banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Một số phương pháp hoạt động tổ trưởng công đoàn cần biết
Cập nhật lúc 03:48 ngày 16/10/2015

Để tổ trưởng công đoàn hoạt động tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng tổ công đoàn không ngừng lớn mạnh. Trong tổ chức hoạt động, tổ trưởng công đoàn cần nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp hoạt động cơ bản sau:

1. Liên hệ chặt chẽ với đoàn viên, CNVC-LĐ:

Công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của CNVC-LĐ, do vậy liên hệ chặt chẽ với đoàn viên, CNVC-LĐ là yêu cầu không thể thiếu được đối với bất kỳ cán bộ công đoàn nào. Đặc biệt đối với tổ trưởng công đoàn người trực tiếp đại diện cho đoàn viên, công nhân, lao động trong tổ, người trực tiếp vận động, tổ chức đoàn viên tham gia hoạt động công đoàn, thì liên hệ chặt chẽ với đoàn viên trong tổ để hiểu người, rõ việc, nắm được tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của đoàn viên, CNVC-LĐ là phương pháp hoạt động quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ công đoàn. Do vây trong tổ chức hoạt động cũng như trong sinh hoạt, tổ trưởng công đoàn cần đặc biệt quan tâm đến phương pháp hoạt động này, để nắm được tình hình thực tế trong tổ, cùng nhau dân chủ bàn bạc giải quyết những công việc trong tổ, hoặc phản ánh với công đoàn cơ sở giải quyết những tâm tư nguyện vọng và bức xúc của đoàn viên, công nhân, lao động, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Trong tổ chức hoạt động, tổ trưởng công đoàn cần có sổ công tác công đoàn, để theo dõi những nội dung, chương trình kế hoạch hoạt động của tổ trong từng thời gian cụ thể, theo dõi việc đoàn viên thực hiện những nội dung công việc đã được phân công, để nắm được những nội dung nào đã tổ chức thực hiện, những nội dung nào chưa tổ chức thực hiện, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức hoạt động, cần tiếp tục tháo gỡ. Thực tế trong tổ chức hoạt động công đoàn cho thấy, nếu tổ trưởng công đoàn nào có sổ công tác công đoàn và tiến hành ghi chép một cách chi tiết, khoa học những nội dung chương trình, kế hoạch công tác của tổ công đoàn thì hoạt động của tổ trưởng đó có chất lượng, hiệu quả vì vậy tổ công đoàn ở đó càng mạnh.

2. Xây dựng chương trinh, kế hoạch hoạt động của tổ công đoàn theo tháng, quý.

Tổ chức hoạt động theo chương trình, kế hoạch hoạt động là phương pháp tổ chức hoạt động khoa học, nó giúp cho hoạt động không bị chồng chéo, bỏ sót những nội dung cần tập trung tổ chức hoạt động, đồng thời giúp cho công đoàn có thể tập trung được những nội dung hoạt động trọng tâm trong từng thời gian cụ thể.

- Để tổ chức hoạt động của tổ công đoàn được tiến hành thường xuyên có kế hoạch, đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong từng thời gian cụ thể, tổ trưởng công đoàn cần quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể.

Khi xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của tổ công đoàn, tổ trưởng cần căn cứ vào chỉ đạo hướng dẫn của công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho tổ trong từng thời gian cụ thể, trên cơ sở đó xác định rõ những nội dung và thời điểm tổ công đoàn cần tổ chức hoạt động. Khi đề ra nội dung hoạt động công đoàn ở từng thời điểm, tổ trưởng công đoàn cần xác định rõ mục tiêu cụ thể của việc thực hiện nội dung đó, các phương pháp tổ chức hoạt động để thực hiện các nội dung hoạt động và phân công người chịu trách nhiệm chính đối với từng nội dung hoạt động tổ công đoàn, cụ thể như: nội dung tổ chức sinh nhật cho đoàn viên, thì trong tháng có mấy đoàn viên sinh nhật, hình thức tổ chức sinh nhật như thế nào, ai chịu trách nhiệm tổ chức?... Đối với nội dung vận động đoàn viên thi đua lao động, sản xuất, cần cụ thể nội dung thi đua, mục tiêu của thi đua, thời gian diễn ra thi đua, ai chịu trách nhiệm chủ yếu trong tổ chức theo dõi thi đua…

- Tổ trưởng công đoàn phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ đoàn viên thực hiện chương trình, kế hoạch công tác theo đúng tiến độ. Cần gần gũi đoàn viên, nắm được những khó khăn, thuận lợi của đoàn viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đánh giá đúng kết quả công tác của đoàn viên, CNVC-LĐ của nhóm đoàn viên, để động viên khích lệ kịp thời những đoàn viên tích cực hoạt động có hiệu quả, có biện pháp giúp đỡ, uốn nắn những hoạt động lệch lạc, chưa có hiệu quả của đoàn viên…

3. Duy trì sinh hoạt tổ công đoàn đều đặn.

Sinh hoạt tổ công đoàn có nề nếp sẽ tạo được bầu không khí dân chủ, tập hợp được trí tuệ của các thành viên trong tổ để tổ chức hoạt động. Đồng thời tạo cho mọi đoàn viên gắn bó với tổ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia hoạt động công đoàn.

