Như là duyên cơ, cả gia đình ba thế hệ của cô Phạm Thu Hiền đều đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Công ty Thép Việt - Sing (NatSteelVina). Với hơn 20 năm gắn bó, những con người này đã coi Công ty là ngôi nhà thứ hai của mình, là chốn xa nhớ về mong, là nơi mà họ muốn gắn bó đến trọn đời.
Tâm sự người ông
Cô là Phạm Thị Hiền, 50 tuổi và đã có thâm niên 21 năm làm nhân viên phục vụ của Công ty Thép Việt - Sing. Tuy không gắn bó với Công ty ngay từ những ngày đầu thành lập, cô Hiền chia sẻ, song tất cả mọi chuyện liên quan đến Công ty cô Hiền đều biết. Đó là vì bố của cô làm ở đó.
Ông kể hồi đó, Công ty còn ngổn ngang, vất vả, người làm không hết việc. Có những người vào làm được một thời gian rồi xin chuyển công tác. Dù đến muộn nhưng cô Hiền lại là người có mặt cho đến giờ phút này. Chớp mắt đã qua 21 năm...
Nhớ lại chuyện ngày xưa, mặt cô Hiền giãn ra, nở nụ cười hạnh phúc. Mọi sự đều bắt đầu từ sự truyền lửa, động viên từ bố cô, ông Phạm Văn Quỳnh – Công nhân tổ sửa chữa xe nâng, trước khi nghỉ hưu, ông đã có gần 10 năm công tác tại Công ty.
Lịch sử Thép Việt - Sing sẽ gắn liền với những câu chuyện gia đình, của nhiều thế hệ với những kỷ niệm "không của riêng ai"
Trong câu chuyện, cô hầu như không nói về mình mà nhắc nhiều hơn đến người Công nhân tổ sửa chữa xe nâng hồi ấy. Chính ông đã nối sợ duyên lành của cô và gia đình họ Phạm với Công ty Thép Việt Sing.
Số là khi chưa vào Công ty, cô đi làm thuê mướn, công việc không ổn định, thu nhập bếp bênh nhưng cô cứ khăng khăng làm theo ý mình. Để động viên, thuyết phục con gái vào làm việc tại Thép Việt Sing, bố cô đã 2 lần dẫn cô tham quan, đưa cô “mục sở thị” từng góc ngách của Công ty.
Ông nói: “Công ty mới đi vào hoạt động, dù còn bộn bề nhưng bố nhìn thấy sự tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo ở đây qua cái cách họ quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên. Bố tin Công ty sẽ ngày một vươn lên, phát triển từng ngày và cuộc sống của con sẽ được ổn định”.
Sau những lời gan ruột của bố, cô Phạm Thị Hiền đã bị thuyết phục và quyết tâm nộp hồ sơ vào Công ty Thép Việt Sing. Không chỉ cô mà trong gia đình họ Phạm khi ấy còn có thêm 2 người cũng đầu quân vào làm việc trong công ty, cô Hiền chia sẻ.
Noi gương cha
Công ty Thép Việt - Sing được thành lập vào năm 1993 và là một công ty liên doanh giữa tập đoàn Natsteel Holdings, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP và Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên. Khi Thép Việt – Sing bước sang tuổi thứ 5, cũng là khi cô Hiền có mặt trong tổ bảo vệ của Công ty.
Cô Hiền nhớ lại, những năm đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tạm bợ, nghèo nàn, nhà xe dột nát, hàng rào bao quanh công ty mỏng manh, cô vừa làm nhân viên trông xe kiêm luôn bảo vệ, chống trộm.
“Thái Nguyên khi ấy còn khá hoang sơ, chưa phát triển nên tệ nạn xã hội đầy rẫy, khiến cho lực lượng bảo vệ Công ty hết sức vất vả.
Nhiều đêm xe của CBCNV bị mất, thậm chí, khi Công ty đã trang bị súng hơi cho nhân viên bảo vệ nhưng có lần, trộm cắp vào thẳng công trường đe dọa, đã có người bị thương”, cô Hiền bồi hồi nhớ lại về thuở ban đầu khó khăn ấy.
Nhiều hôm hai vợ chồng cùng làm ca đêm, cô Hiền còn mang theo cả con trai nhỏ (anh Lê Hồng Tiến - sinh năm 1990, nay là công nhân vận hành buồng điều khiển của Công ty) đến nhà xe.
Cô Hiền vừa trông con, vừa trông xe kiêm luôn cả bảo vệ. Nhiều lần, cô cõng cả con trên lưng để đi tuần quanh công ty. Nói chàng trai Lê Hồng Tiến đã là người của Thép Việt – Sing từ ngày còn đỏ hỏn quả không có gì sai!
Với hơn 20 năm gắn bó, những con người này đã coi Công ty là ngôi nhà thứ hai của mình, là chốn xa nhớ về mong, là nơi mà họ muốn gắn bó đến trọn đời
Ngày tháng thấm thoắt trôi, khi con trai Lê Hồng Tiến đã trở thành một công nhân cứng tại vị trí vận hành buồng điều khiển của Công ty, cô Hiền thực sự tự hào vì gia đình mình đã ghi tên vào danh sách không nhiều gia đình có ba thế hệ đồng hành với Thép Việt – Sing từ những ngày đầu tiên, đã cùng Thép Việt – Sing trải qua mọi thăng trầm, thành bại.
