banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 8/4
Cập nhật lúc 08:43 ngày 08/04/2016

Trong ngày 08 tháng 4 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Hà Nội siết chặt quản lý bán hàng đa cấp; Bộ Tài chính thanh tra hàng loạt DN xăng dầu; Mỹ áp thuế với túi PE xuất khẩu của VN thêm 5 năm; Bất ổn năng lượng khi phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện than; Cân bằng lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thông tin cụ thể như sau:

1.Hà Nội siết chặt quản lý bán hàng đa cấp.

Lãnh đạo TP. Hà Nội đánh giá, hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua diễn biến phức tạp, đã xảy ra hành vi vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Do đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành siết chặt quản lý với hoạt động bán hàng đa cấp.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã có văn bản yêu cầu các Sở, Ngành, UBND các quận, huyện trên địa bàn tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

2.Bộ Tài chính thanh tra hàng loạt DN xăng dầu.


Lãnh đạo Bộ Tài chính vừa giao nhiệm vụ cho Thanh tra bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thu thập, phân tích báo cáo tài chính, hồ sơ kê khai thuế, tờ khai nhập khẩu xăng dầu của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu việc thanh tra phải hoàn thành trước ngày 31/8/2016.

Trước đó, tại cuộc họp báo công bố tình hình tài chính ngân sách quý I, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết không phải tới khi lỗ hổng thuế xăng dầu được phát hiện ra thì Bộ Tài chính mới tiến hành thanh tra, kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu, mà đây là công tác thường niên của Bộ.

3. Mỹ áp thuế với túi PE xuất khẩu của VN thêm 5 năm.

Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) vừa ban hành kết luận trong kỳ rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp túi nhựa polyethylene (PE) nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Ngày 8-4, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết trong kết luận rà soát thuế cuối cùng, USITC cho rằng “việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm túi PE nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam sẽ dẫn tới việc tái diễn thiệt hại đáng kể trong một thời gian nhất định đối với ngành sản xuất trong nước”.

Như vậy, sau khi bị khởi xướng điều tra vào năm 2009 và tiến hành áp thuế vào năm 2010 với thời hạn 5 năm, việc túi PE bị áp thuế thêm 5 năm nữa đã khiến ngành xuất khẩu túi PE của Việt Nam thật sự “đóng cửa” hoàn toàn tại thị trường Mỹ.

4. Bất ổn năng lượng khi phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện than.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhiệt điện than vẫn dự kiến chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện sản xuất trong 10 - 15 năm tới.

Theo bình luận của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA), định hướng điều chỉnh của Chính phủ trong giai đoạn tới là rất phù hợp với nguyện vọng của người dân cũng như xu thế chung của thế giới hướng đến phát triển năng lượng sạch và bền vững. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, nhiệt điện than vẫn dự kiến chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện sản xuất trong 10 – 15 năm tới. Khối lượng than nhập khẩu để phát điện dự kiến vào năm 2030 lên tới hơn 85 triệu tấn, cao gần gấp đôi so với lượng than cung ứng nội địa.

Kịch bản này đặt ra câu hỏi lớn với an ninh năng lượng của Việt Nam. Liệu an ninh năng lượng quốc gia có được đảm bảo khi theo phương án hơn một nửa hệ thống điện phụ thuộc vào nhiệt điện than trong đó 2/3 nguồn nhiên liệu phụ thuộc vào bên ngoài?

Trên thực tế, nhiệt điện than không được cộng đồng trong nước và quốc tế ủng hộ tiếp tục phát triển vì là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Bên cạnh đó, những quan ngại về ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe do sản xuất điện than cũng là bài học lớn từ trường hợp nhiệt điện Vĩnh Tân 2, cũng như từ kinh nghiệm của Trung Quốc và các quốc gia đã và đang phụ thuộc vào nhiệt điện than. Mặt khác, nguồn điện này hiện cũng đang có giá thành được cho là rẻ ở Việt Nam vì những tác động và ảnh hưởng vô cùng to lớn tới môi trường sinh thái và xã hội chưa được đánh giá đầy đủ và tính toán vào giá thành. Trong khi đó, tỷ trọng của năng lượng tái tạo đã được tăng lên trong những năm qua bao gồm cả thủy điện lớn và vừa. Cùng với đó, năng lượng gió và mặt trời là hai nguồn năng lượng tái tạo được mong đợi phát triển nhất thì vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.

5. Cân bằng lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp.


Hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn hiện diện thì sẽ còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người tiêu dùng (NTD) và doanh nghiệp (DN). Trong những năm gần đây, tình trạng này không những không giảm mà còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn. Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2015, hơn 206.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị phát hiện.

Hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho NTD mà cho cả DN sản xuất chân chính.

LS. Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ với DN tại TP.HCM: "Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc tồn tại tỷ lệ nhất định sản phẩm không đạt chất lượng có thể hiểu được. Vì DN có giỏi và lớn mạnh cỡ nào cũng sẽ không tránh khỏi vấp váp. Điều quan trọng ở đây là cách DN xử lý khi phát hiện ra sản phẩm lỗi. Có nhiều hình thức xử lý và thương lượng là một trong những cách hay. Phương thức này có thể giải quyết ổn thỏa vấn đề của DN và NTD.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)