Do vậy tổ trưởng công đoàn là người đứng đầu tổ công đoàn, cần có biện pháp cụ thể để duy trì nề nếp sinh hoạt tổ công đoàn và cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt để sinh hoạt tổ công đoàn thực sự hấp dẫn, thiết thực đối với đoàn viên. Muốn vậy tổ trưởng công đoàn cần nắm và vận dụng linh hoạt tổ công đoàn chủ yếu sau:

- Sinh hoạt định kỳ: Là hình thức sinh hoạt được tiến hành theo đúng định kỳ quy định, như sinh hoạt theo tháng, quý. Khi tiến hành sinh hoạt tổ công đoàn theo định kỳ, tổ trưởng công đoàn có trách nhiệm chuẩn bị kỹ chương trình, nội dung sinh hoạt, chuẩn bị báo cáo kết quả hoạt động của tổ công đoàn thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của tổ trong thời gian tới. Tổ trưởng công đoàn có trách nhiệm chủ trì để đoàn viên thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động của tổ công đoàn theo nội dung chương trình đã đề ra, bàn quyết định chương trình, kế hoạch hoạt động tổ công đoàn thời giam tới. Khi điều hành sinh hoạt tổ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần khéo léo đặt vấn đề, gợi mở vấn đề để khuyến khích đoàn viên phát biểu, cần chú ý hướng các ý kiến phát biểu của đoàn viên vào những vấn đề trọng tâm. Đặc biệt khi chủ trì sinh hoạt tổ công đoàn, phải chú ý tạo được bầu không khí dân chủ cởi mở.

- Sinh hoạt triển khai thực hiện chương trình công tác của công đoàn cấp trên, là hình thức sinh hoạt để nghe phổ biến và bàn biện pháp triển khai chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn cấp trên.

Để tổ chức tốt hình thức sinh hoạt này, tổ trưởng cần nghiên cứu kỹ chương trình, kế hoạch công tác (nghị quyết) của công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể nào tổ công đoàn phải có trách nhiệm triển khai thực hiện, yêu cầu cần đạt được khi tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, tiến độ (thời gian) thực hiện. Trên cơ sở đó tổ trưởng công đoàn đề xuất nội dung, phương pháp, biện pháp tổ chức hoạt động tổ công đoàn và dự kiến phân công đoàn viên thực hiện, để đưa ra tổ dân chủ thảo luận…

- Trao đổi trực tiếp giữa tổ trưởng, tổ phó với đoàn viên, CNVC-LĐ trong tổ.

Hình thức sinh hoạt này nếu được áp dụng thường xuyên sẽ có tác dụng quan trọng đến việc đôn đốc, giúp đỡ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đoàn viên, CNVC-LĐ trong thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Để việc trao đổi giữa tổ trưởng, tổ phó công đoàn với đoàn viên có kết quả, trước khi tiến hành trao đổi tổ trưởng công đoàn cần lựa chọn trước những vấn đề cần đưa ra cho phù hợp và có hiệu quả, thường có các cuộc trao đổi sau trong tổ công đoàn:

+ Hội ý trao đổi với đoàn viên, CNVC-LĐ (hoặc nhóm đoàn viên, CNVC-LĐ) nhằm bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ công đoàn triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

+ Hội ý, trao đổi với đoàn viên để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ của đoàn viên, CNVC-LĐ đã được phân công, hoặc bàn giao tháo gỡ những vướng mắc trong nội bộ tổ công đoàn.

+ Hội ý, trao đổi với đoàn viên, để thống nhất đánh giá kết quả hoạt động của tổ công đoàn, thống nhất đề xuất, kiến nghị với công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận để thống nhất đề xuất giải quyết những vướng mắc, đề xuất biểu dương khen thưởng những đoàn viên. CNVC-LĐ hoạt động xuất sắc.

Trên đây là các định hướng nội dung, phương pháp hoạt động cơ bản của tổ trưởng công đoàn trong tổ chức hoạt động thực tiễn. Tổ trưởng công đoàn cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho thích hợp với điều kiện công tác của đơn vị mình nhằm đem lại hiệu quả cao.

An Nguyễn