banner2019
 
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Một số điểm mới trong Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012
Cập nhật lúc 03:03 ngày 14/03/2013

Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 20 tháng 6 năm 2012 với 90,18% đại biểu tán thành. Ngày 02/7/2012, Chủ tịch nước đã ban hành Lệnh số 10/2012/L-CTN công bố Luật Công đoàn. Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Luật Công đoàn (sửa đổi) 2012 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn 1990, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hoá các quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá X về: “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Trên cơ sở đó, bảo đảm và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của Công đoàn trong thời kỳ mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước.

Luật Công đoàn (sửa đổi) 2012 có rất nhiều nội dung mới được quy định chặt chẽ hơn so với Luật công đoàn năm 1990. Trong đó một số điểm đáng chú ý như:

I- Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí CĐ bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH, cho dù cơ quan, tổ chức, DN đó đã thành lập được CĐ cơ sở hay chưa.

Quốc hội nhận thấy, quy định về tài chính CĐ là rất cần thiết nhằm bảo đảm cho CĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và kế thừa quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này. 

Kinh phí CĐ nhằm góp phần bảo đảm hoạt động của CĐ - tổ chức đại diện cho người lao động làm việc tại các DN - để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; mặt khác để bảo đảm vai trò của CĐ trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, giáo dục, động viên người lao động thực hiện tốt công việc, góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm ra nhiều sản phẩm, bảo đảm cho DN hoạt động bình thường và phát triển. 

Khoản đóng góp này đã được thực hiện hiệu quả từ năm 1957 đến nay. Quy định mức đóng góp này hoàn toàn không phải là điều kiện buộc NLĐ gia nhập CĐ nên không trái với nguyên tắc tự nguyện. Vì vậy, việc thu kinh phí CĐ cần quy định đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, DN mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, DN đó đã có hay chưa có tổ chức CĐCS. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho giữ căn cứ để tính mức thu kinh phí CĐ là quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Đối với đối tượng là NLĐ không phải đóng bảo hiểm xã hội thì quỹ lương trả cho họ không tính là căn cứ để đóng kinh phí CĐ. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 26 Luật CĐ (sửa đổi) quy định tài chính CĐ như sau: “Điều 26. Tài chính công đoàn

Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

II.  Không cho phép LĐ là người nước ngoài gia nhập CĐVN:

Một trong những vấn đề quan trọng được Quốc hội biểu quyết là về quyền gia nhập và hoạt động CĐ của lao động là người nước ngoài (khoản 2, Điều 5 trong dự thảo Luật CĐ sửa đổi). Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trình ra 2 phương án: Phương án 1: Không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Phương án 2: 

Người lao động là người nước ngoài làm việc tại đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà có tổ chức công đoàn cơ sở, nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và hợp đồng lao động còn hiệu lực từ 6 tháng trở lên thì được gia nhập và hoạt động công đoàn”.

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua phương án 1 “Không quy định quyền gia nhập và hoạt động CĐ Việt Nam của lao động là người nước ngoài” với 371/469 số phiếu tán thành (chiếm 93,99%). Với kết quả này, Luật CĐ (sửa đổi) không cho phép LĐ là người nước ngoài được gia nhập CĐVN.

III. Thêm cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn:

Về việc bảo đảm cho cán bộ công đoàn hoạt động, UBTVQH cho rằng, cán bộ CĐ không chuyên trách vừa phải thực hiện trách nhiệm đối với người sử dụng LĐ như đã cam kết trong hợp đồng lao động, vừa có trách nhiệm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ với tư cách là cán bộ CĐ. Trong quan hệ với người SDLĐ, cán bộ CĐ luôn ở vị trí yếu thế.

Do đó, Luật CĐ cần phải có cơ chế đặc thù để thu hút NLĐ tham gia tổ chức CĐ nói chung và hoạt động CĐ nói riêng, đồng thời góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ CĐ không chuyên trách trong quan hệ với người SDLĐ. Để bảo đảm tính thống nhất với BLLĐ (sửa đổi), Quốc hội đã thông qua  Luật CĐ (sửa đổi) trong đó có khoản 1, Điều 25 quy định: “Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ”. 

IV. Không đổi tên Tổng LĐLĐVN sang Tổng Công đoàn Việt Nam:

Về hệ thống tổ chức và tên gọi của công đoàn các cấp (điều 7 của dự thảo Luật CĐ sửa đổi),  có ý kiến tán thành với đề xuất đổi tên gọi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”; có ý kiến đề nghị cân nhắc việc đổi tên “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”, vì cho rằng quy định như vậy là không phù hợp với quy định tại Điều 111 Hiến pháp và quyền quyết định tên gọi của mình của Đại hội Công đoàn và Điều lệ CĐVN. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CĐ, nhiều ý kiến đề nghị luật đổi tên gọi của tổ chức CĐ để khắc phục tình trạng không thống nhất về tên gọi của các cấp CĐ như hiện nay. Tuy nhiên, tên gọi của CĐ thuộc  quyền quyết định của Đại hội CĐ toàn quốc và được ghi nhận tại Điều lệ CĐVN. 

Hơn nữa, việc quy định tên gọi cụ thể của tổ chức CĐ trong Luật CĐ cũng liên quan trực tiếp đến một số quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” trong luật và đã được QH thông qua.

Những quy định trên tạo thêm điều kiện cho hoạt động công đoàn, nâng cao hiệu lực của pháp luật, vai trò và vị thế của Công đoàn Việt Nam./.