banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 22/3
Cập nhật lúc 11:33 ngày 23/03/2016
Trong ngày 22 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Việt Nam sắp trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định TPP; Chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu: Chuyên gia nói phải trả, bộ nói cần nghiên cứu; Siết quản lý thép nhập khẩu từ Trung Quốc; Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam chống hàng giả; Châu Âu rà soát thuế chống bán phá giá với giày mũ da Việt Nam.

Thông tin cụ thể như sau:
 
1. Việt Nam sắp trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định TPP.



 
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thông báo kết luận nêu rõ, Hiệp định TPP có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, là kết quả của một quá trình công phu kéo dài 7 năm. Trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định TPP, Bộ Chính trị đã nghe báo cáo nhiều lần, Ban Chấp hành Trung ương nghe báo cáo hai lần, và Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 đã thông qua Nghị quyết cho phép Chính phủ ký Hiệp định TPP và giao Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định của pháp luật, thể hiện sự nhất trí cao của Đảng về vấn đề này. Cho đến nay, dù Hiệp định chưa có hiệu lực nhưng đã bắt đầu mang lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam: vị thế của Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế, đầu tư nước ngoài tăng, dự báo tác động tích cực đến tất cả các mặt kinh tế, chính trị và xã hội.
 
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Tờ trình phê chuẩn Hiệp định TPP theo đúng quy định của Hiến pháp 2013 và Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế, trình Chính phủ trước ngàv 20/4/2016.
 
2. Chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu: Chuyên gia nói phải trả, bộ nói cần nghiên cứu.
 
Theo các chuyên gia, khi người dân hay doanh nghiệp nợ thuế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nên khi bộ ngành làm sai cũng cần phải chịu trách nhiệm tương tự. Về tiền chênh lệch thuế nhập khẩu, các chuyên gia cho rằng cần sớm trả lại dân, cơ quan quản lý lại cho rằng cần nghiên cứu thêm. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, phần tiền chênh lệch do cách tính thuế giữa giá bán lẻ cao hơn thuế, thực tế doanh nghiệp phải trả khi nhập khẩu xăng dầu phải được thu hồi. Phần tiền chênh lệch này thu hồi có thể trả lại người tiêu dùng, hoặc nộp về ngân sách nhà nước trong bối cảnh ngân sách đang căng thẳng. “Hợp lý nhất vẫn là thu hồi phần tiền chênh lệch thuế đưa vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để có thể trả lại cho người dân. Sau đó mới tính tới việc nộp về ngân sách nhà nước”, ông Phong nói.
 
Liên quan đến việc điều hành thị trường xăng dầu trong nước theo Nghị định 83, trả lời phóng viên mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, hiện vẫn còn những vấn đề cần xem xét điều chỉnh sau hơn 1 năm đi vào thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Dự kiến trong quý I này, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83 với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Cũng theo ông Hải, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu hằng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có thể sẽ được xem xét bãi bỏ.
 
3. Siết quản lý thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
Bộ Công Thương và Bộ KH&CN vừa ban hành quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 21/3. Theo đó, thép nhập khẩu phải qua hai bước 2 kiểm tra gồm: Bước 1, đánh giá sự phù hợp về chất lượng của thép do các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện. Bước 2, kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan kiểm tra nhà nước thực hiện. Cơ quan Hải quan chỉ thông quan hàng hóa khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp bản thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định.
 
Riêng đối với sản phẩm thép nhập khẩu có mã HS 7224.10.00 và 7224.90.00; thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo từ 0.0008% trở lên, thép hợp kim có chứa nguyên tố Cr từ 0,3% trở lên, hoặc thép sản xuất que hàn doanh nghiệp phải bổ sung các giấy tờ khác. Đây được coi là một trong những động thái mới nhất của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc “siết” chặt các điều kiện đối với sản phẩm thép nhập khẩu có dấu hiệu “lách” thuế trong thời gian qua, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng tăng từ đầu năm đến nay, cùng với tâm lý găm hàng trước ngày áp thuế đang khiến giá thép xây dựng trên thị trường tăng cao. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giá thép tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào thi công trên địa bàn. Giá thép tăng 10-12%, lợi nhuận của chủ đầu tư sẽ giảm 5-7%.
 
4. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam chống hàng giả.
 


 
Chính phủ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam đấu tranh chống hàng giả nhập khẩu với hy vong nâng cao tính hiệu quả của các quy tắc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhật Bản sẽ giúp các quan chức cửa khẩu Việt Nam nâng cao kỹ năng phát hiện hàng giả từ các sản phẩm hàng thật, hợp pháp, tạo khuôn khổ cần thiết để các nhà quản lý tham gia cùng các ngành công nghiệp bán lẻ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
 
Những biện pháp trên là một phần trong sự hợp tác mà Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Motoo Hayashi cam kết với các quan chức Việt Nam trong buổi làm việc gần đây tại Hà Nội. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản cũng sẽ mở rộng hợp tác trong ngành công nghiệp dệt may. Trong thời gian tới, hai nước sẽ cân nhắc bỏ thuế đối với một số mặt hàng dệt may, xem xét trợ cấp và giảm thuế cho các nhà sản xuất Nhật Bản mở nhà máy tại Việt Nam. Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch thảo luận về các vấn đề trên thường xuyên từ cuộc họp đầu tiên diễn ra vào tháng 6 sắp tới. 
 
5. Châu Âu rà soát thuế chống bán phá giá với giày mũ da Việt Nam.
 
Ngày 21/3, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố Ủy ban châu Âu (EC) ban hành thông báo tiến hành rà soát quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Theo đó, EC sẽ xem xét, đánh giá quy chế đối xử như nền kinh tế thị trường “Market economy treatment - MET” và quy chế đối xử riêng rẽ “Individual treatment - IT” theo yêu cầu được nộp bởi các nhà sản xuất/xuất khẩu không được chọn mẫu.
 
Việc tiến hành rà soát nhằm thực thi phán quyết của Tòa án tư pháp thuộc Liên minh châu Âu vào ngày 4/2, vô hiệu một phần quyết định áp thuế chống bán phá giá do kết luận EC đã tiến hành điều tra không phù hợp với quy định liên quan đến “MET” và “IT”. Trên cơ sở đó, EC phải xem xét lại đề nghị được hưởng quy chế MET và IT (đã nộp từ năm 2006) của Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 10/2006, EC ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá với giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc là 16,5% và từ Việt Nam là 10%. Năm 2011, EC đã thông báo chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá này.
 
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)