banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Những trường hợp người lao động không được tiền bảo hiểm thất nghiệp
Cập nhật lúc 04:52 ngày 15/05/2023
Lao động thời vụ, giao kết hợp đồng ngắn hạn (1-3 tháng) có nguy cơ mất việc làm cao nhưng lại không thuộc diện được hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Chính sách BHTN lần đầu tiên được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009, với mục tiêu hỗ trợ người lao động chẳng may mất việc làm với 3 chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề và hỗ trợ tìm việc làm.
Đối tượng tham gia BHTN là người lao động có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng trở lên làm việc và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quy mô từ 10 lao động trở lên phải đóng BHTN cho người lao động.
Chính sách này khi được ban hành đã nhận được phản ứng tích cực từ người lao động, như một cơ chế chống sốc cho lao động đột ngột mất việc làm. Đồng thời, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp chi trả chi phí cuộc sống trong thời gian tìm kiếm công việc mới và giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động.
Đến năm 2013, Luật Việc làm ra đời, dành 1 chương với 19 điều (từ Điều 41 đến Điều 59) để quy định về BHTN với nhiều nội dung được mở rộng.
Theo đó, chế độ hỗ trợ cho lao động thất nghiệp tăng lên, bao gồm: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đồng thời, đối tượng tham gia BHTN được mở rộng ra thành người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và tất cả người sử dụng lao động phải đóng BHTN cho người lao động.
Nhờ sự mở rộng này, số người tham gia BHTN ngày càng đông và số lượng lao động được hưởng lợi từ chính sách này ngày càng nhiều.
Số người tham gia BHTN giai đoạn 2015 - 2021
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường lao động biến chuyển liên tục, công việc không ổn định, lao động có nguy cơ mất việc làm cao thì chính sách BHTN càng trở nên quan trọng đối với người lao động để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong giai đoạn 2015-2021 (Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tổng số tiền chi khoảng 9.600 tỷ đồng/năm.
Trong năm 2022 cả nước có gần 984.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số đó có hơn 975.000 người được giải quyết hưởng trợ cấp.
Tuy nhiên, sau hơn 8 năm Luật Việc làm đi vào cuộc sống, quy định về BHTN cho thấy vẫn còn hạn chế khi chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động.
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm, người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Nhóm lao động này thường có nguy cơ mất việc làm cao nhưng lại không được hưởng lợi từ chế độ chống sốc tự động từ BHTN. Đây là thiệt thòi lớn cho nhóm lao động này.
Lao động được hưởng lợi nhiều khi tham gia BHTN
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN khi xây dựng dự án sửa đổi Luật Việc làm. Cụ thể, bộ này đề xuất cho tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Nếu đề xuất này được thông qua, nhóm lao động được tham gia BHTN, được bảo đảm chính sách an sinh, hỗ trợ đời sống khi chẳng may mất việc sẽ được mở rộng rất nhiều.
(Nguồn: dantri.com.vn)