banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 06/7
Cập nhật lúc 05:29 ngày 06/07/2016
Trong ngày 06 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước. 

Thông tin cụ thể như sau:

1Giá xăng giảm 200 đồng/lít, giá dầu giữ nguyên.


Kể từ 15h, ngày 5/7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính có quyết định điều chỉnh giá xăng dầu.

Theo đó, giá xăng khoáng RON 92 giảm 200 đồng/lít; xăng E5 giảm 200 đồng/lít. Trong khi đó, với các mặt hàng dầu, giá dầu diesel 0,05S và giá dầu hoả được giữ nguyên. Chỉ có giá dầu mazut tăng 260 đồng/kg.

Đây là lần giảm giá xăng thứ 2 sau 5 lần tăng giá xăng gần đây nhất; và cũng là lần giảm giá xăng thứ 6 trong năm nay. Trong khi đó, mặt hàng dầu đã dừng đà tăng sau 6 lần tăng giá. 

2. Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 07 quy định về nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016.

Bộ Công Thương thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm, Chủ tịch Hội đồng sẽ ban hành quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Việc đấu giá hạn ngạch sẽ được thực hiện thông qua Hội đồng đấu giá. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.

Sau khi có Báo cáo kết quả đấu giá của Hội đồng đấu giá, Bộ Công Thương có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá. Khi làm thủ tục nhập khẩu đường, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, thương nhân xuất trình văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của Bộ Công Thương với Chi cục Hải quan cửa khẩu. 

3. Điện gió vẫn chưa buồn lộng gió.

Lý do khiến nhà đầu tư không mặn mà với điện gió là do giá bán “thu không đủ bù chi”. Ở các nước, giá điện gió thời gian đầu thường cao rồi mới hạ xuống, cân bằng ở mức ổn định chứ không “đi tắt đón đầu” như Việt Nam. Với vốn đầu tư cao (2-2,5 triệu USD/MW), giá điện gió tại Việt Nam gần như thấp nhất thế giới.

Quyết định 37 của Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, ưu đãi về vốn đầu tư, đất đai, thuế nhập khẩu… thổi bùng lên cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ trong vài tháng, số lượng dự án điện gió được đăng ký đã hơn con số 50. Tuy nhiên, số dự án đi từ giấy ra thực tiễn lại chưa đến 10%

Bản đồ tiềm năng gió của World Bank thực hiện tại 4 nước Đông Nam Á từng cho thấy tiềm năng gió ở độ cao 65 m của Việt Nam là lớn nhất khu vực, quy đổi ra công suất điện có thể lên đến 513.360 MW. Làm thế nào để Việt Nam nâng tổng công suất điện gió lên 1.000 MW vào năm 2020 và 6.200 MW vào năm 2030 (chiếm lần lượt 0,7% và 2,4% trong tổng công suất điện) như mục tiêu đã đặt ra? Đây là một bài toán khó khi đầu tư vào lĩnh vực điện gió còn quá nhiều rào cản.

4. Thủ tướng yêu cầu kiểm tra môi trường Nhà máy giấy Lee&Man.


Theo tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 5/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường với Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Được biết, nhà máy giấy Lee&Man có quy mô lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 5 nhà máy lớn nhất trên thế giới chủ yếu xả thải xút (NaOH), đứng hàng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Hiện khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn. 

5. Nhà máy giấy 3.000 tỷ “đắp chiếu”, nghìn nông hộ nuốt trái đắng.

Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư  Sau 10 năm kể từ ngày khởi công, Nhà máy Bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp, cùng với đó là xóa sổ 9.000ha đay... Nhà máy sửa chữa nhiều lần nhưng không một mảnh giấy nào được sản xuất. 

Tháng 4.2014, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép Vinapaco dừng đầu tư dự án và tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án. Ngày 12.5.2014, tại Văn bản số 195/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý với dự án (thanh lý, nhượng bán) trình Chính phủ. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Được - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhà máy này đến nay chưa có ai mua. 

LH (Nguồn Bộ Công Thương)