banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 29/02
Cập nhật lúc 07:48 ngày 29/02/2016
Trong ngày 29 tháng 02 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Bộ Công Thương nói gì sau khi lãnh đạo Liên kết Việt bị bắt?; Thực hư việc Lọc dầu Dung Quất có thể đóng cửa nếu không giảm thuế; Nhờ đâu Petrolimex lãi hơn 1.000 tỉ trong quý IV/2015; Gạo Việt Nam mang thương hiệu Trung Quốc; Thị phần hàng dệt may tại EU: Campuchia vượt Việt Nam.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Bộ Công Thương nói gì sau khi lãnh đạo Liên kết Việt bị bắt?

Dư luận đặt câu hỏi suốt một thời gian dài như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ở đâu khi để xảy ra hàng loạt sai phạm như trên. Chiều 28/2, Bộ Công Thương chính thức lên tiếng về vấn đề này. Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, Công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp vào năm 2014. Sau khi Nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực 1/7/2014, việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh).

Theo ông Mừng, sau khi Công ty Liên kết Việt được cấp đăng ký hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của công ty vào 15/7/2015. Căn cứ kết quả kiểm tra, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp.

2Thực hư việc Lọc dầu Dung Quất có thể đóng cửa nếu không giảm thuế


Báo chí đồng loạt đưa tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ phải đóng cửa hoặc giảm công suất do tồn kho lớn. Theo đó, PetroVietnam – công ty mẹ của Dung Quất - được cho là đã nói rằng từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu xăng từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10% và thuế nhập khẩu diesel giảm về 0% theo lộ trình đã định sẵn. Ngoài ra, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng được đưa về mức 10% theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Sản phẩm xăng dầu sản xuất tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất bán ra thị trường nội địa phải nộp điều tiết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu chung và mức thuế họ đang chịu là 20%, dẫn đến sản phẩm của Dung Quất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, Tiến sĩ Phan Minh Ngọc cho rằng nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã có cả một lộ trình nhiều năm để có những biện pháp đối phó khi thuế nhập khẩu sản phẩm xăng dầu từ một số nước và khu vực được xóa bỏ hoặc hạ thấp nhưng họ đã không quyết tâm thực hiện. 

3Nhờ đâu Petrolimex lãi hơn 1.000 tỉ trong quý IV/2015

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa phát đi báo cáo giải trình vì sao quý IV/2015, Tập đoàn lại đạt con số lợi nhuận lên đến 1.003 tỉ đồng. Tập đoàn Petrolimex cho hay, con số lợi nhuận sau thuế lên tới 1.806 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ 2014 lỗ 791 tỉ đồng) có được là do lợi nhuận từ các công ty cổ phần, liên kết có vốn góp của Tập đoàn tăng trưởng tốt; các khoản trích lập dự phòng do tác động của biến động giá xăng dầu giảm... 

4. Gạo Việt Nam mang thương hiệu Trung Quốc


Gạo Campuchia “ngồi” chễm chệ trên kệ hàng trong các siêu thị ở Trung Quốc, các nước châu Âu. Trong khi đó gạo Việt Nam vừa cập cảng đã bị các doanh nghiệp nước nhập khẩu “thay tên, đổi họ”. Chính vì vậy, người tiêu dùng nước nhập khẩu không biết đến thương hiệu gạo Việt. “Những lý do trên khiến gạo Việt thua gạo Thái, nay để Campuchia vượt mặt và sắp tới có thể thua Myanmar, Lào” - ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cảnh báo.

Ngược lại, các công ty xuất khẩu gạo Campuchia ký kết trực tiếp với hệ thống siêu thị, cửa hàng. Sau khi chinh phục thị trường châu Âu, Mỹ…, gạo Campuchia dễ dàng tấn công sang thị trường Trung Quốc với những bước đi bài bản do xuất khẩu gạo chất lượng cao. “Một đối thủ tiềm năng khác được dự báo sẽ cạnh tranh với gạo Việt ngay tại thị trường Trung Quốc đó là Lào. Lào đã chính thức xuất khẩu lô hàng hơn 8.000 tấn gạo đầu tiên sang Trung Quốc trong tháng 1/2016. Số lượng không nhiều nhưng cách làm của Lào cũng giống Campuchia nên trước mắt đã hơn gạo Việt về cái tiếng” - ông Đôn thông tin.

5. Thị phần hàng dệt may tại EU: Campuchia vượt Việt Nam

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, theo thống kê mới nhất, Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia EU nhập khẩu sản phẩm may mặc trong năm 2015, xếp sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Campuchia. Theo các chuyên gia trong ngành, việc Campuchia vượt Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu tại thị trường EU là một bất ngờ rất lớn, dù đơn giá bình quân giảm 2,31% so với năm trước đó và thấp hơn đơn giá thực hiện của Việt Nam, nhưng thị phần của Campuchia tại EU lại cao hơn Việt Nam, chiếm 3,64%.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)