banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Đẩy mạnh hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn trong tình hình mới
Cập nhật lúc 09:20 ngày 21/02/2015

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội II Công đoàn Công Thương Việt Nam, hòa chung với những kết quả đạt được đáng ghi nhận của hoạt động công đoàn các cấp, hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và có hiệu quả trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ. Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Công Thương Việt Nam đã bám sát chương trình hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam ban hành các quy chế hoạt động và văn bản chỉ đạo công đoàn cấp trực thuộc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, ban hành các quy chế, chương trình hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp và phân công nhiệm vụ trong ủy ban kiểm tra.

Theo báo cáo đánh giá hoạt động ủy ban kiểm tra năm 2014, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Công Thương Việt Nam và Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp trực thuộc đã tổ chức 618 cuộc kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, kiểm tra 26 cuộc khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn; kiểm tra 620 cuộc về việc thu, phân phối, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn; tiếp 173 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh và kiến nghị; nhận 66 đơn khiếu nại, tố cáo; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra được 56 lớp với 2245 lượt người.

Kết quả hoạt động Ủy ban kiểm tra đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nâng cao ý thức chấp hành Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội II Công đoàn Công Thương Việt Nam; phổ biến, quán triệt các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là là Hiến pháp năm 2013, Luật Công đoàn 2012, Bộ luật Lao động năm 2012 và các quy định khác liên quan trực tiếp đến người lao động và tổ chức công đoàn. Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam tăng cường kiểm tra việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, chỉ thị của tổ chức công đoàn; nâng cao việc quản lý thu chi tài chính, tài sản công đoàn; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động qua việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hội nghị người lao động tại một số đơn vị chưa đảm bảo theo quy định và còn mang tính hình thức; việc thực hiện chức năng kiểm tra giám sát của tổ chức công đoàn chưa  tiến hành thường xuyên; công tác kiểm tra và tự kiểm tra chưa được thực hiện đầy đủ và quan tâm đúng mức. Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế hoạt động, chế độ sinh hoạt chưa đầy đủ, ghi chép biên bản cuộc họp còn sơ sài. Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc còn hình thức, nhiều đơn vị chưa tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định; chất lượng thỏa ước lao động tập thể còn nhiều vấn đề, chưa chú trọng đến việc nâng cao hơn quyền lợi được hưởng cho người lao động; chế độ thông tin báo cáo, chưa kịp thời. Việc tổ chức triển khai thực hiện một số hoạt động của công đoàn còn thiếu sự tham gia của đoàn viên và người lao động. Đặc biệt việc thực hiện vai trò, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động tại một số đơn vị còn hạn chế, mờ nhạt; điển hình ở một số đơn vị có phát sinh tranh chấp lao động ban chấp hành công đoàn còn lúng túng, bị động, chưa thực sự thực hiện chức năng đại diện,bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Trong những năm qua công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những điểm nóng của hoạt động công đoàn. Nội dung các khiếu nại tố cáo chủ yếu liên quan đến giải quyết các quyền, lợi ích, chế độ chính sách của người lao động và phản ánh những vấn đề về việc thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Nội dung khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước và người sử dụng lao động tập trung vào một số vấn đề như: việc vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động, về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, xử lý kỷ luật lao động, việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể... Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn Công Thương Việt Nam đã chủ động tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo như phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, ban, Ngành, các cơ quan chức năng liên quan, các ban, đơn vị trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam giải quyết và tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo như cử đại diện của Uỷ ban Kiểm tra phối hợp với Bộ Công Thương tham gia tổ xác minh khiếu nại, tố cáo phát sinh trong Bộ Công Thương; với nhiều hình thức phối hợp trao đổi, bàn biện pháp, chỉ đạo đôn đốc, nhắc nhở, theo dõi và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn Công Thương Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị nơi có phát sinh đơn giải quyết và tham gia giải quyết theo thẩm quyền, theo quy định hiện hành. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường trực Thường vụ Công đoàn Công Thương Việt Nam, với sự nỗ lực, kiên quyết, linh hoạt, theo quy định của pháp luật, đến nay cơ bản các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị được giải quyết và tham gia giải quyết theo quy định; quyền lợi của người lao động được đảm bảo.

Tuy nhiên tại một số đơn vị việc giải quyết khiếu nại tố cáo còn chậm, người sử dụng lao động không thực hiện đúng pháp luật, chưa quan tâm giải quyết, thậm chí còn gây khó khăn cho người lao động. Nguyên nhân là do Ban Chấp hành công đoàn cơ sở chưa quan tâm và thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm là người đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Một số vụ việc giải quyết còn chậm, chưa đúng quy trình, bên cạnh đó một số cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa làm hết trách nhiệm, tìm cách trì hoãn, đưa ra các nội dung không khả thi, kéo dài thời gian, gây khó khăn đến việc thực hiện giải quyết khiếu nại tố cáo làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích và lòng tin của người lao động, làm cho quan hệ lao động thêm phức tạp.

