banner2019
 
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Làm thế nào để tăng năng suất lao động
Cập nhật lúc 11:19 ngày 20/10/2015

Vấn đề năng suất lao động của người lao động Việt Nam gần đây đã được nhiều cơ quan chức năng, của các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người lao động quan tâm đánh giá. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được công bố mới đây cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Vậy những đánh giá trên có đúng? Làm thế nào để năng suất lao động ngày càng tăng và đây có phải là vấn đề riêng của người lao động hay của cả doanh nghiệp và toàn xã hội?


1. Năng suất lao động là gì?

Năng suất lao động là một tiêu chí đánh giá hiệu quả, nói một cách khác năng suất lao động là hiệu quả của hoạt động có ích của con người trong một đơn vị thời gian, nó được biểu hiện bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc hao phí để sản xuất ra được một sản phẩm.

Năng suất lao động phản ánh tính lợi nhuận, tính hiệu quả, giá trị chất lượng, sự đổi mới chất lượng cuộc sống. Đó là một chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội được lượng hoá bằng mức tăng giá trị gia tăng của tất cả các nguồn lực và yếu tố tham gia vào một quá trình hay một loạt các hoạt động kinh tế trong một thời gian nhất định. Năng suất là một trạng thái tổng hợp cách thức hoạt động của con người và các doanh nghiệp.

Điểm căn bản nhất của cách tiếp cận mới về năng suất lao động là tăng số lượng đồng thời tăng chất lượng. Điều này có nghĩa là sử dụng cùng môt khối lượng nguyên liệu, lao động, vốn, năng lượng… để sản xuất một khối lượng lớn hơn các đầu ra có cùng chất lượng hoặc chất lượng cao hơn.

Tuy nhiên, theo cách hiểu trên rất khó phân biệt trình độ, kỹ năng đóng góp của người lao động vào năng suất lao động của mỗi nền kinh tế. Vì vậy, quan niệm về năng suất lao động phải được nhìn nhận đầy đủ hơn, bao trùm cả số lượng và chất lượng sản phẩm để có giá trị gia tăng cao; lao động bao gồm cả lao động sống và lao động quá khứ. Cần xác định các chỉ tiêu để tính toán năng suất lao động như năng suất lao động cá nhân, năng suất lao động xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động… để đánh giá đúng năng suất lao động của một cá nhân, một đơn vị, hay một quốc gia và cốt lõi là tìm các biện pháp làm cho năng suất lao động ngày càng tăng.

Năng suất lao động cá nhân: Là sức sản xuất của cá nhân người lao động, được đo bằng tỷ số số lượng sản phẩm (hoặc sản phẩm quy đổi) với thời gian lao động để hoàn thành số sản phẩm đó.

Năng suất lao động cá nhân là thước đo tính hiệu quả lao động sống, có vai trò rất lớn trong quá trình sản xuất. Việc tăng hay giảm năng suất lao động cá nhân phần lớn quyết định sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp nhận trả công theo năng suất lao động cá nhân hay mức độ thực hiện công việc của từng cá nhân, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến  đời sống của người lao động.

- Năng suất lao động xã hội: Là mức năng suất của tất cả các nguồn lực của một doanh nghiệp hay toàn xã hội. năng suất lao động xã hội được đo bằng tỷ số giữa đầu ra của doanh nghiệp hoặc của xã hội với số lao động sống và lao động quá khứ bị hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Như vậy, khi nói đến hao phí lao động sống là nói đến năng suất lao động cá nhân, còn hao phí lao động sống và lao động vật hoá là nói đến năng suất lao động xã hội. Năng suất lao động cá nhân cùng năng suất lao động của một nhóm lao động trong doanh nghiệp là cơ sở quan trọng nhất cho năng suất lao động xã hội, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của mỗi nền kinh tế.

- Tăng năng suất lao động là giảm chi phí lao động cho một đơn vị sản phẩm có nghĩa là sự thay đổi trong cách thức lao động làm rút ngắn thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nhiều giá trị sử dụng hơn.

Để tăng thêm sản phẩm xã hội có thể áp dụng hai biện pháp: Tăng thêm quỹ thời gian lao động và tiết kiệm chi phí lao động đối với mỗi đơn vị sản phẩm. Thực tế số lượng lao động và thời gian lao động đều có giới hạn, vì thế lấy khả năng tiết kiệm thời gian lao động chi phí đối với một đơn vị sản phẩm là biện pháp cơ bản để phát triển sản xuất.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, có 7 yếu tố cơ bản tác động đến năng suất lao động của nước ta như sau:

+ Xuất phát điểm và quy mô nền kinh tế: Xuất phát điểm năng suất lao động  của nước ta thấp, do duy trì mức độ tăng trưởng chưa cao trong một thời gian tương đối dài. Năng suất lao động năm 2014 chỉ đạt 74,7 triệu đồng/lao động.

+ Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động: Tỷ lệ khu vực công nghiệp, dịch vụ  thấp; lao động khu vực nông thôn, lâm nghiệp, thủy sản cao, chủ yếu là lao động giản đơn, mùa vụ, không ổn định, tạo ra giá trị gia tăng thấp (46,0% lao động cả nước, nhưng chỉ tạo ra 18,1% GDP).

+ Năng suất lao động các ngành và quá trình chuyển dịch lao động: Tăng năng suất lao động thông qua chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ thấp.

+ Máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu là hoạt động sơ chế và gia công có hàm lượng giá trị gia tăng kết tinh trong sản phẩm thấp. Sản xuất công nghiệp nước ta chủ yếu có công nghệ sản xuất lạc hậu và trung bình, năng lực cạnh tranh còn thấp.

+ Chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo: Tỷ lệ qua đào tạo chuyên môn thấp; cơ cấu các ngành các lĩnh vực chưa phù hợp; việc khai thác và sử dụng lao động qua đào tạo chưa hiệu quả, làm việc không đúng chuyên môn đào tạo, hoặc sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm phù hợp.

+ Trình độ tổ chức, quản lý trong sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng các nguồn lực: Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp cho tăng trưởng còn thấp. Việc huy động vốn vào hiệu quả đầu tư chưa cao.

+ Quá trình đô thị hóa: Quá trình diễn ra chậm, nên việc cung ứng lao động cho các khu công nghiệp tập trung và dịch vụ còn thấp.

3. Những nhân tố ảnh hưởng năng suất lao động của doanh nghiệp

- Yếu tố gắn liền với sự phát triển và sử dụng tư liệu sản xuất: Ngoài yếu tố về điều kiện tự nhiên thuận lợi, như vị trí địa lý, giàu tài nguyên khoáng sản... thì khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, năng lượng, nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng… Ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại, nâng cao trình độ sáng chế và sử dụng nguyên vật liệu mới, có những tính năng cao hơn, giá rẻ hơn, tiết kiệm nguyên vật liệu; tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật như phát triển các ngành năng lượng, cơ khí, luyện kim, hoá học, giao thông vận tải và hệ thống thông tin, liên lạc.

- Yếu tố gắn liền với con người và quản lý con người:

Thứ nhất, các yếu tố gắn với bản thân người lao động. Đó là trình độ văn hoá, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, năng lực của đội ngũ lao động. Nếu người lao động có trình độ học vấn sẽ tạo ra khả năng tư duy và sáng tạo cao, tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các công cụ sản xuất để tạo ra hiệu quả làm việc cao nhất.

Người lao động cần phải có sức khỏe để đảm bảo làm hoàn thành công việc được giao, nhất là chịu đựng được áp lực khi phải tăng cường độ lao động lúc cần thiết. Có sức khỏe sẽ đảm bảo các thao tác chính xác, tập trung an toàn trong lao động, giảm thiểu sản phẩm lỗi.

Ngoài ra, thái độ lao động, biểu hiện trên các khía cạnh: Chấp hành kỷ luật lao động, chấp hành nội quy, quy định, nguyên tắc làm việc, tuân thủ quy trình đề ra như số lượng, chất lượng công việc, an toàn vệ sinh lao động, giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, không vi phạm pháp luật lao động; có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó trung thành với doanh nghiệp.

Hai là, các yếu tố gắn với tổ chức lao động của người quản lý: Ngoài việc biết lựa chọn ngành nghề lĩnh vực, mặt hàng sản xuất phù hợp với năng lực và điều kiện doanh nghiệp, thì trình độ và khả năng tổ chức lao động của mỗi doanh nghiệp có tác động mạnh mẽ tới năng suất lao động thông qua việc xác định phương hướng phát triển, phân công lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng, tổ chức phục vụ nơi làm việc…

Phân công lao động hợp lý với năng lực sở trường của mỗi người, mỗi vị trí công việc, đánh giá đúng chất lượng công việc và năng lực của mỗi cá nhân để trả lương, trả thưởng phù hợp, đảm bảo cho ngưiờ lao động yên tâm công việc sản xuất sẽ là tác động tích cực đến năng suất lao động.

Tổ chức nơi làm việc thuận tiện, phù hợp tạo không gian, môi trường hợp lý, thoáng đảng đủ ánh sáng, nhiệt độ... Phân phối các khoản phúc lợi của doanh nghiệp hỗ trợ đời sống, có thái độ ứng xử thân thiện, đúng mực của cán bộ quản lý, sẵn sàng đối thoại để chia sẻ thông tin và phối hợp đại diện người lao động giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc cho người lao động cũng có tác dụng đáng kể để làm tăng năng suất lao động.

- Các yếu tố thuộc về môi trường lao động, đó là môi trường tự nhiên và điều kiện lao động

Môi trường tự nhiên: Nhiều nơi người lao động phải làm việc trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, như làm việc ngoài trời, hầm lò, nơi nhiệt độ cao cản trở đến công việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động. Trong trưởng hợp có thể, nếu có sự quan tâm đầu tư cải thiện hạn chế tác động xấu của môi trường tự nhiên, cũng là góp phần tăng năng suất lao động.

Điều kiện lao động: Là tổng hợp các yếu tố của môi trường làm việc tác động tới sức khoẻ và khả năng thực hiện công việc của người lao động như  ánh sáng, độ ẩm, tiếng ồn, độ rung, bụi, các chất độc hại ảnh hưởng tới con người. Nếu nơi làm việc có điều kiện làm việc không tốt, ô nhiễm sẽ ảnh hưởng sức khỏe người lao động, cảm giác không an toàn, giảm khả năng lao động.

- Năng suất lao động còn phụ thuộc rất lớn vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, địa phương và chính nội bộ doanh nghiệp.

Cơ chế chính sách đúng, phù hợp sẽ khích thích phát triển, phát huy tài năng trí tuệ, sáng tạo của người lao động và người sử dụng lao động trong việc đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ có tác dụng ở cấp ngành, lĩnh vực mà cũng có giá trị thiết thực đối với mỗi cá nhân người lao động, nhóm lao động và từng doanh nghiệp.

Vì vậy, để nâng cao năng suất lao động cá nhân và năng suất lao động từng doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, cần phải có những giải pháp đồng bộ, theo hướng đánh giá đúng các yếu tố ảnh hưởng, tác động. Sau đó, tùy theo năng lực tài chính, điều kiện cơ sở vật chất và lợi thế so sánh trên thị trường để đầu tư cải thiện các yếu tố đầu vào phù hợp.

Linh Khánh