banner2019
 
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Vài suy nghĩ về công đoàn cơ sở và chủ tịch công đoàn cơ sở
Cập nhật lúc 03:59 ngày 25/10/2015

Trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, công đoàn cơ ở (CĐCS) là cấp cuối cùng, nơi trực tiếp biến chủ trương, chính sách của các cấp công đoàn từ TW đến CĐCS thành hiện thực và đi vào cuộc sống. Có thể nói CĐCS là nơi kiểm nghiệm các chủ trương đó một cách chính xác nhất.

Cho nên việc xây dựng CĐCS vững mạnh, bồi dưỡng và nâng cao vị trí của chủ tịch CĐCS là đòi hỏi tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng có tính chất quyết định của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay.


Cơ chế thị trường ngày càng phát triển và hoàn thiện, các loại hình kinh tế phát triển đa dạng, hoạt động của công đoàn, đặc biệt là ở cấp CĐCS cũng phải có sự đổi mới để phù hợp với xu thế của thời đại. Như chúng ta đã biết CĐCS có phát triển được không phụ thuộc rất lớn vào BCH Công đoàn mà đứng đầu là đồng chí chủ tịch CĐCS.

Chủ tịch CĐCS là người được đoàn viên tín nhiệm bầu tại đại hội hoặc hội nghị CĐCS, mong muốn của đoàn viên khi bỏ lá phiếu là bầu được người có năng lực, uy tín, trình độ, có bản lĩnh và nhiệt tình để ngoài việc tổ chức các hoạt động phong trào, còn là “thủ lĩnh” để đấu tranh bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng cho họ. Khi chủ tịch CĐCS có được đầy đủ những tiêu chuẩn và phát huy được vai trò của mình thì tự than sẽ là người đại diện cho đội ngũ đoàn viên, Đảng cần đến chủ tịch công đoàn như chiếc cầu nối giữa Đảng và quần chúng chính quyền cần đến chủ tịch công đoàn như người bạn đồng hành để cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Ngược lại, nếu chủ tịch công đoàn kém năng động, kém hiểu biết thì CĐCS như là một tổ chức thừa trong đơn vị, không những uy tín của chủ tịch công đoàn giảm sút mà vị thế của tồ chức cũng bị xem nhẹ.

Một thực tế hiện nay là rất nhiều người không muốn làm chủ tịch CĐCS, bởi vì ngoài yêu cầu của công việc chuyên môn ngày càng nhiều thì chủ tịch CĐCS còn phải dành một thời gian khá lớn cho công tác công đoàn, lại còn phải chịu áp lực “trên đe, dưới búa” từ công đoàn cấp trên, từ lãnh đạo đơn vị và từ đoàn viên công đoàn, trong khi quyền lợi của chủ tịch công đoàn cơ sở thì hầu như không đáng kể hoặc thậm chí là không có gì 

Để xây dựng CĐCS vững mạnh, hoạt động công đoàn thực sự có hiệu quả, người chủ tịch CĐCS cần phải xác định đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng được tập thể đoàn viên bầu lên; lãnh đạo đơn vị cũng cần quan tâm đến tổ chức công đoàn, đến chủ tịch CĐCS vì thực chất quan tâm đến tổ chức công đoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho CĐCS hoạt động là góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện tốt qui chế dân chủ cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn, củng cố mối đoàn kết nội bộ trong cơ quan để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; đội ngũ đoàn viên công đoàn cũng phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, cần tích cực, nhiệt tình tham gia các phong trào của tổ chức công đoàn, chia sẻ khó khăn với chủ tịch công đoàn…Ngoài ra, công đoàn cấp trên cũng phải có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên chủ tịch CĐCS.

Tóm lại, việc xây dựng CĐCS vững mạnh là đòi hỏi tất yếu của tổ chức công đoàn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó ngoài các điều kiện khác, nhất thiết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chủ tịch CĐCS vừa đủ tâm, vừa đủ tầm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công đoàn trong thời kỳ mới.

Nguyễn Văn Trọng