banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Hoa Chè
Cập nhật lúc 05:03 ngày 29/09/2014

Kể từ ngày biết mình chớm mang khối u ác tính, tinh thần ông Lãng suy sụp hẳn, sức vóc cường tráng của người lính công binh rừng Trường Sơn ngày nào vốn đã hao mòn qua từng lần vết thương tái phát, giờ lại càng thêm tiều tụy, cháu con, bạn hữu luôn bên cạnh động viên, nhưng không khí gia đình xem chừng trầm lắng lắm.

Trong căn phòng bệnh ngột ngạt mùi hóa chất, xi lanh, thuốc men, với một mớ những dây dợ lằng nhằng, máy móc thiết bị, cơ thể vốn mệt mỏi của ông  Lãng càng thêm phần não nuột.

Giường kế bên, một bệnh nhân kém ông chừng vài tuổi có gương mặt nhợt nhạt, bạc thếch, đầu trọc lốc, hậu quả của những đợt truyền hóa chất dài ngày, nghe đâu cũng là lính đi B ngày xưa, lâu nay sống bằng nghề tướng số.

- Đời phải lạc quan lên chứ, tinh thần người lính là không được lùi bước. Lạc quan là một liều thuốc tiên đấy bác ạ – Ông ta hướng về phía ông Lãng động viên với nụ cười meo méo,

- Ôi dào, trước sau gì cũng về với tổ tiên cả, cuộc đời tôi thôi thế cũng là toại nguyện, ông Lãng thở dài nói.

- Bác đừng tiêu cực thế, em nhìn bác còn hậu vận lắm, bác được mấy cháu – ông thầy tướng chuyển hướng câu chuyện.

- Tôi được ba. Cuộc đời binh nghiệp đã cuốn thời trai trẻ của tôi đi, sau hòa bình về quê lấy vợ, đẻ liền một thằng hai đứa. Thằng cả giờ cũng theo nghiệp nhà binh, đang công tác Bộ Tư lệnh hải quân vùng 3 ông ạ, Lãng trả lời.

- Đó chưa phải là thằng cả của bác đâu, bác còn một thằng cả nữa, nhiều tuổi hơn cơ… tay thày tướng thủng thỉnh đáp trong lúc vừa ngồi dậy  sau khi cô y tá rút ống kim truyền khỏi tay.

- Hả, ông nói sao? Hơi giật mình, thảng thốt về lời phán như tiên tri đó…, ông Lãng đăm chiêu nhìn xa xăm về phía cửa sổ, nơi hàng cây chè đang mùa trổ những bông hoa trắng dịu nhẹ. Những cây chè trong khuôn viên được đích thân ông Giám đốc Bệnh viện quê miền Trung vốn cũng là bạn một thời chiến đấu với ông Lãng mang xuống trồng từ năm ngoái với lý do, mỗi lần nhìn thấy cây chè là một lần nhắc nhở mình phải nghĩ và nhớ về quê hương…

 ***

Mới đó mà đã hơn 40 năm, cái ngày anh lính binh bét Nguyễn Văn Lãng cùng đơn vị có 3 tháng huấn luyện trước khi được bổ sung vào chiến trường đang thời điểm khốc liệt bỗng chốc tràn về.

Nông trường chè Chí Linh những ngày đó cũng giống như bao miền quê miền Bắc thân thương đang sôi sục tinh thần “tất cả cho tiền tuyến” thật sôi động và náo nhiệt. Những tốp nữ xã viên tươi rói ngày đêm hối hả lao động sản xuất, tay thoăn thoắt hái chè, miệng cười nói giòn tan, nhưng tai lúc nào cũng lắng nghe tiếng máy bay địch. Những ngày đơn vị của Lãng về đây huấn luyện có lẽ là những ngày vui nhất của các chị. Sau giờ huấn luyện cực nhọc, các anh lính tân binh lại hăng hái giúp đỡ chị em xã viên hái chè, sao chè, không khí, tình cảm bịn rịn, thắm thiết...

Nụ ngày đó là một cô kế toán viên của nông trường có làn da trắng trẻo, ánh mắt thoảng buồn đã để lại trong Lãng nhiều ấn tượng xao xuyến. Anh cũng cảm nhận Nụ dành cho mình nhiều cử chỉ thân thương hơn các đồng đội của anh qua những cái nhìn trộm đầy ý tứ mỗi lần giáp mặt. Về phía Nụ, cô cũng nhận thấy sự rung động trong tâm hồn anh Tiểu đội trưởng hiền lành, ít nói với bả vai nở nang, vẻ đẹp trong sáng của một thanh niên thời chiến trận...

