banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Gạc Ma - khắc khoải một nỗi đau
Cập nhật lúc 09:13 ngày 08/07/2014

Cuộc chiến đấu với quân Trung Quốc để bảo vệ đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam - ngày 14.3.1988 là một trong những trang sử bi hùng của dân tộc.

Hơn 26 năm, trận hải chiến này vẫn còn nóng tính thời sự, khi nhiều thi thể chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vẫn còn nằm lại nơi đáy biển sâu. Nỗi khắc khoải của thân nhân các gia đình liệt sĩ vẫn còn đó... Đặc biệt khi Trung Quốc xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng quân sự với quy mô lớn tại đảo Gạc Ma, bất chấp đòi hỏi nhân đạo và chính đáng của Việt Nam là trục vớt con tàu HQ604, tìm thi hài các anh...

Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Nguyễn Ngọc Tương nói với chúng tôi rằng, trận chiến Gạc Ma 14.3.1988 được lịch sử ghi lại trong sách sử của Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005). Còn đối với người dân đất Việt, những dòng lịch sử bi hùng đó đã khắc ghi đậm trong trái tim, trong trí nhớ và truyền tụng qua nhiều thế hệ…

Trận Gạc Ma trong chính sử

Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 (đang được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân)

Sách “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam” viết: Đầu tháng 3.1988, Trung Quốc sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) thì lại có ý đồ chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm kiểm soát cả khu vực. Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9-12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một pôngtông lớn để hỗ trợ.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 12.3.1988, tàu HQ 605 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân khẩn trương, tàu đã đến đảo và cắm cờ tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam vào lúc 5 giờ ngày 14.3.1988. Trước đó - 9 giờ ngày 13.3.1988, tàu HQ 604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng được lệnh về Gạc Ma; tàu HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ tiến về đảo Cô Lin. Phối hợp với hai tàu có hai đội công binh (70 người) và bốn tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146. Sau khi hai tàu của ta thả neo được khoảng 30 phút, tàu hộ vệ, tàu chiến đấu của Trung Quốc áp sát hai tàu của ta, liên tục đe dọa, uy hiếp.

Lúc 21 giờ ngày 13.3.1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho các thuyền trưởng chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, đồng thời khẩn trương thả xuồng, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm. Tàu HQ 604 đã cho công binh chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma và Lữ đoàn 146 đã đổ bộ, cắm cờ và triển khai 4 tổ bảo vệ. Lúc này, Trung Quốc đã điều thêm 2 tàu hộ vệ có trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ, đe dọa bắt ta phải rời khỏi Gạc Ma. Ban chỉ huy tàu HQ 604 đã họp bàn, nhận định Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

6 giờ sáng ngày 14.3.1988, Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo, tiến về phía cờ ta định giật lấy. Lập tức, thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội đã anh dũng giành lại cờ. Binh lính của Trung Quốc đã dùng lưỡi lê đâm và bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông vào cứu đồng đội đã bị họ bắn và anh dũng hy sinh.

Không uy hiếp được quân ta rời đảo, lúc 7 giờ 30 ngày 14.3.1988, Trung Quốc dùng hai tàu bắn pháo 100mm bắn vào tàu HQ 604, làm tàu bị hỏng nặng, rồi cho quân xông vào tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã chỉ huy bộ đội sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt, buộc binh lính Trung Quốc phải nhảy xuống biển trở về tàu của họ. Trận đánh diễn ra mỗi lúc một ác liệt. Quân ta vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ.

Trung Quốc tiếp tục nã đạn, làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và hỏng nặng, chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông và một số cán bộ chiến sĩ tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604.

Và lời kể của nhân chứng

Vừa trở về sau chuyến ra Trường Sa cùng với Bộ Ngoại giao và phái đoàn Việt kiều cách đây khoảng một tháng, đại tá Vũ Huy Lễ - nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505 - vui vẻ tiếp chuyện phóng viên. Hiện đang nghỉ hưu ở khu Lũng Bắc (P.Đằng Hải, Q.Hải An, TP.Hải Phòng), ở tuổi 70, ông Vũ Huy Lễ vẫn hằng ngày theo dõi các thông tin liên quan đến biển Đông.

