banner2019
 
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Chỗ dựa của người lao động trong tiến trình hội nhập
Cập nhật lúc 11:05 ngày 12/10/2015

Cùng những yếu tố mang tính thương mại, hội nhập sâu sẽ có những vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, tiêu chuẩn lao động, đoàn thể trong doanh nghiệp… Vai trò của công đoàn là hết sức quan trọng đồng hành cùng người lao động trong tiến trình hội nhập.

Khi Việt Nam trở thành thành viên của TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, người lao động sẽ chịu những tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội. Một số ngành kinh tế có thể phát triển nhanh nhờ vào mức tăng trưởng đạt được thông qua quá trình tự do hóa thương mại như: Dệt may, da giày, thủ công nghiệp, thủy sản, điện tử, đồ gỗ và nội thất… Điều này đồng nghĩa với cơ hội về việc làm, thu nhập cho người lao động được tăng cao.


Việt Nam có lợi thế là lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2015, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,86 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,79 triệu người. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập...

Chính vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là một trong những mối quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trong đó, công đoàn, đặc biệt là công đoàn trong các doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ, tay nghề; phối hợp với các đoàn thể quần chúng tuyên truyền tôn vinh người lao động, xóa bỏ bệnh sính bằng cấp, hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội. Các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đồng cấp xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động cấp mình.

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - trong đàm phán TPP, các vấn đề về người lao động được đặt ra bao gồm quyền thương lượng đối với giới chủ sử dụng lao động về lương, ngày làm việc, điều kiện lao động, đóng bảo hiểm, quyền ký kết các hợp đồng lao động... Những điều này dựa trên các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng tiêu chuẩn lao động cao khi gia công hay hợp tác sản xuất với các đối tác nước ngoài như: Tiêu chuẩn sạch, xanh, trách nhiệm xã hội… Vì vậy, việc tiếp nhận các tiêu chuẩn mới không hẳn là một thách thức quá lớn. Tuy nhiên, việc cải thiện pháp luật lao động, tiến dần tới các tiêu chuẩn lao động tiên tiến của quốc tế vẫn là việc cần phải làm và thường xuyên làm.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:

Thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tăng cường hơn nữa nhiệm vụ đại diện, tham gia cùng chính quyền, các ngành chức năng triển khai những thiết chế, hoàn thiện các chính sách pháp luật để bảo vệ quyền lợi người lao động. Chủ động nghiên cứu và đánh giá tác động các công ước của Liên hợp quốc và Tổ chức lao động quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực lao động. 

Hà Thu