banner2019
 
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Thứ sáu, ngày 05 tháng 07 năm 2024
Kỷ niệm 85 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2015)
Cập nhật lúc 01:47 ngày 31/07/2015

Ngày 30/7, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2015).

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo. 85 năm qua, từ tên gọi là Ban Cổ động và Tuyên truyền sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến nay ngành Tuyên giáo đã đổi qua nhiều tên gọi, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận tư tưởng thì vẫn luôn thống nhất và xuyên suốt. Ngành Tuyên giáo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng

Đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng, đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thúc lớn, bên cạnh đó các thế lực thù địch tiếp tục chống phá trên nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh hoạt động "diễn biến hòa bình", thúc đẩy những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ... vì thế đòi hỏi ngành Tuyên giáo phải nỗ lực vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tiếp tục làm tốt chức năng định hướng, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tham gia tổng kết thực tiễn, kịp thời luận giải những vấn đề cấp bách đang đặt ra từ cuộc sống.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng yêu cầu ngành Tuyên giáo cần tích cực tham gia xây dựng Đảng. Trong đó có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, Đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng.

Cách đây 85 năm, ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Kể từ ngày 01/8 đến tháng 10-1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt đó, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 01-8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01-8 hàng năm làm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của công tác Tuyên giáo - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất, giữ vai trò hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng. Đây là dịp để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác Tuyên giáo. Là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác Tuyên giáo; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đây cũng là dịp để cán bộ ngành Tuyên giáo và đội ngũ những người làm công tác tư tưởng của Đảng ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.  

Ngọc Xanh (tổng hợp)