Đêm chia tay nhau trước ngày cả đơn vị được lệnh hành quân bổ sung cho tiền tuyến, cơn mưa bất chợt như trút nước, làm dịu mát cái nắng oi nồng của đồi chè mùa hạ. Anh và Nụ đang lang thang ngắm đồi chè vội vã chạy về nhà kho của nông trường để trú cơn.

Cơn mưa vô tình làm ướt sũng áo Nụ, tất cả sự căng tràn của người con gái mà anh cảm mến lâu nay hiện lên trước mắt, Lãng thẫn thờ nhìn người con gái rung động đầu đời, phải mất một vài khoảnh khắc anh mới lên tiếng:

- Ngày mai bọn anh lên đường, chắc chắn sẽ nhớ mãi những ngày trên nông trường…

- Thế nhớ mỗi nông trường thôi à. Nụ bẽn lẽn cười e ấp, run rẩy, đôi mắt ngập tràn ngọn lửa yêu thương, nhìn lâu, yếu đuối, đòi hỏi được nương tựa, chở che…

- Biết anh nhớ ai rồi còn hỏi… Anh ngồi xuống bên cạnh cô, một suy nghĩ hấp tấp cùng với bản năng nóng bỏng đã khiến anh chấp chới vươn tay ra chụp vội lấy cái vầng sáng dưới ánh trăng ấy…

Khoảnh khắc bồng bềnh đó, hai con người trẻ trung chỉ kịp trải tấm áo dù pháo sáng xuống nền nhà kho, rồi như tan biến, không hay biết gì nữa… Cơn mưa tạnh từ lúc nào họ cũng chẳng hay, ánh trăng cao vót quá đình đầu, họ cùng ngồi dậy, ngỡ ngàng, hiểu hết thảy nhưng cũng thật sự không hiểu gì. Trên bả vai anh chi chít những hình răng rớm máu. Trên tấm áo dù thoáng vương một chút mầu đỏ tươi. Cô khóc. Nhìn đăm đăm vào đấy mà khóc ngon lành…

Còn anh, đứng dậy như trời trồng, mặt mày nhăn nhó khổ sở với cái vẻ của một người vừa làm nên một tội lỗi tày đình…. Nước mắt anh cũng tràn ra…

Nụ nói trong nước mắt, anh đừng bỏ em nhé. Dù thế nào em cũng chờ anh, lành lặn trở về với em, Bình nhé, tên thường gọi của Lãng thời còn con nít mà có lần anh đã kể cho Nụ nghe…

Cầm tay em mà lòng nặng chĩu: Chờ anh nhé, nhất định anh sẽ trở về, sẽ thưa chuyện với bố mẹ để cưới em…

 ***

Thế rồi cuộc chiến ngày càng dữ dội đẩy anh đi xa hơn vào những vùng tuyến lửa. Anh không còn thời gian nhớ đến cô… Thế là xong. Vết thương được kéo da non nhanh chóng cứ như một trò đùa.

Hòa bình lặp lại, anh hao đi vài kilo, nhận thêm vài gram thép Mỹ vào thân thể nhưng vẫn săn chắc, khoáng đạt tuy có phần điềm đạm, phong trần đi ít nhiều.

Anh chuyển ngành về Hải Phòng nhận công tác tại một đơn vị đóng tàu. Hai năm sau anh mới lập gia đình, liền một lúc sinh 3 đứa trong thời kỳ gian khó, bao cấp... Cuộc sống trôi nhanh với cơm áo, gạo tiền, lo toan, tính toán làm anh không có lúc nào nhớ lại cái nông trường chè với người con gái có nước da trắng hồng, nụ cười hiền dịu xưa kia nữa…

 ***   

- Chú Điệu ạ, tôi nhớ lại rồi, tôi có nên đi tìm cô ấy không? Và nếu có tìm được, nếu cha thầy tướng kia nói đúng thì liệu cô ấy và gia đình có thông cảm cho tôi… Ông Lãng nói như để tìm một sự sẻ chia sau khi trải lòng với người em trai thân thiết.

- Anh phải tìm, nhất định phải đi tìm, nếu tìm ra, tìm được, đó là hồng phúc nhà mình, anh không phải dằn vặt, mình không biết chứ không phải là biết nhưng cố tình vô tâm…

- Rồi còn mẹ thằng Đăng có đồng ý, rồi 3 đứa chúng nó sẽ nghĩ gì? Mà nếu có tìm ra Nụ, liệu cô ấy có tha thứ cho tôi, mà chắc gì đêm hôm ấy Nụ đã…

- Không nhưng gì hết, việc này anh cứ để em. Chiến tranh mà, mọi người sẽ dễ cảm thông thôi, cái chính là anh phải nhớ chính xác địa chỉ khi xưa….!

