banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 11/8
Cập nhật lúc 08:02 ngày 11/08/2016

Trong ngày 11 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: EVN nói gì về “lõi cột điện bê tông không có thép”; Nông sản xuất khẩu phụ thuộc một thị trường; Vẫn thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc; Thua lỗ nghìn tỷ vẫn thăng tiến chóng mặt; Bỏ độc quyền nhập khẩu ô tô, nhưng cần minh bạch..

Thông tin cụ thể như sau:

1. EVN nói gì về “lõi cột điện bê tông không có thép”.

Báo chí tiếp tục phản ánh về cơn bão số 1 (tên quốc tế Mirinae) xảy ra ngày 27/7 đã gây thiệt hại đối với hệ thống lưới điện. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, cột điện thuộc đường dây 22kV Lý Nhân - Hòa Hậu bị gãy. Có ý kiến cho rằng cột điện này chỉ có sỏi và xi măng, lõi cột không có thép. Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, đơn vị đã kiểm tra toàn bộ các tuyến đường dây có cột điện bị gãy, đổ, phát hiện trên tuyến đường dây 22kV Lý Nhân - Hòa Hậu có 64 vị trí cột bị gãy, đổ gồm các cột bê tông cốt thép thường và các cột bê tông được áp dụng công nghệ bê tông dự ứng lực (bê tông ly tâm ứng suất trước) sử dụng lõi thép cường độ cao.

Trao đổi những lo ngại về cột bê tông ly tâm ứng suất trước có ít thép sẽ ảnh hưởng đến sức chịu đựng của đường dây, Trưởng ban Đào tạo – Hiệp hội Doanh nghiệp Cọc bê tông phía Nam – ông Trần Anh Trọng Ni cho biết, trên thế giới, việc sản xuất các sản phẩm như trụ điện, cọc cừ bê tông ly tâm, ván bê tông, tà vẹt bê tông…bằng công nghệ dự ứng lực (còn gọi là tiền áp) đã có từ lâu. Cột bê tông dạng này có nhiều ưu điểm, khắc phục được các nhược điểm không ứng lực của loại sản phẩm sản xuất theo công nghệ thường.

2. Nông sản xuất khẩu phụ thuộc một thị trường.

Trên bản tin thời sự 19h ngày 10/8 Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh, thị trường Việt Nam đã nhiều lần chứng kiến thanh long tụt giá ở mức khó tin chỉ còn 2.000 đồng - 5.000đồng/kg. Trong khi đó, để có lãi bà con nông dân phải bán được với giá 10.000 đồng/kg. Tại Bình Thuận, cả một vùng thanh long rộng lớn sản lượng lên tới gần 600.000 tấn chỉ trông vào một thị trường Trung Quốc thì đã có chuyện chỉ một nhóm thương lái nhưng lại có thể chi phối cả một ngành hàng.

Theo các cơ quan chức năng, hoạt động làm giá với trái thanh long Bình Thuận của các tư thương Trung Quốc là có cơ sở. Từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt hành chính 17 cá nhân người Trung Quốc liên quan đến hoạt động mua bán thanh long. Chiêu thức thương lái Trung Quốc đưa ra là họ nói giá mua rất cao, tuy nhiên sau khi thanh long cắt xong họ chỉ lấy một vài lô giá cao, còn lại chê trái xấu ép hạ giá xuống dù trái rất đẹp. Người trồng thanh long đành chịu vì chuyện thương lái Trung Quốc tùy nghi "nâng lên, đặt xuống". Ai cũng nghĩ không bán cho Trung Quốc thì bán cho ai?

3. Vẫn thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.

Báo Đầu tư nhận định, những nỗ lực đẩy mạnh giao thương, xuất khẩu giúp Việt Nam thặng dư thương mại với các châu lục khác, trừ châu Á do nhập siêu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm lên tới 16,7 tỉ USD. Điều đó cho thấy kinh tế nước ta vẫn chưa cải thiện được tình trạng phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc . Không chỉ quần áo may sẵn, giày dép, đồ chơi trẻ em, hàng tiêu dùng, nông sản Trung Quốc  đã tràn ngập thị trường trong nước.


Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với kỳ vọng doanh nghiệp trong nước có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, dù hàng rào thuế quan không còn nhưng các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm lại mọc lên khiến hàng Việt khó tăng kim ngạch. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc lại quá lớn khiến thặng dư thương mại thấp. 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các giải pháp giảm phụ thuộc Trung Quốc  về kinh tế của cơ quan quản lý thời gian qua chỉ là phần ngọn. Cái gốc của vấn đề là phải nâng sức cạnh tranh cho hàng nội địa, làm cho nền kinh tế Việt Nam mạnh lên.

4. Thua lỗ nghìn tỷ vẫn thăng tiến chóng mặt.

Trên nhiều báo ra ngày hôm nay 11/8 phản ánh về nội dung vấn đề này, đặc biệt trên trang nhất Báo Tiền phong đăng bài viết “ Bộ Công Thương: Thua lỗ nghìn tỷ vẫn thăng tiến chóng mặt”. Bài viết phản ánh việc ông Vũ Đình Duy trong 2 năm sau khi rời khỏi chức vụ TGĐ Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), để lại dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ đối mặt thua lỗ nặng, 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất, ông Vũ Đình Duy được luân chuyển qua nhiều vị trí khác nhau với những quyết định bổ nhiệm để lại nhiều điều tiếng.

Bài báo nhấn mạnh: Thậm chí, chỉ một ngày trước khi Bộ Công Thương có Bộ trưởng mới, ông Vũ Đình Duy (sinh năm 1975, có học vị Thạc sỹ Công nghệ hóa học), tiếp tục được điều động làm Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho đến nay.

Sau khi bài viết đăng tải, có nhiều bình luận của độc giả tỏ phản ứng gay gắt về vấn đề này.

5. Bỏ độc quyền nhập khẩu ô tô, nhưng cần minh bạch.

Ngay chính một doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng cũng khẳng định: Chấp nhận bỏ Thông tư 20, miễn sao pháp luật phải đảm bảo công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp (DN).

Sáng 11/8, diễn đàn “Nhập ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20” đã được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý nêu ý kiến quanh Thông tư 20 của Bộ Công Thương. Nhiều ý kiến đưa ra tại Hội nghị tập trung kiến nghị bỏ Thông tư này nhưng kèm theo là hàng rào kỹ thuật.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)