banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 11/7
Cập nhật lúc 03:20 ngày 12/07/2016


Trong ngày 11 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Khó nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, thiếu cơ chế chính sách nhất quán; Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về bán hàng đa cấp; Một số doanh lớn lại cầu cứu Chính phủ ưu đãi; Bộ Công Thương chưa bỏ Thông tư 37, vì sao?.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Khó nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, thiếu cơ chế chính sách nhất quán. 

Báo chí đưa nhiều thông tin xung quanh Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý thị trường 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương, đặc biệt phản ánh về Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, còn thiếu cơ chế chính sách nhất quán, đồng bộ. Việc chậm sửa đổi, bổ sung các quy định đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan thực thi vẫn là những bức xúc, kiến nghị của lực lượng quản lý thị trường trong nhiều năm gần đây.

Trước những tồn tại này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cho biết, trong phiên họp 8/3, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường. Pháp lệnh Quản lý thị trường quy định rõ chức năng, quyền hạn của lực lượng này. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới sự công khai, minh bạch hoạt động kiểm tra, thanh tra, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nâng cao việc phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả hàng cấm và gian lận thương mại. Đồng thời, quy định rõ quyền hạn của những đối tượng bị kiểm tra giám sát trong các hoạt động này. Tuy phải đến đầu tháng 9, Pháp lệnh mới có hiệu lực thi hành.

2. Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về bán hàng đa cấp

Trên nhiều bài báo ra trong ngày 11/7 đăng tải thông tin Bộ Công Thương đã chính thức công bố kết quả xử lý sai phạm của các công ty kinh doanh dịch vụ bán hàng đa cấp (BHĐC) sau nhiều tháng kiểm tra. Với các sai phạm này, Bộ đã chuyển cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), từ 21/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1052/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 07 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long. 

3. Một số doanh lớn lại cầu cứu Chính phủ ưu đãi.

Báo Thanh niên có bài viết phản ánh về việc một loạt doanh nghiệp nhà nước lại tiếp tục cầu cứu Chính phủ ban cho cơ chế, chính sách ưu đãi do làm ăn thua lỗ, như Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Điển hình đầu tháng 7.2016, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO) gửi đơn cầu cứu khẩn cấp tới Tổng cục Hải quan, Tổng cục Môi trường, Cục Hải quan Hải Phòng xin tháo gỡ khó khăn khi nhập khẩu thép phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất.Nguyên nhân, phía Tổng cục Hải quan không đồng ý cho thông quan 5.200 tấn thép phế liệu do không đủ điều kiện, hồ sơ nhập khẩu. Đặc biệt là việc doanh nghiệp (DN) chưa có giấy phép xác nhận đủ điều kiện môi trường.

Hiện TISCO cho biết đang chờ xin cấp phép từ Tổng cục Môi trường, nhưng do đã khai báo hải quan và hàng đã về đến cảng, nếu không được “cho qua” sẽ phải chịu thiệt hại lớn. “Các thiệt hại bao gồm chi phí lưu tàu tại cảng khoảng 4.500 -5.000 USD/ngày. Đây là chi phí rất lớn trong điều kiện sản xuất kinh doanh ngành thép gặp muôn vàn khó khăn, cạnh tranh do thép Trung Quốc bán phá giá”, TISCO cảnh báo và gây áp lực “nếu không được tháo gỡ thì thu nhập của trên 5.000 người lao động cũng bị ảnh hưởng”. Trước đó do đầu tư không hiệu quả để lại các khoản thua lỗ lên tới cả nghìn tỉ đồng, thông qua SCIC, TISCO kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương xin ưu đãi một loạt chính sách thuế. Đề xuất bao gồm cả miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỉ đồng.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)