banner2019
 
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Công đoàn Công Thương VN: Sát cánh cùng người lao động
Cập nhật lúc 09:03 ngày 13/02/2016

Quan tâm đến từng cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, chú trọng tuyên truyền pháp luật và bảo vệ người lao động… là những chương trình Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện để luôn xứng đáng là người đại diện cho đội ngũ công nhân viên chức lao động ngành Công Thương.

Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng (bên phải) trao tiền ủng hộ vùng than Quảng Ninh đợt lũ lụt giữa năm 2015      

Năm 2015, nền kinh tế có những bước phục hồi rõ nét giúp các doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương phát triển. Nhờ vậy, các đơn vị trong ngành đều bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động (NLĐ). Theo báo cáo của CĐCTVN, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động là đoàn viên của CĐCTVN có 163.841người, trong đó 53.838 lao động nữ, chiếm 32,86%.

Năm 2015, CĐCTVN đã thực hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Bằng nhiều giải pháp, CĐCTVN đã đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Nhờ vậy, trong tổng số 515 DN ngành Công Thương (bao gồm 33 doanh nghiệp FDI), có 487 doanh nghiệp đã ký TƯLĐTT, đạt tỷ lệ 94,56%. Đặc biệt, có trên 60% các bản TƯLĐTT có những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên và NLĐ; tổ chức các phong trào thi đua; hoạt động nữ công, công tác đối ngoại… đều được thực hiện hiệu quả.

Những kết quả tích cực ấy sẽ là tiền đề vững chắc cho CĐCTVN tiếp tục thực hiện các mục tiêu trong năm 2016. Chia sẻ với báo chí về vấn đè này, ông Nguyễn Xuân Thái - Phó Chủ tịch CĐCTVN - khẳng định, trong nhiệm kỳ này, CĐCTVN sẽ tăng cường triển khai các hoạt động, trong đó, sẽ tập trung hướng về cơ sở, người lao động.

Chủ trương đó thực sự không còn nằm trên giấy mà đã được CĐCTVN hiện thực hóa qua hàng loạt chương trình cụ thể. Còn nhớ, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015 với những nội dung tác động lớn đến tổ chức công đoàn và người lao động. Để cung cấp thông tin cho các công đoàn cơ sở và lãnh đạo doanh nghiệp ngành Công Thương, ngay sau sự kiện trên ít ngày, CĐCTVN đã tổ chức buổi tuyên truyền về hiệp định. Đây là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công đoàn thực hiện việc này.

Trong hội nghị đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ - đã đứng gần 3 giờ đồng hồ để phổ biến về TPP. Những thông tin chính xác, cụ thể và gần gũi nhất với công đoàn đã được Thứ trưởng phân tích. Cũng trong dịp đó, các công đoàn cơ sở đã được nghe bà Phạm Nguyên Cường - chuyên gia về bình đẳng giới - phân tích những thách thức về bình đẳng giới khi tham gia TPP. Hiệp định này yêu cầu các nước không phân biệt đối xử trong lao động và nghề nghiệp. Điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức khi triển khai tại Việt Nam. Qua những buổi tập huấn như vậy, các cán bộ làm công tác công đoàn tại các cơ sở có thể hiểu rõ hơn về hoạt động công đoàn trong tương lai, từ đó có sự chuẩn bị về kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức chuyên môn nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới.

Mới đây, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, CĐCTVN đã tổ chức tặng sách pháp luật cho người lao động. Thay vì đến công đoàn cấp trên cơ sở, lãnh đạo CĐCTVN đã trực tiếp xuống các công xưởng để tặng sách tới tay người lao động.

Trong chuỗi hoạt động đó, Phó Chủ tịch CĐCTVN Tạ Thị Vân Anh đã cầm từng cuốn sách nhỏ vừa trao tặng cho các anh, chị, em là công nhân bán xăng dầu tại một cửa hàng xăng dầu nhỏ, vừa hỏi han cuộc sống, môi trường làm việc và các chế độ… đã để lại cho phóng viên những cảm nhận rất xúc động.

Thế mới biết, NLĐ cần đến tổ chức công đoàn như thế nào và những người làm công đoàn trong ngành Công Thương đã thực sự vì NLĐ ra sao?.

CĐCTVN luôn thực hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện các thỏa ước lao động tập thể…

Nguồn Báo Công Thương