banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 6/4
Cập nhật lúc 12:52 ngày 07/04/2016

Trong ngày 06 tháng 4 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: PVN đề nghị các bộ máy lãnh đạo của PVTex cần có giải pháp giải quyết vấn đề sản xuất kinh doanh của nhà máy; Giá xăng tăng thêm 518 đồng/lít SCIC "cứu" dự án thép 8.000 tỷ đồng đã 10 năm "đắp chiếu"; Giám đốc cũng chạy theo đa cấp; Nhập khẩu than trong 3 tháng gần bằng kế hoạch cả năm.

Thông tin cụ thể như sau:

1.PVN đề nghị các bộ máy lãnh đạo của PVTex cần có giải pháp giải quyết vấn đề sản xuất kinh doanh của nhà máy. Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh vừa trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Chất giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex). Tại buổi bổ nhiệm, người đứng đầu PVN đề nghị các bộ máy lãnh đạo của PVTex cần có tư duy đột phá, có giải pháp thực tế để giải quyết những tồn đọng từ gốc rễ về sản xuất kinh doanh của nhà máy. Trong vòng 6 tháng phải chấm dứt lỗ biến phí, đưa ra các giải pháp mở rộng, thay đổi một bộ mặt mới cho nhà máy.


Trong văn bản gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định: "Tình hình tài chính của PVTex hết sức khó khăn do thiếu vốn lưu động và không có nguồn để trả các khoản nợ đến hạn. Thậm chí nhà máy có nguy cơ phá sản. Do vậy, giải pháp cấp bách hiện nay là hỗ trợ vốn cho công ty tồn tại, cấp vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất".

Một trong những khó khăn chính khiến công ty thua lỗ triền miên từ khi đi vào vận hành là giá dầu thô, bông giảm kỷ lục khiến giá bán sản phẩm của công ty, vốn đã ở mức thấp vì chất lượng, càng gặp khó (giá bán trung bình có năm thấp hơn thị trường 20 USD). Công ty luôn ở trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động. Thêm vào đó, tỷ giá năm 2015 biến động mạnh làm tăng chi phí nguyên liệu đầu tăng cao, cạnh tranh quyết liệt với các nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nhà máy trong nước.

2.Giá xăng tăng thêm 518 đồng/lít. Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa có công văn cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng giá xăng RON 92 518 đồng/lít lên tối đa 14.940 đồng/lít từ 17h ngày 5/4. Trong lần điều chỉnh này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, cho phép chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho xăng RON 92 là 800 đồng/lít; trích cho xăng E5 830 đồng/lít; trích cho dầu diesel 887 đồng/lít; trích cho dầu hỏa 271 đồng/kg.

Với các mặt hàng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép giữ nguyên giá dầu diesel ở mức tối đa 9.873 đồng/lít và dầu hoả ở mức 8.905 đồng/lít, dầu mazut ở 7.225 đồng/lít.

3. SCIC "cứu" dự án thép 8.000 tỷ đồng đã 10 năm "đắp chiếu". Sau 4 năm "đắp chiếu", dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đối mặt nguy cơ phải trả gần 60 triệu USD chi phí cho nhà thầu Trung Quốc - Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), để tái khởi động. Cuối tuần qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của TISCO.


Tại công văn này, SCIC cho biết, sau 10 lần đàm phán, TISCO đã đạt mục tiêu thuyết phục MCC cùng tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc của dự án, đồng thời MCC tỏ rõ thiện trí cùng TISCO quyết tâm triển khai hoàn thành đưa dự án vào khai thác vận hành. Tuy nhiên, kết quả đàm phán giữa MCC và TISCO vẫn chưa đạt được như các điều kiện tiên quyết do TISCO đưa ra tại báo cáo gần nhất. Theo các điều khoản mà 2 bên đã thương thảo, trường hợp dự án tiếp tục được triển khai, MCC yêu cầu TISCO chi trả cho các phần việc của MCC/công ty con của MCC một loạt các chi phí. Trong đó, chi phí bồi thường kéo dài từ tháng 6/2016 là gần 4,4 triệu USD và gần 53 triệu USD.

Trong văn bản gửi lên Thủ tướng lần này, SCIC cho rằng, đây đều là những điều kiện tiên quyết để giúp cho dự án đạt được hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, các đề xuất này đều nằm ngoài khung quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, SCIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho TISCO được áp dụng các cơ chế ưu đãi trên. Đáng lưu ý, dù đề xuất 1 loạt ưu đãi cho dự án nhưng về hiệu quả đầu tư dự án, SCIC thừa nhận là chưa thể khẳng định được tại giai đoạn này. 

4. Giám đốc cũng chạy theo đa cấp. Sau gần 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp đã thu hút được hàng triệu người tham gia, trong đó có cả chủ doanh nghiệp, lãnh đạo bệnh viện, hải quan...


Theo ước tính của Cục Quản lý cạnh tranh, hiện doanh nghiệp đa cấp đăng ký khoảng trên 7.000 mặt hàng, số lượng người tham gia vào khoảng có 1,2 triệu, trong khi năm 2006 chỉ là 235.000 người. Như vậy, trong vòng 10 năm con số này tăng lên gấp 5 lần. Nếu như trước đây, đối tượng chủ yếu của giới bán hàng đa cấp là những người nghèo, tham gia để mong được đổi đời thì đến nay có sự tham gia của đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Doanh thu lĩnh vực này cũng tăng 10 lần trong vòng 8 năm, từ 614 tỷ đồng năm 2006 lên 6.447 tỷ đồng năm 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu của ngành là 3.200 tỷ. Còn theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp, mô hình này khá mới mẻ so với nhiều ngành nghề khác tại Việt Nam nhưng lại có tốc độ tăng trưởng 20-30% mỗi năm.

Cũng liên quan đến vấn đề bán hàng đa cấp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Doãn Toản vừa ký văn bản về việc tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn. Theo đó, việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới sẽ được siết chặt nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các đối tượng lợi dụng để lôi kéo người dân tham gia. 

5. Nhập khẩu than trong 3 tháng gần bằng kế hoạch cả năm. Chỉ trong quý 1 năm nay, lượng than nhập khẩu của cả nước đã gần bằng lượng than ước nhập cả năm theo dự báo của Bộ Công thương.

Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, chưa hết tháng 3, sản lượng than nhập khẩu đã đạt gần 2,8 triệu tấn, trong khi dự báo của Bộ Công thương hồi đầu năm nay, tổng sản lượng than nhập khẩu cả nước ước khoảng 3,173 triệu tấn, trong đó 1,277 triệu tấn phục vụ sản xuất điện, 1,986 triệu tấn dùng cho các hoạt động ngoài ngành điện.

Số liệu dự báo này thấp hơn nhiều so với nhu cầu nhập than thực tế của năm 2015 là gần 7 triệu tấn. Rõ ràng dự báo của Bộ Công thương về nhập khẩu than hoàn toàn không sát với nhu cầu thực tế.

 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)