banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Lời nhắn gửi từ Hoàng Sa
Cập nhật lúc 09:37 ngày 06/06/2014

Những ngày này, cả nước hướng về quần đảo Hoàng Sa, nơi có rất nhiều người con của “đất nước những người áo vải” đang kiên cường ngày đêm bám biển để giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Tàu nước ngoài chú ý! Lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển Việt Nam thông báo: Đây là vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Mọi hoạt động của các vị tại khu vực biển này là trái phép, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Yêu cầu tất cả các vị chấm dứt ngay mọi hành động và rời khỏi vùng biển Việt Nam”.

Đã một tháng qua, thông điệp ấy đều đặn cất lên rành rọt bằng 3 thứ tiếng Việt, Trung, Anh từ các tàu chấp pháp của Việt Nam, hướng về phía những con tàu Trung Quốc đang ngang ngược, hung hăng lượn lờ trong vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hai tàu hải cảnh của Trung Quốc đang dồn ép tàu kiểm ngư của Việt Nam - Ảnh: VGP/Xuân Hồng

Bất chấp sự hung hăng, thô bạo

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những hành động gây gấn và khiêu khích trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam nhằm biến những khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, từng bước thực hiện âm mưu biến Biển Đông thành “ao nhà” bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. 
 
Năm 2011, Trung Quốc đã ngang nhiên cắt cáp các tàu Bình Minh 02, tàu Viking của Việt Nam; họ cũng đơn phương ra lệnh cấm biển hằng năm; họ thường xuyên bắt giữ tàu đánh cá, tịch thu, phá hoại tài sản và đánh đập ngư dân Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 26/5 khi sự việc giàn khoan vẫn đang nóng thì các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc lại cố tình đâm chìm tàu cá ĐNA-90152TS của ngư dân Đà Nẵng ngay tại ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Và lúc này, ở vùng biển Hoàng Sa, những hành động hung hăng từ phía Trung Quốc đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Trung Quốc thường xuyên duy trì nhiều biên đội tàu có lúc lên đến gần 140 chiếc đủ loại, gồm hải cảnh, ngư chính, hải giám, hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải, tàu cá và thậm chí cả tàu quân sự hộ vệ tên lửa, loại nhỏ nhất có trọng lượng 500-600 tấn, loại lớn lên đến hàng nghìn tấn. 
 
Đội tàu ấy chia thành nhiều tốp, bố trí nhiều lớp theo hình nan quạt xung quanh giàn khoan để ngăn cản các lực lượng chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Mỗi khi một tàu chấp pháp của Việt Nam tiến tới tiếp cận giàn khoan để tuyên truyền, phía Trung Quốc huy động ít thì 2-3 tàu, nhiều thì 6-7 tàu, để vây bọc, dồn ép, ngăn cản tàu Việt Nam.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng áp suất lớn tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam - Ảnh: Đăng Khoa
Trung Quốc còn thể hiện sự hung hăng bằng việc sẵn sàng đâm va từ các phía hoặc dùng vòi rồng áp suất lớn phun xịt nhằm phá hủy trang thiết bị trên tàu Việt Nam. Thủ đoạn của họ là dùng tàu trọng tải lớn chặn ép hoặc lợi dụng ưu thế về tốc độ để vượt lên rồi bất ngờ cắt mũi, bẫy cho tàu của ta lỡ chớn đâm vào để tạo cớ vu vạ tàu của Việt Nam khiêu khích. 
 
Nếu các tàu Việt Nam lách tránh được thì họ lại dùng các tàu trọng tải nhỏ hơn để đâm từ phía sau hoặc hai bên sườn. Khi sử dụng vòi rồng, họ cũng chủ đích phun thẳng vào những mục tiêu như ăng ten, ra đa, cửa kính, buồng lái… nhằm phá hủy trang thiết bị thông tin liên lạc hoặc triệt hạ bộ phận đầu não chỉ huy tàu. 
 
Mỗi khi lực lượng chấp pháp Việt Nam phát loa tuyên truyền, phía Trung Quốc lại rú còi để át tiếng hoặc bật loa ngang ngược tuyên bố rằng đó là vùng biển thuộc chủ quyền của họ. Trung Quốc cũng thường xuyên đưa các tốp máy bay trinh sát bay ở tầm thấp, sát trên các tàu Việt Nam để uy hiếp, hăm dọa, áp đảo tinh thần.
Máy bay trinh sát và tàu quân sự của Trung Quốc hiện diện tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: VGP/Xuân Hồng

Bình tĩnh, kiên trì, dũng cảm

Dân tộc Việt Nam “nào đâu thích gì đạn bom”, nhưng dân tộc ấy luôn đoàn kết một lòng quyết tâm giữ gìn chủ quyền thiêng liêng bằng đối sách “Đem đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy trí nhân thay cường bạo”. Giờ đây, đối sách ấy tiếp tục được phát huy, vận dụng để đáp lại tất cả sự “nạt nộ” hung hăng của phía Trung Quốc.

