Tổ chức Giám sát Thực phẩm và Nước (FWW) cho biết Cơ quan An toàn và Kiểm tra Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã từ chối cấp phép nhập khẩu đối với một lô hàng cá da trơn của Việt Nam vì bị cáo buộc dư lượng hóa chất cấm.

Các quan chức Cơ quan này đã tiến hành xét nghiệm khoảng 20 tấn cá da trơn có xuất xứ từ Việt Nam và đã phát hiện dấu vết của hóa chất malechite green, một loại thuốc thú y dùng để điều trị cho cá bị bệnh.

4. Chính thức dừng dự án nhà máy thép Quảng Liên Dung Quất. Quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư này được ban hành vào tháng 7/2016 với lý do nhà đầu tư đã vi phạm Luật Đầu tư và Luật Đất đai sau khoảng 10 năm cấp phép đầu tư và điều chỉnh thay đổi nhiều lần.

Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án thép Quảng Liên thuộc Khu kinh tế Dung Quất. Báo cáo kết luận của thanh tra cho thấy có đủ điều kiện để cơ quan quản lý ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.

Suốt 10 năm qua, tiến độ xây dựng dự án quá chậm, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai… Sau khi hoàn thành, một số thủ tục khác như thanh lý tài sản của nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi sẽ ra quyết định rút giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Quảng Liên.

5. Thương mại Việt Nam - EU phát triển nhanh. Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và EU đã đạt 21,2 tỷ tỷ USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 16,2 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ năm 2015 và nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 4,97 tỷ USD, tăng 10,28%.

Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính.

Cũng trong 6 tháng, Việt Nam nhập khẩu từ hầu hết các nước thành viên EU, chủ yếu là những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc còn thiếu như máy móc-thiết bị-dụng cụ, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa.

6. Sẽ có chứng nhận chợ an toàn thực phẩm. Tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công – tư và kết nối hàng Việt với các kênh phân phối” được tổ chức ngày 11/8 tại TP.HCM, bà Trần Thị Hoàng Mai, tổng thư ký Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho biết Bộ Công Thương đang xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm, dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2017. Chứng nhận này sẽ trao cho những chợ có kinh doanh thực phẩm đã bảo đảm được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo niềm tin, thu hút được nhiều người tiêu dùng đến với chợ truyền thống hơn.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp phản ánh sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt nhưng khó bán tại siêu thị, còn ở kênh truyền thống, hàng Việt Nam phải đấu tranh với hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)