banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 20/7
Cập nhật lúc 07:01 ngày 20/07/2016
Trong ngày 20 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Vấn đề xung quanh hội nghị “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016”; PVN kiểm soát chặt việc đầu tư các dự án trọng điểm; Cơ cấu sử dụng điện ở miền Nam đang thay đổi rõ nét; Bất cập thuế nhập khẩu xăng dầu; Xuất khẩu sợi qua Trung Quốc: rủi ro đang đến gần; Xăng giảm mạnh từ 15h chiều nay.

Thông tin cụ thể như sau:

1Vấn đề xung quanh hội nghị “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2016”.


Trên một số báo số ra ngày hôm nay (20/7) có đưa thông tin liên quan đến vấn đề xuất khẩu sau khi Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016” vào ngày 19/7.

Trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, tác giả bài báo “Ảm đạm bức tranh xuất khẩu cuối năm” có phản ánh: Bức tranh xuất khẩu trong những tháng cuối năm rất ảm đạm, vì vậy, mỗi doanh nghiệp (DN) cần chủ động chiến lược tiếp cận, khai thác thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch. Kim ngạch sụt giảm là điều đáng lo ngại, nhưng đáng lo ngại hơn là không ai dám chắc về triển vọng bức tranh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân được cho là từ các yếu tố của các nền kinh tế, kinh tế toàn cầu chậm phục hồi, chưa vững chắc, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu tăng chậm lại thì DN của Việt Nam còn phải đối mặt với các rào cản phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật gia tăng.

Tại hội nghị, nhiều DN nêu tình trạng thiếu nguồn nhân sự kỹ thuật có tay nghề và tình trạng các DN vẫn còn rất mù mờ về các thông tin thị trường quốc tế. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, các hiệp hội và DN cũng cần năng động, chủ động trong chiến lược kinh doanh của đơn vị mình. Hiện, Bộ cũng đã lập đường dây nóng để hỗ trợ cho các DN xuất nhập khẩu và Bộ sẽ làm việc cụ thể với các hiệp hội ngành hàng để tìm ra giải pháp.

Cũng đưa thông tin về hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sáu tháng cuối năm 2016, trên báo Tuổi trẻ TP.HCM có bài viết phản ánh về các thủ tục làm khó xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đề nghị sớm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, các quy định bất hợp lý, tạo điều kiện để DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh nhu cầu thị trường và đơn giá xuất khẩu của một số ngành hàng chủ lực giảm mạnh. Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có những quy định chưa phù hợp với thực tế và Bộ đang phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết nhanh những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.

2. PVN kiểm soát chặt việc đầu tư các dự án trọng điểm.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ kiểm soát chặt việc đầu tư các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án nhiệt điện và các dự án lọc hóa dầu theo đúng tiến độ đề ra.

Theo báo cáo từ PVN, trong nửa đầu năm 2016, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí và các dự án trọng điểm của Tập đoàn được kiểm soát chặt chẽ. Giá trị thực hiện đầu tư 6 tháng đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Tập đoàn cũng đã tập trung rà soát kế hoạch đầu tư năm 2016; chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn, đầu tư theo trọng điểm, không đầu tư các dự án không có khả năng thu xếp vốn, hiệu quả kinh tế - xã hội không cao; lắp đặt thành công cụm máy phát tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào ngày 12/4/2016; hoàn thành công tác lắp đặt phần áp lực, hoàn thành thử kín bằng khí để chuẩn bị thử áp Lò hơi số 1 Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2…

3. Cơ cấu sử dụng điện ở miền Nam đang thay đổi rõ nét.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trên thực tế nhu cầu sử dụng điện trong 6 tháng đầu năm nay có thể nhận thấy các tỉnh miền Nam đang có sự dịch chuyển về cơ cấu sử dụng điện khá rõ nét.

Với việc dịch chuyển cơ cấu sử dụng điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành miền Nam (trừ TPHCM), Tổng Công ty Điện lực miền Nam dự báo sản lượng điện thương phẩm toàn Tổng Công ty trong thời gian tới sẽ giảm dần. 

4. Bất cập thuế nhập khẩu xăng dầu.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cùng các chuyên gia cho rằng, cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với mặt hàng xăng dầu hiện nay giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thu lợi lớn mỗi ngày.

