banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023: Bộ Công Thương giải đáp những vấn đề được dư luận quan tâm
Cập nhật lúc 08:49 ngày 06/04/2023
Chiều 3/4 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.
Nhiều điểm sáng
Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá tình hình KTXH tháng 3 và quý I/2023; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KTXH trong quý II/2023 và thời gian tới. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết:
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định quý I/2023 vừa đi qua, có rất nhiều khó khăn, thách thức dưới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới.
Cụ thể, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục phức tạp hơn. Kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm. Giá một số mặt hàng chiến lược không ổn định. Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt. Các rủi ro gia tăng, nhất là thị trường tài chính, ngân hàng toàn cầu; một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu phải ngừng hoạt động, phá sản, trong đó có cả những ngân hàng có lịch sử lâu đời. Sức mua từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU giảm sút...
Ở trong nước, với quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế. Đặc biệt, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nên chịu tác động lớn, bất lợi bởi diễn biến của tình hình thế giới; số lượng đơn hàng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã bám sát diễn biến tình hình, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH (trong đó tập trung vào 03 đột phá chiến lược); vừa tiếp tục khắc phục các tồn tại, hạn chế; vừa tập trung xử lý các vấn đề phát sinh với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi họp báo
Qua đó, tình hình KT-XH nước ta trong tháng 3 và quý I/2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng, thực hiện được các mục tiêu Trung ương, Quốc hội giao. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao (Hậu Giang 12,67%; Bình Thuận 9,86%; Hải Phòng 9,65%; Khánh Hòa 9,07%; Cà Mau 9,05%).
Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần qua các tháng (CPI tháng 1 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35% so với cùng kỳ, tính chung Quý I tăng 4,18%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%).
Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu đủ chi, thu NSNN quý I đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Xuất đủ nhập, tính chung quý I xuất siêu 4,07 tỷ USD. Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn gạo, trị giá gần 1 tỷ USD, tăng 19,3% về lượng và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, lãi suất điều hành được điểu chỉnh giảm 2 lần trong quý I, góp phần làm cho mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 13,9% so với cùng kỳ và tăng 26,7% so với năm 2019; du lịch phục hồi nhanh, có gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế, gấp 29,7 lần cùng kỳ và bằng gần 3/4 lượng khách của cả năm 2022.
Đầu tư được thúc đẩy. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Thu hút FDI quý I có những tín hiệu tích cực: số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ (đặc biệt, Ngân hàng Sumitomo Nhật Bản mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng VPBank với giá trị 1,5 tỷ USD). Tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,32 tỷ.
DN thành lập mới tháng 3 tăng cả 3 tiêu chí so với tháng 2: số DN (tăng 60,9%), vốn (tăng 122,2%), lao động (tăng 81,4%). Gần 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II sẽ ổn định và tốt hơn quý I. Công tác quy hoạch tiếp tục được thúc đẩy. Nhiều quy hoạch quốc gia, tỉnh, ngành được trình và ban hành.
Quang cảnh buổi họp báo
An sinh xã hội được bảo đảm, kinh phí trợ Tết trên toàn quốc là gần 10 nghìn tỷ; hỗ trợ 18.300 tấn gạo cho gần 205.000 hộ với 1,2 triệu nhân khẩu. Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt. Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Thông tin truyền thông được tăng cường; đã ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát chịu nhiều sức ép. Điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh chính sách tiền tệ nhiều nước tiếp tục thắt chặt và khó dự báo. Sản xuất công nghiệp có sự sụt giảm. Việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình MTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn có mặt hạn chế. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...
Về chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan điểm chỉ đạo, điều hành là: Phải bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chủ động, tích cực và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là: Tiêu dùng; đầu tư; xuất khẩu.
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì nhiệm vụ chung, nỗ lực phấn đấu thực hiện bằng được, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đã giao.
Những vấn đề được dư luận quan tâm
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên nêu vấn đề về dự án năng lượng tái tạo. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, từ trước đến nay, cơ chế giá FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực, cần có cơ chế giá điện cho các nhà máy điện mặt trời (NMĐMT), nhà máy điện gió (NMĐG) chuyển tiếp và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Về xây dựng khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 03/10/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Căn cứ theo quy định tại Thông tư này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo Bộ Công Thương về kết quả tính toán khung giá phát điện NMĐMT, NMĐG chuyển tiếp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời các vấn đề báo chí quan tâm
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, trên cơ sở kết quả tính toán do EVN trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và xem xét ý kiến của Hội đồng tư vấn, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 quy định khung giá phát điện NMĐMT, NMĐG chuyển tiếp để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Theo đó, khung giá đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió. Việc lựa chọn bộ thông số đầu vào chuẩn để tính toán, thẩm định khung giá được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT. Theo các số liệu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua, bất chấp sự gia tăng đáng kể của chi phí vật liệu.
Các thông số có liên quan được lựa chọn dựa trên cơ sở thu thập số liệu, tính toán căn cứ tình hình thực tế của các NMĐG, NMĐMT, có tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn cả trong nước và quốc tế. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các NMĐG, NMĐMT chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, căn cứ vào các hướng dẫn trước đó tại các văn bản số 107/BCT-ĐTĐL, văn bản số 1094/BCT-ĐTĐL ngày 02/03/2023 và văn bản số 1553/BCT-ĐTĐL ngày 20/3/2023.
Việc đàm phán về giá điện cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời các dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Một vấn đề khác, được phóng viên quan tâm là Dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Về tiến độ xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP cũng như Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về quản lý, kinh doanh về xăng dầu, ngày 1/12/2022, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, giao cho Bộ Công Thương xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để thực hiện các dự thảo và sau đó xin ý kiến rộng rãi của các đối tượng có liên quan như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp, các bộ ngành.
Các kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các đối tượng khác được Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và được tiếp thu đến mức cao nhất, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả; hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.