Ông Lễ nhớ lại: Chiều tối ngày 13.3.1988, tàu HQ 505 chúng tôi neo ở phía nam cách đảo Cô Lin 200m. Trung Quốc cho 2 tàu chiến tiến lại sát tàu mình để trinh sát, do thám nên tôi dự đoán có thể họ sắp cho người lên chiếm đảo. Thực hiện lệnh cấp trên, ngay trong đêm đó tôi cho quân lên đảo Cô Lin để cắm cờ tổ quốc, đánh dấu chủ quyền. Vì là đảo chìm, chỉ nổi khi nước cạn, nên phải đợi đến tầm 1 giờ đêm 14.3.1988, tổ cắm cờ mới hoàn thành nhiệm vụ. Đến khoảng 6 giờ sáng 14.3.1988, anh em về đến tàu, mọi người thức dậy chuẩn bị ăn sáng. Nhìn sang đảo Gạc Ma (cách chỗ tàu HQ 505 gần 2 hải lý), tôi thấy 2 tàu chiến Trung Quốc đang bắn đạn, pháo vào tàu HQ 604. Trên đảo lố nhố người. Tôi liền ra lệnh báo động chiến đấu, nhổ neo khẩn cấp. Chỉ một lát sau, tàu HQ 604 bắt đầu chìm.

Sau khi tàu HQ 604 chìm, hai tàu chiến Trung Quốc liền quay súng sang tấn công tàu HQ 505. Đạn pháo đã làm toàn bộ mạn phải tàu bị cháy, thủng, phòng truyền thông tin, phía boong bốc cháy dữ dội, một số cán bộ chiến sĩ đã bị thương. Lúc này nước đã tràn vào hầm tàu và các khoang, hệ thống điện đã bị hỏng nên không lái được tàu, cộng thêm gió mùa đông bắc cứ đẩy tàu mỗi lúc lại xa đảo hơn. Tôi đã yêu cầu anh em phải xuống hầm để chuyển sang chế độ lái cơ (bằng tay).

Do hai máy chính đều bị sự cố không hoạt động được, nước tràn vào làm nghiêng tàu, khả năng tàu bị chìm như tàu HQ 604 là hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc đó, tính mạng 50 cán bộ chiến sĩ sẽ nguy hiểm, mất tàu mà đảo cũng không giữ được. Nhận định được tình thế hiểm nghèo, tôi đã bàn bạc với anh em, quyết định phải nhanh chóng khắc phục sự cố máy tàu. Sau đó, tôi đã lệnh sử dụng một máy tiến, một máy lùi để quay mũi tàu theo hướng chính diện với đảo, rồi dùng cả hai máy chạy hết công suất, lao vút lên. Kết quả, 2/3 tàu đã lên được đảo, biến tàu thành một pháo đài để chống lại tàu chiến Trung Quốc. Thấy vậy, phía Trung Quốc đã phải ngừng bắn.

Lúc này, phía đảo Gạc Ma là cảnh tượng tan hoang ghê gớm. Nhiều mảnh vỡ, đồ đạc của tàu trôi dạt khắp nơi. Tôi đã lệnh cho 5 cán bộ, chiến sĩ hạ xuồng cứu sinh (loại lớn) sang Gạc Ma tìm kiếm. Đến 12 giờ cùng ngày, xuồng quay về với 44 chiến sĩ Gạc Ma, trong đó có 5 người đã hy sinh, nhiều người bị thương. Cùng lúc với tàu HQ 604, tàu HQ 605 của ta cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn ở đảo Len Đao (cách Cô Lin 10 hải lý). Mặc dù tàu 605 cũng tìm cách lao lên đảo, nhưng do đảo không thoải như Cô Lin nên tàu chỉ ghé được mũi lên đảo, khi nước rút, tàu bị tụt xuống biển rồi chìm vào lúc 6 giờ ngày 15.3.1988. Anh em trên tàu này đã bơi được về đảo Sinh Tồn.

Ngay sau đó, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ xin cấp trên chuyển toàn bộ anh em trên tàu HQ 505 về đảo Sinh Tồn, chỉ để lại 9 cán bộ chiến sĩ ở lại chiến đấu cùng ông. 5 thi thể chiến sĩ được đưa về chôn cất tại đảo Sinh Tồn, 4 năm sau được chuyển về đất liền. Sau này tôi được biết, tất cả có 64 người hy sinh, 9 người bị bắt làm tù binh trong trận chiến 14.3.1988.

Mong muốn trục vớt 2 con tàu

Theo ông Lễ, việc trục vớt hai con tàu HQ 604, HQ 605 là do Đảng, Nhà nước và Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định. “Tuy nhiên, cá nhân tôi rất mong muốn nước mình tổ chức trục vớt hai con tàu trên. Ta sẽ dùng tàu như một chứng tích tội ác của Trung Quốc về việc đã nã đạn pháo rồi đâm chìm tàu của mình cho thế giới biết. Thứ hai, nguyện vọng của tôi và cũng là nguyện vọng tha thiết của gia đình các chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh, mong muốn được trục vớt tàu để tìm hài cốt của những người còn nằm lại, đưa các anh về quê hương” - ông Lễ nói.

Với chiến công oanh liệt, tàu HQ 505 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND; các ông Vũ Phi Trừ, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; hàng chục tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân chương Quân công, huân chương Chiến công các loại.

Nguồn laodong.com.vn