banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Phải thỏa thuận với người lao động khi tổ chức làm thêm giờ
Cập nhật lúc 11:19 ngày 05/05/2022
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa ban hành Văn bản số 1312/LĐTBXH-ATLĐ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về tăng giờ làm thêm trong bối cảnh phục hồi kinh tế.
Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp LĐLĐ cấp tỉnh và các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn thực hiện nghị quyết trên địa bàn quản lý, trong đó lưu ý một số nội dung sau: Các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm là các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 1 Nghị quyết và khoản 3 điều 107 Bộ Luật Lao động. Tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng kể từ ngày 1-4-2022.
Khi tổ chức thực hiện quy định về số giờ làm thêm theo nghị quyết, vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn Bộ Luật Lao động (quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong ngày; tiền lương phải trả khi làm thêm giờ; các nội dung về sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm; thông báo khi tổ chức làm thêm trên 200 giờ trong 1 năm).
Bộ LĐ-TB-XH lưu ý khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm theo quy định tại khoản 1 điều 1 Nghị quyết, người sử dụng lao động phải thông báo cho sở LĐ-TB-XH theo quy định tại khoản 4 điều 107 Bộ Luật Lao động và điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Các quy định của Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 được thực hiện cho đến hết ngày 31-12-2022, trừ trường hợp Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện.
A.Chi (nguồn: nld.com.vn)