Mới đây nhất là giai đoạn hơn 1 năm về trước, khi tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty tụt dốc, thu nhập của cán bộ nhân viên đều bị giảm. Trước tình hình này, lãnh đạo Công ty đã xuống nói chuyện, chia sẻ với từng nhân viên về những khó khăn hiện tại.
Cô Hiền chia sẻ: “Tôi hiểu Công ty đã cố gắng hết sức. Chúng tôi nhủ với nhau sẽ đồng kham cộng khổ, giai đoạn khó khăn sẽ nhanh qua”. Tận dụng những tôn thừa từ sản xuất, cô tự tay gò thành từng chiếc hót rác cho công ty, cho nhiều cán bộ nữ công nhà máy.
Trong thời gian này cũng có những cán bộ công nhân viên bỏ đi vì không chịu nổi mức lương thấp nhưng đa phần mọi người đều ở lại, đồng hành, gắn bó với Công ty.
Rồi khó khăn cũng qua bởi những đổi mới trong công tác điều hành Công ty, đặc biệt là dù ở trong giai đoạn nào thì sự quan tâm của lãnh đạo đối với cán bộ nhân viên cũng không thay đổi, vì vậy, Thép Việt – Sing vẫn là một khối đoàn kết, chung lòng, chung sức, trải qua nhiều khó khăn, vượt qua và vươn lên.
Nối nghiệp mẹ
Anh Lê Hồng Tiến sinh năm 1990 và là con trai của cô Phạm Thị Hiền. Năm 2011, anh vào làm công nhân vận hành buồng điều khiển ở khu sàn nguội.
Nối nghiệp ông ngoại và mẹ Hiền, anh Lê Hồng Tiến hiện đã là một công nhân cứng tại vị trí vận hành buồng điều khiển của Công ty
Gắn bó với Công ty ngay từ khi mới ra trường, anh Tiến chia sẻ, Thép Việt - Sing như là ngôi nhà thứ hai, bởi từ nhỏ, anh đã theo mẹ lên công trường, các bác, các cô, các chú nhân viên coi mình như con. “Có gì ngon cũng để phần thằng Tiến”.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu sản xuất, anh Tiến cẩn thận nhắc nhở “các chị bám vào lan can nhé, kẻo ngã”, “các chị nhớ đi theo em nhé, đừng đi sát khu kia, sắt thép vừa ra lò còn nóng, nguy hiểm”.
Đi một hồi, cũng đến buồng vận hành điều khiển của khu sàn cán nguội - nơi anh đang làm việc, dù không phải ca trực, nhưng anh Tiến nhanh tay cùng các công nhân khác, vận hành, làm việc.
Khi được hỏi, sao lại là Thép Việt - Sing mà không phải nơi khác, anh Tiến cười vui vẻ: Có lẽ cũng là duyên. Mình ở đây còn nhiều hơn ở nhà. Với nhiều người khác, đây không phải là Công ty tốt nhất, nhưng với mình, đây là nhà, các anh chị cán bộ, công nhân viên ở đây là anh em.
Gia đình mình, từ thời ông ngoại, đến bác, cậu, mẹ mình và đến thế hệ của mình đều làm việc ở đây, nên mình hiểu rõ sự phát triển của Công ty, những khó khăn mà Công ty đang phải đối mặt thông qua những câu chuyện thường ngày của các thế hệ đi trước.
Không ai hiểu mình như những người thân trong gia đình, chính vì vậy, dù sau này khi đi học xa nhà, mình luôn nung nấu một mục tiêu, sẽ quay trở về, làm việc và cống hiến sức trẻ cho Công ty, thực hiện tiếp những mục tiêu của ông ngoại và của mẹ Hiền, nối gót truyền thống gia đình.
Gia đình ông Quỳnh - mẹ Hiền - con Tiến không phải gia đình duy nhất gắn bó đồng hành cùng Công ty. Ở đây cũng có nhiều gia đình với nhiều thế hệ cũng đã và đang cống hiến cho Thép Việt - Sing.
Mọi người quan tâm nhau, đùm bọc nhau, đặc biệt, Công đoàn Công ty luôn quan tâm tới người lao động thông qua những hành động thiết thực như thăm hỏi, tặng cây lọc nước nóng lạnh để nâng cao điều kiện làm việc cho công nhân, ủng hộ tiền xây dựng nhà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn...
Chính những việc làm thiết thực này đã động viên tinh thần người lao động, tiếp thêm lửa nghề cho mỗi cán bộ nhân viên ở đây.
Và bài ca về tình yêu, sự gắn bó thủy chung, luôn vì mục tiêu chung 26 năm qua luôn ngân nga trong lồng ngực mỗi người Thép Việt – Sing!
Hạ An (Nguồn: congthuong.vn)