banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Công đoàn Công Thương Việt Nam: Sát cánh cùng người lao động
Cập nhật lúc 04:03 ngày 21/06/2022
Trong bối cảnh hiện nay, tổ chức công đoàn phải đổi mới tổ chức và hoạt động để tiếp tục làm cầu nối giữa chính quyền với giai cấp công nhân.
Đa dạng hoạt động trong Tháng Công nhân
Đối với các tổ chức công đoàn, sự kiện Tháng Công nhân (tháng 5) hàng năm luôn là hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Nhân sự kiện Tháng Công nhân năm 2022, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo; phát huy vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của giai cấp công nhân Việt Nam trong thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy (đầu tiên bên phải) trao quà cho Công đoàn Công ty CP mạ kẽm CN VINGAL - VNSTEEL
Theo đó, các cấp công đoàn căn cứ cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 để tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn hệ thống công đoàn về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động trong Tháng Công nhân; truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân, viên chức lao động ngành Công Thương nói riêng… Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng thăm hỏi, tặng quà, trao nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động kết nối, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề, đảm bảo việc làm bền vững và thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động; đề xuất, phối hợp tổ chức các hội thi tay nghề, hội thi thợ giỏi, các cuộc thi đề xuất sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… cho đoàn viên, người lao động.
Nhằm thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và toàn xã hội trong chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, trong Tháng Công nhân năm 2022, các cấp công đoàn ngành Công Thương đã tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa người đứng đầu doanh nghiệp với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động. Cùng với đó, tổ chức hoạt động “Cảm ơn người lao động”; diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân”; tôn vinh, biểu dương công nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” và phong trào thi đua “Ngành Công Thương chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng dịch Covid-19” do Bộ trưởng Bộ Công Thương phát động. Phát huy vai trò tiên phong, trách nhiệm của người lao động đối với đơn vị và đất nước; tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, rà soát, kiện toàn các công đoàn cơ sở yếu kém…
Để hoạt động diễn ra hiệu quả, Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Công đoàn Công Thương) sẽ hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và thực hiện nhiệm vụ tham gia cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc.
Hướng dẫn phong trào thi đua “Lao động giỏi- Lao động sáng tạo”, triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.
Khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các hoạt động Tháng Công nhân năm 2022; xây dựng kế hoạch hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên công đoàn; rà soát Thỏa ước lao động tập thể, hướng dẫn các cấp công đoàn tiến hành thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động...
Chăm lo, bảo vệ người lao động
Cùng với hoạt động nổi bật trong Tháng Công nhân, thời gian qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để bảo vệ người lao động trong tình hình mới.
Đồng chí Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam (thứ 5 từ trái sang) trao quà cho gia đình anh Vũ Thành Tựu, công nhân Công ty CP Cao su Sao Vàng
Đơn cử, để thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, các công đoàn cơ sở đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thông qua việc xây dựng và ban hành các quy chế (Quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị; quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; quy chế tổ chức hội nghị người lao động...), tổ chức hội nghị cán bộ, công nhân, viên chức ở các đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc ở các doanh nghiệp. Nội dung chủ yếu của hội nghị là bàn biện pháp thực hiện chương trình công tác, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, trả lời các đề xuất kiến nghị của người lao động, tổ chức phát động phong trào thi đua…
Thông qua đối thoại, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng, những vướng mắc của người lao động; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ như: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nghỉ ốm đau, thai sản, trợ cấp thôi việc, kết hợp hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể. Các bản Thỏa ước lao động tập thể đã có nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động. Qua đó, góp phần chăm lo, đảm bảo quyền lợi của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, các hoạt động chăm lo đời sống đối với đoàn viên, công nhân, lao động được tổ chức Công đoàn quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật giúp đoàn viên, công nhân, lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, lao động sản xuất.
Trong thời gian tới, các cấp Công đoàn Việt Nam, trong đó có Công đoàn Công Thương xác định sẽ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới và xu thế của thế giới, như: Đổi mới nhận thức và tư duy; tập trung thực hiện những nội dung về quan hệ lao động, các hoạt động thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn; đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cơ sở, từ phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức trực tiếp; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở trở lên theo hướng tinh gọn đầu mối; nghiên cứu sắp xếp, đổi mới tổ chức của công đoàn ngành sao cho phù hợp, khách quan với tình hình, nhiệm vụ mới... Việc này có ý nghĩa nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn để hoạt động thực chất và hiệu quả hơn.
Thông qua đối thoại, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng, những vướng mắc, quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ của người lao động.
Anh Thư (nguồn: congthuong.vn)