banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
“Biển của mình thì mình đánh bắt”
Cập nhật lúc 09:56 ngày 06/06/2014

Sáng 5.6, 15 chiếc tàu cá cùng 150 ngư dân các xã Tam Quang, Tam Hải (huyện Núi Thành) cập cảng Kỳ Hà (Tam Quang), sau chuyến đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Mặc dù luôn bị hàng chục tàu sắt giả dạng tàu cá của Trung Quốc ngăn cản, tìm cách đâm va, nhưng các ngư dân vẫn bình tĩnh đánh bắt, bám biển dài ngày, bảo vệ ngư trường truyền thống Hoàng Sa.

Ảnh laođong.com.vn

Trên cảng Kỳ Hà từ sáng 5.6, hàng trăm người dân và đại diện các cơ quan chức năng đã chào đón đoàn tàu cá phấp phới cờ tổ quốc cập cảng Kỳ Hà trong ánh nắng sớm mai.

10 tàu cá của xã Tam Quang cùng 5 tàu cá của xã Tam Hải (huyện Núi Thành) kết thành đoàn đã kết thúc thành công chuyến đánh bắt dài ngày trên biển Hoàng Sa, khu vực gần giàn khoan trái phép của Trung Quốc. 150 ngư dân gương mặt can trường sạm đen vì sóng gió biển khơi, lần lượt bước lên bờ trong vòng tay người thân.

Ngư dân Nguyễn Tấn Dũng, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNa90479 (xã Tam Quang) kể: “Đoàn tàu cá xuất phát ngày 12.5, đi theo tổ đội, tổ chức đánh bắt ở vùng biển gần đảo Tri Tôn. Nhưng Trung Quốc cho đến mấy chục chiếc tàu sắt giả dạng tàu cá, luôn rình mò, tìm mọi cách cản trở, gây hấn, thậm chí luôn muốn tông mình.

Có lúc, tàu sắt Trung Quốc kè kè một bên, cách nhau chưa đầy 10 mét, hoặc chúng mở tốc lực đi thẳng về phía tàu mình. Nhưng mỗi khi thấy chúng có ý định liều lĩnh thì mình cơ động tránh được cả. Đó cũng nhờ đội tàu mình đông, đoàn kết đánh bắt, cảnh giới hỗ trợ nhau.

Dù chúng có cố tình gây hấn, mình vẫn không sợ, vì đây là biển của mình, ngư trường của mình. Nhiều lúc tàu mình đánh bắt chỉ cách cái giàn khoan của chúng chừng 7 hải lý, bằng mắt thường cũng có thể thấy được mấy cái chân giàn càn rỡ cắm xuống biển mình. Anh em tức tối lắm”.

Còn ngư dân Nguyễn Đức Nghiệp, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNa 91559 (xã Tam Hải) bức xúc: “Tàu nào cũng bị chúng cho tàu sắt đuổi, đòi tông. Nó rình tông tàu ông Ngô Ri bể cả be. Đó hành vi của kẻ cướp, như muốn giết người cho bằng được. Chứ tàu ngư dân thì dù của nước nào cũng chẳng bao giờ dám làm như vậy”.
Anh Ngô Thanh Việt, thuyền phó, con ông Ngô Ri, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu QNa 91559 (Tam Hải) phẫn nộ kể: “Ngày 14.5, tàu chúng tôi đang đánh bắt ở vị trí cách giàn khoan của nó 12 hải lý, thì thình lình một tàu sắt Trung Quốc mang số hiệu 11075 từ sau tông thẳng vào đuôi tàu, làm gãy thanh ngang giằng cabin tàu. Tàu nó rất to, chồm lên hung hãn.

May mà anh em chúng tôi kịp tăng tốc, bẻ lái thoát ra, nó đuổi theo không kịp. Nếu nó tông ngang thân thì tàu của chúng tôi đã bị lật úp như chiếc tàu ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng xảy ra vào ngày 26.5. Tuy nhiên, cú tông quá mạnh đã làm ca bin tàu bị xô lệch về phía trước khoảng 30 cm, thân tàu bị bung ốc vít nên bị phá nước”. 
Để tàu không bị đắm, các thuyền viên trên tàu đã thay nhau trực và mở hết công suất của 4 máy bơm trên tàu để hút nước ra ngoài. Cứ một 1 giờ đồng hồ lại mở máy hút nước một lần, nhưng tàu QNa 91559 vẫn bám biển đánh bắt đến hết đợt.

Anh Việt nói: “10 ngư dân chúng tôi bàn nhau, nó hung hăng, muốn mình phải bỏ ngư trường, bỏ biển Hoàng Sa cho chúng nó nuốt trọn. Nhưng mình không chùn bước, quyết tâm bám biển đánh bắt, giữ cho được ngư trường truyền thống để làm ăn, và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Các ngư dân cho biết, Trung Quốc không chỉ dùng rất nhiều tàu sắt rình mò tông tàu ngư dân trên biển, họ còn cho máy bay lượn lờ, nhiều lúc chỉ cách tàu cá chừng vài trăm mét để đe dọa, uy hiếp.

Lão ngư Dương Quang Học lên án: “Họ bất chấp thủ đoạn, dùng cả phương tiện quân sự để đối phó với ngư dân mình, hòng cưỡng đoạt vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Nhưng chúng tôi không hề sợ. Đây là ngư trường truyền thống của cha ông mình bao đời nay, nên ngư dân chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục vươn khơi, đánh bắt để nuôi sống gia đình, để giữ gìn xương máu, mồ hôi của ông cha”.

TRƯƠNG TÂM THƯ (nguồn laodong.com.vn)