 ***

Nửa tháng sau sau câu chuyện đó, vừa được ra viện sau đợt điều trị đầu, anh em ông Lãng lên đường về vùng Chí Linh, sau khi đã làm công tác tư tưởng với bà chị dâu, các con ông Lãng và cả dòng họ.

Trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nông trường chè Chí Linh nổi tiếng một thời trong ngành chè Việt Nam, thương hiệu chè Thanh Mai với chất lượng tốt đã ăn sâu vào tâm trí của người dân trong cũng như ngoài tỉnh. Giờ đây, cây chè Thanh Mai đã dần bị mai một, cây vải, cây nhãn đã dần được thay thế…

Con người và cảnh vật nơi đây đã thay đổi quá nhiều, ông Lãng dường như không còn nhận ra nữa…

Chuyến đi đầu không có kết quả, suốt mấy ngày loanh quanh vùng ký ức xưa, hỏi thăm không biết bao nhiêu người về manh mối của nông trường đã bị giải thể từ lâu, về Nụ kế toán nông trường cùng những xã viên của hơn 40 năm về trước nữa... Cuộc tìm kiếm như đi vào ngõ cụt. Anh em ông Lãng đành về lại Hải Phòng.

Lần về Chí Linh thứ hai vẫn chưa tìm ra. Nhưng đến lần thứ ba, trong câu chuyện với bà bán nước đầu làng ngoài 70 tuổi vốn cũng là xã viên cùng thời với Nụ ngày xưa, vừa nghe tiếng anh em ông Lãng hỏi thăm, bà ta bỗng nói ngay: “Ông về đây tìm con đúng không, sao mà giống thế…”, câu nói của bà bán nước đã làm bùng lên hy vọng về một ngày đoàn tụ không xa trong tâm trí anh em ông Lãng.

 ***

Đã nhiều lần Thành hỏi mẹ về cha mình, anh cũng nhiều lần cất công về vùng đất Ân Thi tìm cha. Nhưng anh không thể tìm ra quê cha đất tổ, đang định nhờ đến chương trình: “Như chưa hề có cuộc chia ly”, thì niềm vui đoàn tụ đã đến với anh và gia đình.

Bữa cơm đoàn viên ấm cúng, rộn ràng, chứa chan nước mắt đã làm ông Lãng, bà Nụ cùng cả nhà xích lại gần nhau hơn, họ cùng cảm thông với nhau, tất cả do chiến tranh để lại, cái chính là anh em, bố con họ đã tìm về với nhau.

- Sao ngày đấy bà không viết thư cho tôi? Ông Lãng hỏi sau bữa cơm chiều ấm cúng.

- Chiến tranh, loạn lạc… em sợ viết cũng chẳng đến được tay anh…

Ngày đó, sau khi anh đi, em đã chịu nhiều dị nghị. Nông trường phải làm cả mấy cuộc họp để truy tìm bố đứa trẻ trong bụng em… Không chịu được dư luận, em đã xin nghỉ làm ở nông trường để về quê. Đón mẹ con em về làng, bố mẹ cũng phải sống trong dư luận trong một thời gian dài… Rồi thì chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại vài năm cũng không có tin tức gì của anh, bố mẹ giục em đi lấy chồng, kẻo đánh mất tuổi thanh xuân đời người chỉ một…

Số em vất vả, người chồng sau này cũng sinh được một trai, một gái, anh ấy thương yêu Thành như con đẻ của mình, nhưng do cơn đột quỵ, chồng em đã xa mấy mẹ con em từ hơn mười năm trước….

 ***

Thật kỳ lạ, sau câu chuyện tìm được con, nhận cháu, gia đình đoàn tụ sum vầy, ông Lãng như khỏe ra, nói cười vui vẻ, ngạc nhiên nhất là các kết quả xét nghiệm căn bệnh quái ác ông chớm bị đều cho kết quả tốt, liều thuốc tiên mà ông thầy tướng cùng phòng bệnh hôm nào như phát huy tác dụng.

Hôm nay đúng lễ trăm ngày ông thầy tướng xấu số, cha con và gia đình ông Lãng đến thắp nén tâm hương thay lời tri ân đối với người bạn bệnh cùng phòng xấu số. Nhờ có lời phán như tiên tri ấy mà Thành và mẹ đã gặp lại cha mình, âu cũng là một đoạn kết có hậu cho một câu chuyện tưởng chừng như không có thật trên đời…

“Đồi chè Chí Linh quê mình đang dần được khôi phục bố ạ, thương hiệu chè Thanh Mai sẽ lại có mặt trên khắp thị trường cả nước, vốn đã bị mai một, quên lãng hàng chục năm qua…” , Thành nói với ông Lãng và cũng như nói với chính mình, lòng anh thật ấm áp và hạnh phúc… 

Truyện ngắn của Nguyễn Đức Minh