banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 05/8
Cập nhật lúc 07:01 ngày 05/08/2016

Trong ngày 05 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Vụ vỡ đường ống nhà máy alumin Nhân Cơ: Đã nhìn trước nguy cơ từ nhà thầu Trung Quốc; Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản liên tục giảm; Nguy cơ mất thị trường bán lẻ đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam; Lượng gạo xuất khẩu 7 tháng giảm 18,4%; Thị trường hàng hóa dịp cuối năm: Tập trung vào khu vực nông thôn; Thép Trung Quốc nghi “đội lốt” thép Việt Nam xuất sang EU: VCCI lên tiếng; Ô tô nhập không chính hãng sắp hết đường về Việt Nam?; Hàng loạt xe sang nhập khẩu dán mác biếu, tặng; Quảng Ninh yêu cầu chấm dứt hoạt động cây xăng Đông Xá.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Về sự cố tràn kiềm do vỡ cổ bơm xảy ra tại nhà máy Alumin Nhân Cơ. 


Tiếp tục thông tin về sự cố này, trên báo Dân trí có bài viết “Vỡ đường ống alumin Nhân Cơ: Đã nhìn trước nguy cơ từ nhà thầu Trung Quốc”. Bài viết phản ánh: Mặc dù phía Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam khẳng định sự cố về vỡ đường ống dẫn hoá chất không gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng giới chuyên gia vẫn cho rằng, đây là một sự cố rất nghiêm trọng, tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng lớn tới môi trường ngang với sự cố tại Formosa.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, công nghệ khiến cho dự án chưa đi vào vận hành, chưa bàn giao đã xảy ra sự cố. Nếu thiết bị, công nghệ không chuẩn sau này còn mang lại nhiều hiểm họa khôn lường. Cần phải nêu rõ trách nhiệm của nhà thầu và có hướng xử lý người có trách nhiệm. Dự án alumin Nhân Cơn ngay trước khi làm đã được nhiều chuyên gia đánh giá là không hiệu quả vì công nghệ lạc hậu, khó có thể cạnh tranh.

2. Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản liên tục giảm

VTV News đưa tin, theo VASEP, chỉ tính riêng trong quý II vừa qua, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản đã giảm tới hơn 1/3 so với cùng kỳ. Nguyên nhân được xác định là do cá ngừ xuất khẩu sang Nhật đang phải chịu mức thuế nhập khẩu khá cao, trong khi các đối thủ như Thái Lan và Philippines lại không phải chịu thuế ở thị trường này.

Cùng với đó, giá thành sản xuất còn cao đang khiến cho giá chào bán của các DN Việt Nam khó cạnh tranh được. Ngoài ra, lo ngại chất lượng không đảm bảo để chế biến sashimi cũng được xem là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá ngừViệt Nam vào thị trường Nhật Bản.

3. Nguy cơ mất thị trường bán lẻ đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

Ngành thủy sản và các doanh nghiệp thiếu chiến lược dài hạn cho thị trường nội địa. Nếu không nhận thức rõ tình hình và không có giải pháp thích hợp, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất trắng thị trường bán lẻ nội địa vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Các nhà sản xuất Việt Nam phải tận dụng tốt hơn nữa sự ủng hộ của người tiêu dùng và chính quyền đối với thương hiệu Việt. Với cơ quan quản lý nhà nước, cần sớm xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam. 

4. Lượng gạo xuất khẩu 7 tháng giảm 18,4%. 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 7 tháng qua, cả nước xuất khẩu 2,93 triệu tấn gạo, đạt 1,32 tỷ USD, giảm 18,4% về lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm khoảng 35% thị phần, Indonesia khoảng 11,6% thị phần...

Dự báo, từ nay đến cuối năm xuất khẩu gạo của nước ta còn gặp nhiều khó khăn do lượng gạo sản xuất trong nước giảm, ảnh hưởng của mưa bão và sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ…

5. Thị trường hàng hóa dịp cuối năm: Tập trung vào khu vực nông thôn. 

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, các doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập ở các thành phố lớn, bởi các nhà phân phối nước ngoài đã chiếm các hệ thống phân phối lớn, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ ở chung cư. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh bán hàng về nông thôn. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt, cần có chương trình thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối, đặc biệt là chính sách hỗ trợ để hình thành những điểm bán hàng Việt cố định ở thị trường nông thôn để hỗ trợ tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.

6. Thép Trung Quốc nghi ‘đội lốt’ thép Việt Nam xuất sang EU: VCCI lên tiếng. 

Chiều 4/8, bà Trần Thị Thu Hương (Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI) đã phản hồi nghi vấn về việc cơ quan này cấp C/O Việt Nam cho thép Trung Quốc rồi xuất qua EU. Theo đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định không cấp C/O cho sản phẩm thép cuộn phủ sơn mà chỉ cấp Giấy chứng nhận.

7. Ô tô nhập không chính hãng sắp hết đường về Việt Nam? VTV News đã đặt ra câu hỏi trong khi số phận Thông tư 20 còn chưa rõ ràng, thì rất có thể, lại thêm một bức tường ngăn ô tô nhập khẩu được dựng lên khiến ô tô nhập không chính hãng sắp hết đường về Việt Nam.

Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo, trong phần hố sơ đăng ký kiểm tra xe, có quy định xe cơ giới nhập khẩu phải nộp Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp, hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. Đây là quy định mới so với trước. Theo các doanh nghiệp, quy định này một lần nữa lại làm khó xe nhập không chính hãng. 

8. Hàng loạt xe sang nhập khẩu dán mác biếu, tặng. 


Trên báo Giao thông đăng tải bài điều tra với tiêu đề “Lật mặt xe sang nhập khẩu dán mác biếu, tặng”. Bài báo này đặt ra nghi vấn về chuyện gian lận nhập ô tô dưới dạng quà biếu. Theo đó, báo Giao thông đã chỉ ra cách thức thông thường mà một số doanh nghiệp, tổ chức đã làm là tìm một đối tác hay người bạn rộng lượng ở nước ngoài, sau đó chấp nhận làm một thỏa thuận gửi biếu tặng cho họ sản phẩm là ô tô hạng sang. Từ đầu năm đến giờ, số liệu thống kê cho thấy, có tới 500 xe ô tô nhập về dưới dạng biếu, tặng.

Trong trường hợp xe đã được chấp nhận trị giá khai báo thấp hoặc xác định trị giá thấp, cơ quan Hải quan phải rà soát, xác minh, kiểm tra, áp dụng các biện pháp để thu hồi tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng chấp nhận, xác định giá thấp; cập nhật lại dữ liệu cả các trường hợp tương tự năm 2015 và 2016 trước ngày 25/8. Ngoài ra, lãnh đạo nào không làm đúng quy định sẽ bị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Hải quan trước ngày 20/8.

Vấn đề nêu trên cũng được nhiều báo quan tâm, đăng tải.

9. Quảng Ninh yêu cầu chấm dứt hoạt động cây xăng Đông Xá. 

Báo chí phản ánh một lượng lớn xăng rò rỉ từ trạm xăng dầu Đông Xá (thôn Đông Thịnh, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đã theo nguồn nước ngầm chảy vào 11 giếng nước sinh hoạt của người dân, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân địa phương. Về việc này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và khắc phục sự cố rò rỉ xăng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực.

Qua kiểm tra thực tế, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu chấm dứt hoạt động cây xăng Đông Xá sau sự cố rò rỉ xăng dầu ra khu dân cư tại thôn Đông Thịnh, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)