Câu chuyện về áp thuế nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN và Hàn Quốc đang là “bài toán khó” với Bộ Tài chính, khi liên tiếp trong thời gian gần đây, Hiệp hội Xăng dầu (VINPA), Bộ Công Thương và cả các chuyên gia trong ngành có văn bản đề nghị cần xem xét lại.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA cho biết, ngày 17/3/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48 áp mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng là 20%, các mặt hàng dầu là 7%. Cách áp mức thuế nhập khẩu này gây chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, gây bức xúc cho dư luận xã hội.

Theo đại diện VINPA, Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 39 đều quy định giá cơ sở bao gồm 11 yếu tố trong đó có thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã điều hành, cách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở không đúng với Nghị định 83/2014/NĐ-CP và thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC. “Bất cập ở chỗ, việc Bộ Tài chính cho áp thuế theo văn bản 4536/BTC-QLG với mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 18,35% đối với xăng và 2,32% đối với dầu diesel thì mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao. Theo đó, giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng, bất cập này không được xử lý triệt để gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

5. Xuất khẩu sợi qua Trung Quốc: Rủi ro đang đến gần.


Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hơn 50% sản phẩm sợi của Việt Nam, đặc biệt sau khi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện có những diễn biến khiến doanh nghiệp xuất khẩu sợi có thể gặp rủi ro sắp tới khi quá phụ thuộc vào thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), cho biết trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm hết 1/3 lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thị trường này áp thuế chống bán phá giá với sợi Việt Nam trong vài năm qua, khiến doanh nghiệp chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này lại cạnh tranh với sản xuất sợi tại Trung Quốc cũng như ảnh hưởng ngành bông trong nước vốn được Trung Quốc khuyến khích phát triển. Chính phủ Trung Quốc vừa qua đã tạo dựng đặc khu kinh tế ở Tân Cương với các ưu đãi như giá điện tại đây chỉ bằng 1/2 so với giá điện chung tại Trung Quốc, và doanh nghiệp được Chính phủ tài trợ 1/3 lương lao động,… Do đó, chỉ trong 2-3 năm qua, đã có 10 triệu cọc sợi được đầu tư tại đây. Nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất sợi này, trong vài năm tới nước này sẽ đủ sức bù được lượng sợi mà họ đang nhập khẩu từ Việt Nam. Khi ấy, vấn đề đặt ra là sợi của Việt Nam sẽ xuất khẩu sang thị trường nào.

Trong khi đó, hiện Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan là ba nước xuất khẩu mạnh sản phẩm sợi sang Trung Quốc. Hiện giá sợi giảm liên tục, trong khi đó Việt Nam gần như không có lợi thế so với Ấn Độ và Pakistan. Do đó, ông Tuấn cho rằng, trước tình hình này, về lâu dài, nguồn sợi sản xuất của Việt Nam cần tập trung vào thị trường trong nước, tức đòi hỏi ngành vải trong nước phải phát triển để tiêu thụ lượng sợi này. Ngoài ra, việc phát triển ngành vải cũng giúp toàn ngành dệt may Việt Nam phát triển vì vừa đáp ứng được các yêu cầu xuất xứ trong các hiệp định thương mại, cũng như hỗ trợ ngành thời trang nội địa.

Ngoài ra, hiện phần lớn sợi Việt Nam sản xuất là sản phẩm cấp thấp và trung bình, trong khi sản xuất vải trong nước lại cần sợi cấp cao, do đó hiện một số doanh nghiệp sợi tại Việt Nam đã đầu tư thiết bị để sản xuất sợi chất lượng cao.

6. Xăng giảm mạnh từ 15h chiều nay.

Giá xăng dầu có đợt giảm mạnh từ 15 giờ chiều nay với mức giảm trên 600 đồng/lít, cho xăng A92. Đây là lần thứ ba liên tiếp và lần thứ 7 kể từ đầu năm giá xăng điều chỉnh giảm. Thông tin được hầu hết các báo điện tử đăng tải sau khi có Bộ Công Thương có thông báo về việc điều hành giá xăng dầu.

Theo cơ quan quản lý, quyết định điều chỉnh giá xăng được đưa ra do diễn biến tương tự trên thị trường thế giới trong kỳ tính giá 15 ngày qua. Cùng với việc giảm giá, nhà điều hành cũng yêu cầu dừng sử dụng quỹ bình ổn giá đối với xăng (trước đó ở mức 426-467 đồng một lít) và giảm đối với các mặt hàng dầu (từ 151-472 đồng một lít, kg về 51-254 đồng)./. 

LH (Nguồn Bộ Công Thương)