banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Kỹ sư Phạm Xuân Huy – đúng ngành nghề, chuẩn ước mơ
Cập nhật lúc 02:36 ngày 17/08/2022
Sinh năm 1979 nhưng nhìn Phạm Xuân Huy trẻ hơn tuổi của mình rất nhiều. Một phần vì anh chơi thể thao đều đặn, nhưng phần nhiều là do lối sống tích cực, chân thành, yêu thích công việc và đam mê sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Có cảm giác rất thú vị khi nhìn người kỹ sư ấy bước đi. Nó giống như cầu thủ di chuyển trên sân cỏ vậy, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, xốc vác. Hóa ra ước mơ đầu đời của Phạm Xuân Huy hồi đi học là trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng so với ước mơ đó thì khát khao được nối nghiệp bố mẹ đứng vào hàng ngũ của những người thợ làm ra gang ra thép xây dựng đất nước vẫn cháy bỏng hơn nhiều.
Sáng kiến là đi tìm sự bất hợp lý
Do vậy mà Nhà máy Cán thép Lưu Xá có một kỹ sư không chỉ giỏi tay nghề mà còn cháy lửa nhiệt tình trên sân cỏ. Trong các giải đấu thể thao của Nhà máy Cán thép Lưu Xá luôn không thể thiếu tiền vệ năng nổ ấy.
Sinh năm 1979 nhưng nhìn Phạm Xuân Huy trẻ hơn tuổi của mình rất nhiều. Một phần vì anh chơi thể thao đều đặn, nhưng phần nhiều là do lối sống tích cực, chân thành, yêu thích công việc và đam mê sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Là tổ trưởng sản xuất của tổ Tiện trục cán, Phân xưởng Cán, Nhà máy Cán Thép Lưu Xá- Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, vừa qua, Phạm Xuân Huy đã vinh dự được Công đoàn Công Thương Việt Nam tặng bằng khen vì đã có nhiều sáng kiến đóng góp vào chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid 19”.
“Chùm” sáng kiến của anh gồm: Tính toán lựa chọn và gia công phôi trục cán thép L40 - 75 trên dây chuyền cán liên tục; Thay đổi phương pháp gia công bánh cán, thiết kế, chế tạo trục gá gia công bánh cán trên máy tiện CNC; Tính toán lựa chọn gia công tạo phôi bánh nắn YJ700 từ phôi trục cán phế. Được biết, tổng số tiền làm lợi từ chùm sáng kiến này là hơn 280 triệu đồng!
Xoay trần bên những công trình của mình
Dây chuyền công nghệ của Nhà máy Cán Thép Lưu Xá đã cũ, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp từng phần theo từng giao đoạn nhưng vẫn chưa đồng bộ. Chính vì vậy nên sản xuất của nhà máy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số khâu vẫn còn lao động thủ công, nặng nhọc, thiết bị chưa có sự ổn định lâu dài, việc kiểm tra kiểm soát tốn nhiều công sức...
Tuy nhiên, với tinh thần lao động sáng tạo CB-CNV, Nhà máy đã có nhiều giải pháp cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sản lượng hàng năm đã vượt qua công suất thiết kế. Trong sự nỗ lực cố gắng của toàn thể CBCNV Nhà máy, không thể thiếu sự đóng góp của kỹ sư Phạm Xuân Huy.
Với vai trò và vị trí của mình, kỹ sư Huy đã nhìn ra rất nhiều bất hợp lý và anh nung nấu quyết tâm hợp lý hóa những sự bất hợp lý đó bằng được. Anh nhớ mãi về động lực thúc đẩy anh đến với sáng kiến lựa chọn và gia công phôi trục cán thép L40-75 trên dây chuyền cán liên tục. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng tính cạnh tranh của thương hiệu trên thị trường, Nhà máy tiến hành thiết kế lõ hình, cải tiến công nghệ để cán các loại sản phẩm thép hình cỡ nhỏ trên dây chuyền cán liên tục hiện có.
Trong điều kiện không có đủ phôi trục để đáp ứng cho dây chuyền sản xuất các sản phẩm thép hình (L40-L75), kỹ sư Huy đã nảy ra sáng kiến tận dụng và lựa chọn trục cán phế các loại của dây truyền cán cốc có thiết kế dạng lỗ hình hở để gia công phôi trục cán dùng cho dây chuyền cán liên tục của Nhà máy.
