banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 13/5
Cập nhật lúc 03:15 ngày 13/05/2016
Trong ngày 13 tháng 5 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Bộ Công Thương ban hành quy định về kinh doanh khí; Ngành than tồn kho gần 10 triệu tấn than; Tiếp tục đề nghị bãi bỏ quy định dán tem bia; Nhật Bản chọn Việt Nam làm “bàn đạp” xuất khẩu.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Bộ Công Thương ban hành quy định về kinh doanh khí.


Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 03/2016/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.

Thông tư này áp dụng đối với thương nhân theo quy định của Luật Thương mại; Thương nhân nhập khẩu, sản xuất và chế biến khí chuyên dùng cho nhu cầu riêng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh khí.

Thông tư nêu rõ hợp đồng đại lý kinh doanh LPG được ký kết bằng văn bản dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận, bình đẳng. Thời hạn hợp đồng đại lý kinh doanh LPG tối thiểu 12 tháng.  

2. Ngành than tồn kho gần 10 triệu tấn than.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV), do khó khăn về tiêu thụ nên lượng than sạch tồn kho đến hết tháng 3 năm nay lên đến gần 10 triệu tấn. Yếu tố khiến tiêu thụ gặp khó khăn được TKV lý giải do một số hộ sản xuất đạm gặp khó khăn về thị trường, một vài nhà máy điện gặp sự cố dẫn đến tiêu thụ giảm, nhiều nhà máy ximăng trong nước quay ra nhập khẩu than 100%.    

3. Tiếp tục đề nghị bãi bỏ quy định dán tem bia.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, vừa tiếp tục đề nghị bãi bỏ quy định dán tem bia trên vỏ sản phẩm, do làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong khi không mang lại lợi ích gì cho việc phòng chống tác hại bia rượu như cơ quan quản lý kỳ vọng.

Theo ông Việt, dù dự thảo nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công Thương xây dựng đang tạm dừng do gặp nhiều ý kiến phản đối, nhưng quy định dán tem trên vỏ lon/chai khi lưu thông ra thị trường hiện vẫn đang được Bộ Y tế nghiên cứu để đưa vào Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn (bao gồm rượu bia và đồ uống có cồn khác). Theo ông Việt, nếu quy định nói trên được thông qua, ngành sản xuất bia sẽ phải tăng chi phí ít nhất 2.500-3.000 tỉ đồng/năm cho việc mua tem dán, chưa kể các chi phí để đầu tư thiết bị dán tem.

4. Hà Nội: Kiểm tra, xử lý vi phạm 21 công ty đa cấp.

Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành văn bản tới các ngành chức năng để kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp của 21 DN trên đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2015, nhưng mới chỉ có 13 doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động. 8 DN còn lại chưa thông báo chấm dứt hoạt động với Sở Công Thương Hà Nội song cũng chưa được Cục Quản lý cạnh tranh cấp giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. 

5. Nhật Bản chọn Việt Nam làm “bàn đạp” xuất khẩu.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang “nhòm ngó” Việt Nam và đánh giá đây là địa điểm lý tưởng để đặt cơ sở sản xuất hàng cho thị trường thế giới.

Theo một cuộc thăm dò mới đây của Viện nghiên cứu Mizuho được đăng tải trên Asian Nikkei Review của Nhật Bản, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của giới sản xuất Nhật.

Trả lời câu hỏi là nước nào trong ASEAN được họ chú ý nhất, 53,5% các Công ty nêu tên Việt Nam, tỷ lệ này đã tăng 4,9% so với khảo sát năm 2015. Các nhà đầu tư Nhật đánh giá lợi thế của Việt Nam trong ngành dệt may với nhiều thuận lợi với tư cách là thành viên TPP.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)