Trong thời gian tới là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước như đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tình hình kinh tế - chính trị thế giới cũng như khu vực có nhiều biến động khó lường, nền kinh tế trong nước còn nhiều thách thức, quan hệ lao động ngày càng phức tạp và gay gắt. Cùng với đó là tình hình tranh chấp lao động, mâu thuẫn về quyền, lợi ích; tình hình khiếu nại, tố cáo, diễn biến phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, tập trung nhiều ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp chuyển đổi, cổ phần hóa, sắp xếp lại lao động, các đơn vị gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình hình quan hệ lao động ngày một phức tạp; quyền và lợi ích của người lao động nguy cơ bị xâm phạm ngày một tăng. Dự báo sẽ tiếp tục phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tập thể, cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động.

Bên cạnh những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thể hiện quyền, nguyện vọng chính đáng của người lao động, cũng có tình trạng lợi dụng khiếu nại tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây chia rẽ và mất đoàn kết nội bộ, gửi đơn chưa theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền khiếu nại tố cáo với một động cơ không trong sáng. Vì vậy cần có sự quan tâm đúng mức của công đoàn các cấp đến công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo như tăng cường sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát và tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người lao động và đoàn viên công đoàn chủ động bảo vệ mình trước các tranh chấp lao động, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định, gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn cho cán bộ ủy ban kiểm tra và kết hợp với việc nỗ lực, tự rèn tuyện, học tập, nghiên cứu chế độ chính sách pháp luật cũng như tích lũy kinh nghiệm của các nhân liên quan để thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ người lao động nói chung.

Để đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ của hoạt động Ủy ban kiểm tra công đoàn trong  giai đoạn mới, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn, các cấp công đoàn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm:

Một là nêu cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra. Để công tác kiểm tra thực sự là nội dung quan trọng trong quá trình chỉ đạo điều hành của tổ chức công đoàn. Hoạt động ủy ban kiểm tra phải được thực hiện, thường xuyên liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt công tác kiểm tra sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo sự hài hòa, ổn định và phát triển. Đẩy mạnh phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Công Thương Việt Nam với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các đơn vị trực thuộc để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ủy ban kiểm tra.

Hai là đổi mới nội dung và phương thức cụ thể để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, chú trọng công tác tự kiểm tra, tăng cường số lượng và chất lượng các cuộc kiểm tra. Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp tham mưu giúp lãnh đạo, ban chấp hành, ban thường vụ tăng cường công tác kiểm tra Điều lệ, tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết, chỉ thị, việc thực hiện ba chức năng của tổ chức công đoàn...; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ như nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động, chế độ sinh hoạt, thông tin báo cáo...; kiểm tài chính việc thu, phân phối, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn. Mục tiêu kiểm tra là để hướng dẫn, ngăn ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, điển hình hay để nhân rộng và nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm để các hoạt động công đoàn ngày càng tốt hơn và hoàn thiện hơn. Công tác kiểm tra cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, vận dụng đồng bộ và sáng tạo các hình thức kiểm tra như thường xuyên, đột xuất, định kỳ, các phương pháp kiểm tra trực tiếp, gián tiếp. Ủy ban kiểm tra công đoàn cần chủ động tham mưu xây dựng quy chế hoạt động Ủy ban kiểm tra, xây dựng chương trình công tác, chương trình kiểm tra hàng năm với kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, thiết thực.

Ba là tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ giải quyết khiếu nại tố cáo để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Thực hiện công tác tiếp đoàn viên và người lao động đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo quy định. Đối với đơn khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của công đoàn, Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp tiếp nhận, xác minh, kiểm tra, báo cáo với ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện việc giải quyết theo quy định, đúng thẩm quyền. Đối với đơn khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, chuyên môn, người sử dụng lao động, công đoàn các cấp thực hiện việc tham gia giải quyết với nhiều hình thức như: tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức đối thoại, hòa giải, chuyển đơn và kiến nghị giải quyết, đôn đốc, giám sát giải quyết nhằm mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Bốn là tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ ủy ban kiểm tra, tổ chức hội thảo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn với các hình thức linh hoạt, đổi mới, sáng tạo các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng xây dựng tài liệu, bố trí giảng viên, để nâng cao chất lượng đào tạo. Nội dung tập huấn phải thiết thực, cụ thể, phù hợp với yêu cầu, đối tượng, sát với thực tiễn hoạt động của công đoàn các cấp. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phải tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức, có chiều sâu, có sức thu hút, thuyết phục; tránh tiến hành theo kiểu hình thức, chung chung. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ công đoàn hiểu đúng, hiểu đầy đủ về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, qua đó để góp phần nâng cao ý thức cho người lao động hiểu rõ và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Qua các các cuộc hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hàng năm và công tác cập nhật, hệ thống hóa văn bản chính sách, tài liệu, xây dựng, cập nhật danh sách các cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp như số điện thoại, email để trao đổi, liên lạc, học tập kinh nghiệm giữa các cán bộ ủy ban kiểm tra.

Năm là kiện toàn, củng cố tổ chức, cán bộ ủy ban kiểm tra; công đoàn các cấp cần quan tâm, động viên phù hợp, vận dụng chính sách của nhà nước đối với cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn để đảm bảo tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra là một nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ, đảm bảo cán bộ ủy ban kiểm tra có phẩm chất, năng lực, kiến thức, bản lĩnh, kinh nghiệm hoạt động. Đồng thời công đoàn các cấp cần tạo điều kiện, có cơ chế thích hợp để khích lệ cán bộ làm công tác kiểm tra nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trần Phong  (tổng hợp)