Có mặt trên tàu Cảnh sát biển CSB-8003 thực thi hoạt động chấp pháp tại vùng biển Hoàng Sa, Đại tá Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển I (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam), cho biết: "Cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát biển nói chung, cũng như cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trên tàu CSB-8003 quyết tâm đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao phó. Chúng tôi dùng biện pháp tuyên truyền và đấu tranh hoà bình là chính, nhằm yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cũng như lực lượng tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam".

Tàu hải cảnh Trung Quốc 46105 hung hăng áp sát phun vòi rồng tấn công tàu Cảnh sát biển 2016 của Việt Nam. Ảnh: VGP/Xuân Hồng
Đúng là suốt một tháng qua kể từ khi giàn khoan của Trung Quốc xuất hiện phi pháp trong vùng biển Việt Nam, chúng ta chỉ sử dụng các lực lượng chấp pháp dân sự bám biển, cập nhật mọi hoạt động của Trung Quốc đồng thời kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Sát cánh ngoài thực địa cùng với những con tàu màu trắng sơn vạch đỏ-vàng của lực lượng kiểm ngư là những “kình ngư” thép màu xanh thẫm mang ký hiệu CSB (Cảnh sát biển) như 8001, 8003, 2013, 2016, 4032, 4033… 
 
Cho đến giờ, các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam luôn kiềm chế, cơ động vòng tránh, hạn chế đến mức tối đa va chạm với tàu Trung Quốc, nhưng cũng rất kiên quyết, kiên trì tiếp cận phía Trung Quốc để phát loa tuyên truyền về chủ quyền của ta theo đúng luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Các chiến sĩ cảnh sát biển làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa - Ảnh: VGP/Xuân Hồng

Lời nhắn gửi về đất liền

Theo tàu cảnh sát biển và kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ chấp pháp suốt một tuần tại vùng biển Hoàng Sa, người viết bài này được chứng kiến sự kiên cường, dũng cảm, không nề hy sinh của các anh. Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ trong suốt một tháng qua chưa hề liên lạc với gia đình mặc dù rất nhiều người lên đường làm nhiệm vụ để bảo đảm yếu tố bí mật nên không kịp thông báo với người thân hay thậm chí là chuẩn bị hành trang cá nhân. 
 
Trong quá trình đấu tranh, đã có nhiều kiểm ngư viên bị thương khi Trung Quốc đâm va hay dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam nhưng các anh vẫn kiên quyết xin điều trị tại chỗ để ở lại tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Nhiều chiến sĩ cảnh sát biển có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng sẵn sàng gác việc riêng, vì nhiệm vụ chung, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. 
 
Đại úy Nguyễn Văn Hưng, thuyền trưởng tàu CSB-8003, lên đường làm nhiệm vụ, để lại hậu phương người cha già đang mắc bệnh hiểm nghèo. Nhiều đồng đội trẻ của anh Hưng trên các tàu CSB 8003, 8001 nhận tin vui lần đầu được làm cha khi đang lênh đênh trên tàu, cưỡi trên những ngọn sóng lừng cấp 3-4 nơi vùng biển Hoàng Sa. Hai anh em ruột – Trung tá Vũ Văn Ngọc và Trung úy Vũ Văn Kiên – cùng đang làm nhiệm vụ trên tàu CSB-8003, để lại phía sau cả một đại gia đình với nhiều lo toan, bộn bề… Nhưng vượt lên tất cả, ở các anh vẫn toát lên tinh thần lạc quan, quyết tâm và ý chí “quyết chiến thắng, cho hôm nay, cho con cho cháu và cho khắp mọi miền”.
 
Thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ các lượng lực đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa, Đại tá Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển I, đã nhắn gửi về đất liền “lời chào nồng ấm nhất đến người thân, nhân dân cả nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài… Chúng tôi xin hứa rằng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam đang có mặt ở thực địa sẽ quyết tâm đoàn kết, hiệp đồng, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao phó".
Nụ cười của chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam gây ấn tượng mạnh với phóng viên Manabu Sasaki, nhật báo Asahi Shimbun - Ảnh: Đăng Khoa

Xin khép lại bài viết từ “điểm nóng” Hoàng Sa này bằng nhận xét hết sức khách quan của phóng viên Manabu Sasaki (41 tuổi), Trưởng đại diện của nhật báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) tại Hà Nội, người đã chứng kiến hoạt động chấp pháp của phía Việt Nam trên thực địa: “Tôi rất ấn tượng trước việc lực lượng tàu Việt Nam hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực như đâm va, phun vòi rồng mà chỉ dùng loa tuyên truyền để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và yêu cầu họ rút giàn khoan cũng như các tàu bảo vệ. Đặc biệt, tôi rất thích nụ cười đầy lạc quan và hiền hậu của các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam. Điều đó thật đáng tự hào!”

Xuân Hồng (nguồn chinhphu.vn)