banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 13/7
Cập nhật lúc 06:29 ngày 14/07/2016
Trong ngày 13 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Ngành Công Thương sơ kết 6 tháng đầu năm 2016; Công an Hà Nội: Đa số thuốc lá xì gà trên thị trường là hàng giả; EVN được Chính phủ bảo lãnh vay nợ gần 10 tỷ USD; Tranh cãi quanh số phận của ôtô nhập khẩu.

Thông tin cụ thể như sau:

1Ngành Công Thương sơ kết 6 tháng đầu năm 2016.


Trên hầu hết các báo ra trong ngày 12, 13/7 đăng tải nhiều thông tin về Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ngành Công Thương, bên cạnh thông tin về tình hình công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm của ngành, các báo tập trung phản ánh về những nội dung chính trong chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu bộ máy ở Bộ Công Thương; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác cán bộ tại Bộ Công Thương còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt và gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành; Ngành Công Thương phải phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%; Bộ Công Thương là ít bị doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn.   

Đáng chú ý là bài viết “Bộ trưởng Công Thương: Xử lý dứt điểm vụ đề bạt cán bộ” đăng trên Vietnamnet 12/7. Bài viết nhấn mạnh: Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngày 12/7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ sẽ rà soát để bổ sung điều chỉnh các quy định về công tác cán bộ, đặc biệt là các vấn đề về quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai.

2. Công an Hà Nội: Đa số thuốc lá xì gà trên thị trường là hàng giả.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, ông Thành Kiên Trung, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) cho biết, nguồn thẩm lậu chủ yếu hiện nay đều từ Trung Quốc, trong khi là nước xuất khẩu chủ yếu ​nhưng việc mua thuốc lá xì gà tại Cuba cũng rất khó khăn.

Thêm vào đó, hãng Cohiba (nhà sản xuất xì gà ​Cuba) lại không sản xuất phụ kiện nhưng tại thị trường Việt Nam lại bày bán rất nhiều do vậy 100% những phụ kiện bày bán ở Việt Nam đều là hàng giả. Tuy nhiên, đây lại là mặt hàng siêu lợi nhuận nên ​công tác chống thuốc lá lậu hết sức khó khăn, đại diện PC46 ​cho rằng ​nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp pháp luật để buôn bán kiếm lời, thậm chí là kinh doanh các loại thuốc lá giả các nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng gây mất ổn định thị trường. 

3. EVN được Chính phủ bảo lãnh vay nợ gần 10 tỷ USD.


Trên một số trang báo ra ngày 12,13/7 đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vấn đề nêu trên, các bài viết khai thác thông tin xung quanh báo cáo được Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - công ty mẹ hiện có nợ vay 9,7 tỷ USD, chiếm 61,2% số vay nợ được bảo lãnh của lĩnh vực điện. Ngoài ra, Tổng công ty truyền tải điện Việt Nam (EVN/NPT) cũng được bảo lãnh nợ 445 triệu USD. Cơ cấu vay nợ chủ yếu là nước ngoài.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh EVN và các công ty điện lực phải xử lý vấn đề lỗ chênh lệch tỷ giá hằng năm do nguồn thu bán điện đến từ nội tệ trong khi có nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ. Đồng thời, Bộ Công Thương cần xem xét các khoản lỗ này do chính sách hay không, để đảm bảo tiêu chí doanh nghiệp không bị lỗ khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.

4. Tranh cãi quanh số phận của ôtô nhập khẩu.

Các đơn vị có giấy ủy quyền chính hãng và doanh nghiệp lắp ráp muốn giữ quy định của Thông tư 20, trong khi giới nhập xe lại cho đây là rào cản với cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng.

Sau hơn 5 năm thực hiện, Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định về việc nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vào Việt Nam vừa hết hiệu lực từ 1/7 vừa qua. Tuy nhiên, hiện cơ quan quản lý mới đang trình Chính phủ đề xuất các quy định mới thay thế văn bản này. Khoảng trống về pháp lý cũng như thời gian chờ đợi quy định mới đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, đồng thời nảy sinh những tranh cãi quyết liệt về hướng sửa đổi quy định này.

Về vấn đề này, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng ôtô là một sản phẩm phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ cao, có ảnh hướng đến tính mạng nhiều người tham gia giao thông. Vì vậy, kinh doanh ôtô yêu cầu phải có dịch vụ chuyên nghiệp, phải có uỷ quyền nhà sản xuất để có hỗ trợ cần thiết về kỹ thuật, bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe.

Đại diện của nhà nhập khẩu Rolls-Royce Motor Cars bày tỏ ủng hộ tạo ra môi trường bình đẳng để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, tạo sức ép phải tăng chất lượng, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, đại diện này cho biết, trong khi các nhà nhập khẩu xe chính hãng phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất bảo hành xe, nếu bỏ Thông tư 20, các doanh nghiệp khác cũng được nhập mà không phải đầu tư. Ngoài ra, nhà nhập khẩu không chính hãng cũng không bị ràng buộc bởi trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng xe sau khi đã bán cho khách hàng.

LH (Nguồn Bộ Công Thương)