Sáng kiến này của anh đã mang lại ”4 lợi” gồm: quá trình sản xuất đã được hợp lý hóa, các yêu cầu kỹ thuật vẫn được đảm bảo, đáp ứng phôi trục cho các loại sản phẩm trên dây chuyền cán liên tục trong điều kiện phôi trục chưa đáp ứng kịp thời cho quá trình sản xuất thép hình từ L40 – L75 trên tuyến cán liên tục và tiết kiệm vật tư nguyên vật liệu. Riêng sáng kiến này đã mang lại giá trị làm lợi là gần 150 triệu đồng.
Say sưa đi tìm hợp lý hóa trong sản xuất 
Tiêu biểu cho hình ảnh của một gang thép trí tuệ, vượt khó
Cũng với óc quan sát và quyết tâm hợp lý hóa sản xuất đó, kỹ sư Phạm Xuân Huy đã đề xuất sáng kiến thứ hai, đó là thay đổi phương pháp gia công bánh cán, đồng thời, thiết kế, chế tạo trục gá gia công bánh cán trên máy tiện CNC.
Bánh cán block của Nhà máy được gia công bằng phương pháp mài, tuy nhiên máy mài bị hỏng và chưa có biện pháp khắc phục, sửa chữa, do vậy không đáp ứng được việc gia công bánh cán phục vụ sản xuất. Kỹ sư Huy đã nảy ra sáng kiến tận dụng vật liệu phế có sẵn trong Nhà máy, thiết kế, chế tạo gia công trục gá lắp 2 bánh cán block trên một lần gá và thay đổi phương pháp gia công bằng phương pháp tiện trên máy tiện CNC, dùng mũi dao kim cương PCD để gia công. Không chỉ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, sáng kiến này còn tiết kiệm vật tư dụng cụ và đáp ứng kịp thời kế hoạch sản xuất của Nhà máy.
Bàn bạc, tranh luận cùng đồng nghiệp 
Trong quá trình làm việc, Phạm Xuân Huy còn nhận thấy bánh nắn trên máy nắn YJ700 không đủ phôi để đáp ứng cho dây chuyền. Anh đã nảy ra ý tưởng tận dụng và lựa chọn trục cán gang 650 phế, vỡ vai, trục gãy, trục hết đường kính sử dụng của các loại sản phẩm để tính toán phối trục và gia công tạo phôi bánh nắn cho máy nắn YJ700.
Khi được biết sáng kiến này của mình được Nhà máy công nhận có giá trị làm lợi gần 130 triệu đồng Phạm Xuân Huy đã rất vui, anh cảm thấy như được tiếp thêm bao động lực, tiếp tục niềm say mê tìm tòi, nghiên cứu ra những sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, giúp cho công việc chuyên môn của anh và các đồng nghiệp đạt hiệu quả, năng suất hơn.
Có lẽ vì được làm việc đúng chuyên ngành học tập, đúng với mơ ước ”cha truyền con nối”, hơn nữa lại có người bạn đời cũng công tác cùng nhà máy nên ở người tổ trưởng Tổ Tiện trục cán, phân xưởng Cán của Nhà máy Cán thép Lưu Xá ấy luôn đầy ắp một tinh thần vui vẻ, trách nhiệm, dốc tâm dốc sức với công việc. Tinh thần ấy không chỉ thấy ở công việc chuyên môn mà còn trong cả phong trào đoàn thể của phân xưởng, của Nhà máy.
Niềm vui của kỹ sư Phạm Xuân Huy - niềm tự hào của Nhà máy Cán thép Lưu Xá
Phạm Xuân Huy còn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch công đoàn Phân xưởng Cán vì ai cũng nhìn thấy ở anh sự năng nổ, chu đáo, biết lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, từ đó tham mưu, đề xuất với Ban chấp hành Công đoàn để xây dựng nội dung, chương trình hoạt động phù hợp với người lao động. Vì vậy, ban lãnh đạo Nhà máy Cán Thép Lưu Xá đã rất vui và tự hào khi Phạm Xuân Huy được trao tặng những danh hiệu đáng quý như: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên…
Đặc biệt, với việc có sáng kiến đóng góp vào Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid 19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, Phạm Xuân Huy đã tiếp tục mang về niềm tự hào cho Nhà máy Cán Thép Lưu Xá, cho Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, một lần nữa tạc vào tâm trí mọi người hình ảnh người công nhân Gang Thép không ngừng sáng tạo để làm chủ khoa học và công nghệ.
Minh Thuỷ (nguồn: tapchicongthuong.vn)