banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 08/7
Cập nhật lúc 10:16 ngày 09/07/2016

Trong ngày 08 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Thông tư 37/2015 của Bộ Công thương sai luật?; Lạm phát tăng liên tục 5 tháng: Chuyện hiếm 20 năm; Ngành thép tăng nóng và làm nóng môi trường; Kỳ vọng vào việc đấu thầu hạn ngạch thuế nhập khẩu đường; Lọc hóa dầu Nhơn Hội và các dự án chết lâm sàng.

Thông tin cụ thể như sau:

1.Kiến nghị bãi bỏ Thông tư 37 của Bộ Công Thương do sai luật.


Trên nhiều bài viết trong ngày 08/7 phản ánh nhiều thông tin liên quan đến Thông tư 37 của Bộ Công Thương. Nhóm chuyên gia dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết thông tư 37/2015 của Bộ Công Thương quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm… trong sản phẩm dệt may là trái luật.

Theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Công Thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may nếu sản phẩm dệt may thuộc sản phẩm, hàng hóa trong trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, tại chính thông tư số 08/2012 về “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương” thì sản phẩm dệt may lại không có trong danh mục này.

Trước đó, rất nhiều lần các doanh nghiệp đã đưa thông tư này của Bộ Công thương ra phân tích về thiệt hại, tốn kém thời gian cũng như chi phí nhưng đến nay, các vấn đề của doanh nghiệp chưa được giải quyết.

2.Lạm phát tăng liên tục 5 tháng: Chuyện hiếm 20 năm.

Việc giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước gây áp lực trực tiếp đến khả năng kiềm chế lạm phát.

Theo ông Ngô Trí Long, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016 khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá...

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng để tránh tác động của giá xăng dầu lên chỉ số giá tiêu dùng, cần linh hoạt sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu kết hợp với điều chỉnh giá một cách hợp lý. Đặc biệt là thời gian trước Tết Nguyên đán 1 tháng, trong Tết Nguyên đán, sau Tết Nguyên đán 1 tháng. 

3. Ngành Thép tăng nóng và làm nóng môi trường.

Không thể phủ nhận những năm qua, ngành Thép đã dần loại bỏ được các doanh nghiệp quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu và dần hình thành những khu công nghiệp thép được đầu tư đồng bộ, khép kín. Song các giải pháp bảo vệ môi trường như bản quy hoạch đến năm 2020 đề ra đến nay lại thất bại. Việc hạn chế, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường... không hoàn thành, ngược lại ngày càng có nhiều vi phạm, với quy mô lớn hơn và mức độ thiệt hại nặng hơn. Như trường hợp gây ô nhiễm môi trường của Khu liên hợp Luyện thép của Formosa vừa qua, dù khu này chưa làm lễ khánh thành và chạy đủ công suất thiết kế.  

4. Kỳ vọng vào việc đấu thầu hạn ngạch thuế nhập khẩu đường.


Thông tư 07/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 29-6 cho phép các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện được tham gia đấu thầu hạn ngạch thuế nhập khẩu 85.000 tấn đường. Theo đó, hạn ngạch thuế nhập khẩu đường sẽ được tổ chức đấu giá công khai.

Đại diện Hiệp hội Mía đường (VSSA) cho rằng lâu nay, hạn ngạch thuế nhập khẩu đường được Bộ Công Thương phân bổ về các DN theo cơ chế xin - cho, không rõ ràng, gây bất bình đẳng giữa các DN đường. Nhà nước chuyển sang hình thức đấu thầu sẽ tạo sân chơi bình đẳng, công khai cho các DN mía đường và kỳ vọng việc cho đấu thầu hạn ngạch thuế nhập khẩu đường sẽ có tác động tích cực, giúp giảm giá đường.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2016 đến nay, mặt hàng đường trong nước liên tục tăng giá, Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình hình nắng nóng, hạn mặn. Song song đó còn có hiện tượng găm hàng của một số công ty thương mại, nhà máy.  

5. Lọc hóa dầu Nhơn Hội và các dự án chết lâm sàng.

Theo thông tin được Tập đoàn Dầu khí PTT (Thái Lan), đó là Tập đoàn sẽ tạm hoãn thực hiện Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định), dự án mà tập đoàn này đã theo đuổi từ năm 2012. Lý do nhìn thấy rất rõ, đó là việc giá dầu thô giảm mạnh khiến không chỉ PTT mà nhiều tập đoàn lớn khác trên thế giới “chùn tay”. Như vậy là thêm một dự án “chết lâm sàng” dù mới chỉ trong giai đoạn khởi động.

Thêm nữa, sau sự cố Formosa, cũng đã có những đề xuất về việc nên xem xét lại toàn bộ các dự án lọc hóa dầu ở Việt Nam, xem thực sự có nên cấp phép các dự án mới không, khi mà thực tế, các dự án này chưa chắc đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà lại đe dọa đến bảo vệ môi trường. Hiện tại ở Việt Nam, mới chỉ có Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, nhưng lại được xem là kém hiệu quả. 

LH (Nguồn VP Công Thương)