banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 26/1
Cập nhật lúc 08:30 ngày 27/01/2016

Trong ngày 26 tháng 01 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Công nghiệp khí đối mặt nhiều thách thức; Khuôn khổ pháp lý đã sẵn sàng cho phát triển điện hạt nhân; Tình trạng ô nhiễm tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa giảm; Doanh nghiệp Mỹ đổ vốn vào dệt may Việt Nam; Nhiều cơ hội cho hàng Việt tại Myanmar; Tạo môi trường để doanh nghiệp nhỏ và vừa bước vào hội nhập; Giá gạo xuất khẩu đang thấp hơn giá thành sản xuất.

Thông tin cụ thể như sau:

1.Công nghiệp khí đối mặt nhiều thách thức

Hàng loạt thách thức từ khai thác, phân phối đến giá khí mà ngành công nghiệp khí Việt Nam đang phải đối mặt đã được chỉ rõ tại Hội thảo Kế hoạch khai thác và những thách thức khi phát triển các nguồn khí tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Muốn thực hiện đúng theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, ngay lúc này cần định ra phương hướng xử lý các vấn đề tồn đọng, đặc biệt là phải có một cơ chế về giá khí phân phối đến từng ngành tiêu dùng, từng vùng, từng khách hàng. Phải có sự cân bằng lợi ích giữa các bên từ nhà đầu tư khai thác, phân phối đến đơn vị tiêu dùng sao cho minh bạch, cân bằng và hợp lý.

Đại diện Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị về các bất hợp lý của ngành công nghiệp khí Việt Nam, đặc biệt là vấn đề giá khí. Đồng thời đánh giá đây là vấn đề nhạy cảm bởi ảnh hưởng đến giá điện, đầu tư quốc tế về khai thác và phân phối tài nguyên khí tại Việt Nam.

2.Khuôn khổ pháp lý đã sẵn sàng cho phát triển điện hạt nhân

Việt Nam là nước đi sau về lĩnh vực năng lượng hạt nhân, vì vậy để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử, tạo hành lang pháp lý phát triển điện hạt nhân an ninh, an toàn và hiệu quả.

Không chỉ pháp luật trong nước quy định về năng lượng nguyên tử mà cả các điều ước quốc tế về năng lượng nguyên tử, Việt Nam cũng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tham gia các điều ước quốc tế khác. Tuy nhiên, khi xem xét tham gia điều ước quốc tế phải cân nhắc các yếu tố như bảo vệ chủ quyền, uy tín quốc gia, bí mật Nhà nước, nhân lực, tài chính, cũng như những ràng buộc sau khi tham gia điều ước quốc tế.

3. Tình trạng ô nhiễm tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa giảm

Sáng 25/1, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa, dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh này kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định về môi trường tại các nhà máy ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Tổ công tác phát hiện nhà máy chở xỉ và than bằng xe ben chứ không phải xe chuyên dụng; gió lớn khiến khói bụi mù mịt nhưng công trường không được tưới nước;...

Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng các biện pháp của nhà thầu hiện chưa hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và yêu cầu các nhà thầu phải tưới nước thường xuyên. Nếu trong trường hợp gió quá mạnh thì phải ngưng thi công. Ngoài ra, yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, cùng với Công an tỉnh và UBND huyện Tuy Phong phải giám sát chặt diễn biến môi trường tại các nhà máy và có báo cáo hằng ngày cho UBND tỉnh. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Quyết không để tình trạng ô nhiễm xảy ra ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

4. Doanh nghiệp Mỹ đổ vốn vào dệt may Việt Nam


Dòng vốn từ Mỹ vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại. Hàng loạt dự án khủng đã đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam. Số liệu của Hiệp hội Dệt - May Việt Nam (Vitas) cho thấy, tính đến hết năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may của Việt Nam đã chạm ngưỡng 2 tỷ USD. Đây là số vốn cao kỷ lục từ trước tới nay. Còn theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), chưa tính đến tác động của TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 51,4 tỷ USD vào năm 2020, trong đó dệt may là 15,2 tỷ USD. Amcham ước tính, đến 2025, xuất khẩu dệt may sang Mỹ sẽ đạt tới con số 20 tỷ USD.

5. Nhiều cơ hội cho hàng Việt tại Myanmar

Sắp tới thuế không phải là vấn đề lớn khi Việt Nam và Myanmar ký kết các hiệp định thương mại tự do trong khu vực, nhiều mặt hàng sẽ được dỡ bỏ thuế hoặc giảm dần theo lộ trình...

Ngày 25/1, tại buổi trao đổi thông tin với các doanh nghiệp về hội chợ và chương trình khảo sát thị trường tại Myanmar vào tháng 4, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại & đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, Myanmar vẫn là thị trường còn mang cơ hội cho hàng Việt Nam nhiều nhất trong khối Asean bởi nhu cầu hàng hóa rất lớn, phù hợp với thế mạnh sản xuất của các doanh nghiệp. Ông Đào Ngọc Tâm, phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar cho biết, hiện nay Myanmar đang trong quá trình mở cửa, tiếp tục xây dựng hoàn thiện biểu thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, nên doanh nghiệp cần lưu ý chính sách thuế khi thâm nhập thị trường này vì việc áp thuế chưa ổn định. Tuy nhiên, sắp tới thuế không phải là vấn đề lớn khi Việt Nam và Myanmar ký kết các hiệp định thương mại tự do trong khu vực, nhiều mặt hàng sẽ được dỡ bỏ thuế hoặc giảm dần theo lộ trình.

6. Tạo môi trường để doanh nghiệp nhỏ và vừa bước vào hội nhập

TPP và EVFTA sẽ mang đến những triển vọng lợi ích kinh tế to lớn, song cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, vấn đề bán phá giá, trợ cấp... Đó là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn chính sách thương mại với chủ đề “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU (EVFTA): Cơ hội và thách thức cho SME Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/1.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá, TPP có hiệu lực sẽ tác động rõ rệt lên nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội, lợi ích có thể hưởng được từ 2 hiệp định này thì SME cũng đối mặt với những thách thức khi Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc, yếu kém nội tại chưa dễ giải quyết. Để các SME tận dụng được cơ hội và phát triển, Chính phủ cần có những giải pháp phân bổ nguồn lực công bằng hơn cho DN tư nhân; hỗ trợ thúc đẩy về chính sách... đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

7. Giá gạo xuất khẩu đang thấp hơn giá thành sản xuất

 Ngày 25/1, Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên – chuyên gia lúa gạo tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện giá xuất khẩu gạo Việt Nam loại 5% tấm là 350 USD/tấn (tương ứng 7.550-8.000 đồng/kg) giảm 5USD/tấn so tuần trước và giảm 20 USD/tấn so tháng trước.


Đáng lo hơn là giá bán này thấp hơn 30-40USD/tấn so giá thành sản xuất (380-390USD/tấn, tương ứng 8.444-8.667 đồng/kg gạo). Đây là điều không bình thường trong bối cảnh giá gạo thế giới đang ổn định và theo dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2016 sẽ giảm 2% so với năm 2015 do ảnh hưởng bất lợi thời tiết... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cơ bản là do ảnh hưởng từ việc Thái Lan tăng cường xuất khẩu gạo tồn kho.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)