banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 24/3
Cập nhật lúc 07:24 ngày 25/03/2016

Trong ngày 24 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Giá thép hạ nhiệt; Hàng loạt người Trung Quốc “núp bóng” gom thanh long; Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại người đổ xăng; Sở hữu trí tuệ trong TPP và câu chuyện thuốc biệt dược; Doanh nghiệp bia lo vướng vòng truy thu, kiện tụng.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Giá thép hạ nhiệt.


Ngược lại với thông tin trên ở Kênh VTV1, báo Người Lao Động 23/03 cho biết: Thị trường thép có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp những lời đồn đoán giá sẽ tăng khi quyết định áp thuế tự vệ có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khoảng thời gian 15 ngày từ khi ban hành quyết định (7/3) đến lúc có hiệu lực, các doanh nghiệp đã tranh thủ nhập khẩu, đầu cơ tích trữ hàng. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng ý kiến này chưa thỏa đáng vì thời gian này không đủ để hàng hóa có thể được bốc xếp tại cảng đi ở nước ngoài và kịp làm thủ tục thông quan tại cảng đến ở Việt Nam.

Theo khảo sát của phóng viên tại một số đại lý thép trên địa bàn TP.HCM cho thấy 2 ngày trở lại đây, giá thép đã có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, thép xây dựng đang ở mức trên dưới 13 triệu đồng/tấn tùy theo phí vận chuyển công trình xa hay gần, còn giá thép tổ hợp ở mức 10 triệu đồng/tấn. Theo chủ đại lý thép trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TP HCM), giá đã chững lại và đang có xu hướng giảm dù quyết định tăng thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu đã bắt đầu có hiệu lực. 

2. Hàng loạt người Trung Quốc “núp bóng” gom thanh long.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ra quyết định xử phạt hành chính bốn người Trung Quốc đã nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tổng số tiền phạt với bốn người này lên đến 90 triệu đồng. Chủ tịch tỉnh cũng ra quyết định xử phạt một người Trung Quốc khác có hành vi kinh doanh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam 25 triệu đồng và tịch thu hai tấn thanh long đã đóng gói. 

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện hàng loạt vi phạm tại bốn cơ sở kinh doanh mua bán thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam. Cụ thể, người Trung Quốc tham gia kiểm tra, giám sát việc đóng gói thanh long xuất khẩu; núp bóng, gián tiếp thuê người Việt Nam đứng tên thuê nhà, mượn tên cơ sở thu mua thanh long cũ để mua rồi bán lại cho người Trung Quốc xuất khẩu; đứng tên ký hợp đồng thuê nhà xưởng, kho lạnh rồi thu mua, đóng gói, xuất sang Trung Quốc; núp bóng, mượn danh chủ cơ sở người Việt Nam trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và trực tiếp thu mua, đóng gói, xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu biên giới phía Bắc và cảng của tỉnh Đồng Nai. 

3. Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại người đổ xăng.

Trong năm 2015, ít nhất hơn 3.500 tỉ đồng thu sai "chui" vào túi doanh nghiệp xăng dầu. Số tiền này cần phải được thu hồi trả lại người tiêu dùng. Ngay sau khi sự việc được phát hiện, hầu hết ý kiến đều thống nhất phải trả số tiền đó về cho người tiêu dùng. Nhưng trả bằng cách nào lại đang gây tranh cãi. Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, không thể trả lại tiền cho những người đã mua hàng vì việc xác định rất khó do có hàng triệu người mua; trả bằng cách giảm tiếp giá xăng hoặc để doanh nghiệp đầu mối giữ đến khi xăng tăng giá thì doanh nghiệp không được tăng giá bán... 

4. Sở hữu trí tuệ trong TPP và câu chuyện thuốc biệt dược.


Ngành dược được dự báo là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá lớn khi TPP có hiệu lực, do thuế suất kéo các mặt hàng thuốc xuất nhập khẩu về 0% và nhất là bản quyền thuốc được thực thi nghiêm ngặt. Việc thực hiện bảo hộ bản quyền trong TPP dự đoán sẽ ảnh hưởng đến thị trường sản xuất thuốc generic trong nước (thuốc hết thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ).

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, khi vào TPP, Việt Nam có 2 nhóm việc phải làm là xây dựng khuôn khổ pháp lý mới và thực thi pháp luật. “Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý các bộ, ngành sẽ làm, nhưng quan trọng nhất là việc tăng cường năng lực thực thi pháp luật. Về sở hữu trí tuệ, chúng ta đã thực hiện từ năm 1982 đến nay đã 34 năm, nhưng việc thực thi đang có vấn đề. Nếu ta không nâng cao năng lực thực thi hay không thể thực thi được thì các nước sẽ không đầu tư và cũng không chia sẻ tri thức cho chúng ta. Đã đến lúc chúng ta cần phải tôn trọng sản phẩm của chất xám, thay đổi tư duy “dùng chùa” thì mới phát triển được.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đối với ngành dược, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữ trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực thuốc sinh học, nhất là với vaccine. TPP sẽ có những tác động nhất định đến Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, bởi trong đó nêu quan điểm phát triển xây dựng nền công nghiệp dược là tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic bảo đảm chất lượng, giá hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. 

5. Doanh nghiệp bia lo vướng vòng truy thu, kiện tụng.

Nhiều chuyên gia đã cho rằng, Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 105/2015/TT-BTC đang gây tiềm ẩn sự không minh bạch trong hoạt động kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp. Đại diện Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát (VBA) cho hay, Nghị định 108 và Thông tư 105 được ban hành khi vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, dẫn tới khó thực thi và tạo thêm vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc tuân thủ.

Chia sẻ thực tế khó khăn này, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, việc đưa ra khái niệm cơ sở kinh doanh thương mại có quan hệ công ty mẹ-công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ vô hình trung tạo ra một sự đối xử bất bình đẳng giữa các công ty, khiến các công ty thương mại này (là một pháp nhân độc lập, đăng ký và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và có hệ thống kế toán độc lập) sẽ kém cạnh tranh hơn so với các công ty thương mại độc lập khác. Đó là chưa kể, xu hướng thành lập các công ty thương mại trong một tập đoàn đang rất phổ biến trên thế giới hiện nay, nhằm tăng tính chuyên môn quá và nâng cao hiệu quả kinh doanh. 

 LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)