banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Lấy ý kiến chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Cập nhật lúc 04:23 ngày 01/06/2023
Ngày 31.5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về một số vấn đề lớn sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì Hội thảo.
Để người lao động hiểu rõ về tổ chức Công đoàn
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, mục đích của hội thảo là lấy ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công đoàn… qua đó Tiểu ban sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu nhằm có đầy đủ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn về những vấn đề, để sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
“Việc sửa đổi, bổ sung nhằm đưa Điều lệ Công đoàn Việt Nam đi vào cuộc sống. Ngoài ra, Điều lệ Công đoàn Việt Nam phải viết cho người lao động, để người lao động đọc, hiểu về tổ chức Công đoàn Việt Nam là như thế nào? Qua đó người lao động sẽ tích cực tham gia tổ chức Công đoàn. Cùng với đó, Điều lệ phải toát lên việc tổ chức Công đoàn là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để họ hiểu và tự hào khi có sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn trong mọi hoàn cảnh" - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Tại hội thảo khoa học các chuyên gia, các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến về các chủ đề liên quan đến cán bộ công đoàn; vấn đề bãi nhiệm, miễn nhiệm cán bộ công đoàn; vấn đề gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; vấn đề vai trò đại diện, nhiệm vụ trọng tâm và cơ cấu tổ chức công đoàn thuộc công đoàn cơ sở.
Góp ý về nhiệm vụ tuyên truyền của các cấp công đoàn
Tại hội thảo, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã góp ý cụ thể sửa đổi Điều 5 - Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XIII.
Theo ông Phong, trong một đơn vị nếu giữa công đoàn với người sử dụng lao động có mối quan hệ tốt thì sẽ tạo được sự đồng thuận, ủng hộ tạo điều kiện của người sử dụng lao động cho quá trình hoạt động của công đoàn (góp phần thực hiện tốt quyền được quy định tại điểm c khoản 2 Điều này) và mối quan hệ này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tồn tại tổ chức đại diện của người lao động bên cạnh công đoàn trong cùng một đơn vị. Vậy ta có coi đây là một nhiệm vụ của cán bộ công đoàn hay không (ví dụ như thúc đẩy xây dựng quy chế phối hợp). Nhiệm vụ hiện nay chủ yếu quy định về mối quan hệ đối với người lao động, do vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm.
Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh tình hình mới như người lao động tự do, tự làm việc, kinh doanh nhưng tham gia vào nghiệp đoàn… ông Phong đề nghị nghiên cứu sửa Điểm b Khoản 1 được sửa đổi, bổ sung như sau: “b. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ”…
Góp ý về cơ sở pháp lý xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam; so sánh, đối chiếu với quyền, nghĩa vụ của các cấp công đoàn trong Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, ông Uông Quang Huy - Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, nên quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở như Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XII bởi các quy định pháp luật cũng không phân biệt quyền và trách nhiệm của các loại hình Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và trên thực tế các Công đoàn cũng cơ bản thực hiện như nhau.
Theo ông Huy, quyền và trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật, nên không cần quy định cụ thể chi tiết trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Chỉ cần quy định nhóm quyền và trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam. Khi thực hiện cần căn cứ vào các quy định pháp luật để thực hiện.
Ngoài ra, về nhóm quyền và trách nhiệm về tuyên truyền, vận động người lao động… theo ông Huy nên chia tách nội dung tuyên truyền, vận động để phù hợp với nguồn lực con người và tài chính của các cấp công đoàn. Cấp công đoàn cơ sở chỉ thực hiện việc tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện việc tuyên truyền người lao động về các chủ trương, chính sách, pháp luật nói chung...
Hà Anh (nguồn: laodong.vn)