banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 22/4
Cập nhật lúc 09:21 ngày 22/04/2016

Trong ngày 22 tháng 4 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Không miễn thuế cho nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Doanh nghiệp xi măng giảm lãi vì chênh lệch tỷ giá; Nhiều vướng mắc trong chống hàng giả, gian lận thương mại; Hàng Việt khó vào siêu thị ngoại; Khởi tố, bắt tạm giam Tổng giám đốc công ty đa cấp.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Không miễn thuế cho nhà máy Gang thép Thái Nguyên.


Tiếp theo thông tin báo chí phản ánh ngày 20.4 về việc Bộ Tài chính nói không với miễn, giảm thuế Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên. Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về kiến nghị ưu đãi về thuế của Bộ Công Thương cho Dự án nêu trên. Theo đó, với đề xuất cho phép dự án được miễn thuế nhà thầu (khoảng 133 tỷ đồng), Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài phát sinh doanh thu khi kinh doanh tại Việt Nam phải có nghĩa vụ nộp thuế đối với phần doanh thu này.

Với đề xuất cho miễn thuế nhập khẩu đối với các loại vật tư, thiết bị còn lại để phục vụ dự án với số tiền khoảng 65,6 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, trước đây dự án đã được hưởng chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vì vậy sẽ tiếp tục được hưởng như trước (nếu thuộc đối tượng ưu đãi thuế)… Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên được triển khai từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư 3.843 tỷ đồng. Năm 2013, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng. Nhưng thi công tới quý III - 2012, dự án phải tạm dừng thi công do thiếu vốn. Để tái khởi động dự án, chủ đầu tư tiếp tục đề xuất cho điều chỉnh tổng mức đầu tư và xin hưởng thêm một số chính sách ưu đãi. 

2. Doanh nghiệp xi măng giảm lãi vì chênh lệch tỷ giá.

Các doanh nghiệp xi măng lớn như Vicem Hà Tiên 1, Vicem Bút Sơn (BTS) công bố mức lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý 1/2016. Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận trong kỳ sụt giảm là do công ty chịu lỗ chênh lệch tỷ giá 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi chênh lệch tỷ giá 183 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vicem Bút Sơn cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong quý 1/2016 giảm 116 tỷ đồng so với cùng kỳ, chỉ đạt 20,57 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của Vicem Bút Sơn là 136,63 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc sụt giảm lợi nhuận này là do ảnh hưởng của khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Cụ thể, tại ngày 31/3/2015, tỷ giá ngoại tệ (EUR và USD) giảm so với ngày 31/12/2014  nên quý 1/2015, lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 100,5 tỷ đồng. Tại ngày 31/3/2016, tỷ giá ngoại tệ (EUR) tăng so với 31/12/2015 nên quý 1/2016 lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 124,53 tỷ đồng. 

3. Nhiều vướng mắc trong chống hàng giả, gian lận thương mại.

Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ, từ góc độ của cơ quan thực thi pháp luật, tham gia kiểm tra, xử lý vụ việc liên quan đến gian lận thương mại, ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương - cho rằng công tác chống hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vướng mắc từ chính các văn bản hướng dẫn luật.

Theo Ông Nguyễn Thành Danh, sản phẩm giả mạo ngày càng được sản xuất tinh vi, không khác sản phẩm thật. Chính những chuyên gia kỹ thuật của các nhà sản xuất chính hãng cũng khó khăn trong việc phân biệt. Hàng nhái thiên biến vạn hóa, mẫu này bị bắt, bị xử lý thì ngày mai lại xuất hiện mẫu khác được chỉnh sửa một chút và tiếp tục gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Phải kết hợp rất nhiều yếu tố kỹ thuật, thậm chí phải nhận biết qua những con tem chống giả công nghệ cao mới có thể phân biệt được.

Còn đối với việc phân định thật - giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các đơn vị đòi hỏi có trọng tài là nhà sản xuất hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền, được Nhà nước chỉ định. Việc xử lý theo các văn bản luật hiện hành. Tuy nhiên, các văn bản pháp quy lại chồng chéo, trùng lắp hoặc đi sau thực tế khiến việc xử lý sau khi kiểm tra gặp khó. 

4. Hàng Việt khó vào siêu thị ngoại.


Theo các doanh nghiệp (DN) trực tiếp cung ứng hàng cho siêu thị, trong mối quan hệ cung - cầu, nhà bán lẻ nắm đằng cán, DN cung ứng nắm đằng lưỡi. Nhà bán lẻ muốn quảng bá thương hiệu, thu hút khách nên cạnh tranh quyết liệt về giá, dịch vụ cộng thêm… và “siết” chiết khấu cao với DN, đẻ ra các hình thức thu khác để bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ ngoại đều hướng tới lợi nhuận và gia tăng phân phối hàng hóa của họ về lâu dài.

Đầu tháng 4, không chỉ khách hàng mà nhiều nhà cung cấp hàng cho siêu thị Metro cũng bất ngờ vì cẩm nang bán hàng của đơn vị này giới thiệu rất nhiều sản phẩm Thái Lan. Không chỉ Thái Lan mà Nhật Bản cũng đang mở chiến dịch đưa hàng Nhật vào Việt Nam thông qua các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Với lợi thế thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng, một khi có được sự tiếp sức của các nhà bán lẻ thì hàng Thái, Nhật sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh các kệ hàng ở siêu thị, tiến sâu vào các cửa hàng tiện lợi, mama shop, tiệm tạp hóa truyền thống… Đến lúc ấy, DN Việt muốn trở tay cũng không kịp.

Không chỉ đau đầu vì chiết khấu khủng, thời gian gần đây, nhiều DN còn bị một số siêu thị “hành” tơi tả. Một số siêu thị ngoại đang trong giai đoạn mới chuyển giao sau mua bán, sáp nhập (M&A) hoặc chuẩn bị M&A, đang trong quá trình tái cơ cấu nên thiếu ổn định về nhân sự, chính sách… cả trong khâu bán lẫn khâu mua. Hậu quả là mỗi bộ phận làm một kiểu, DN đưa hàng vào bị “quần” tơi tả, hàng hóa không được chăm sóc nên doanh thu giảm. 

5. Khởi tố, bắt tạm giam Tổng giám đốc công ty đa cấp.

Ngày 21/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 hoạt động từ 25/09/2015 theo giấy phép kinh doanh 0107006766. Công ty có rất nhiều chi nhánh trên cả nước như tại Thành phố Hồ Chí Minh (quận Tân Bình), Nha Trang, Bình Định, Đắk Lắk, Nghệ An,…

Trước đó, vào ngày 23/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận nhiều đơn thư của người dân tố cáo Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 Chi nhánh thành phố Nha Trang lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; huy động vốn dưới hình thức đa cấp. Công an tỉnh Khánh Hòa đã thụ lý ban đầu, ghi nhận lời khai của những người tố cáo. Sau đó, nhận thấy hoạt động của Công ty này trải khắp toàn quốc nên đã chuyển hồ sơ lên Bộ Công an. Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra, mở rộng. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)