banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Sửa chính sách để giữ chân người lao động
Cập nhật lúc 09:55 ngày 01/11/2021
Theo các chuyên gia, cần thắt chặt các quy định, điều kiện thanh toán BHXH một lần nhằm bảo đảm người tham gia BHXH có lương hưu sau khi hết tuổi lao động.
Lực lượng lao động tham gia BHXH hiện mới đạt gần 30%, trong khi mục tiêu của Việt Nam là 10 năm tới có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Nhiều cơ chế hỗ trợ đã được đề xuất nhằm thúc đẩy người dân tham gia BHXH sau đại dịch Covid-19.
Gia tăng số người nhận BHXH một lần
Mới đây, tại hội thảo trực tuyến tham vấn quốc tế về định hướng chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết ngành BHXH đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội…
"Dự thảo Chiến lược việc phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu chung thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ toàn dân" - ông Mạnh nhấn mạnh.
Theo BHXH Việt Nam, đến nay, cả nước có hơn 14,545 triệu người tham gia BHXH - đạt 29,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm hơn 1,6 triệu người so với cuối năm 2020, trong đó BHXH bắt buộc giảm gần 1,7 triệu người. Riêng BHXH tự nguyện có 1,206 triệu người tham gia - tăng 77.800 người so với cuối năm 2020 và tăng 361.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, số người lao động (NLĐ) hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2020, số NLĐ hưởng BHXH một lần tăng trung bình khoảng 9%/năm. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, số NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 trường hợp - tăng hơn 20,5% so cùng kỳ năm 2020.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu đề xuất cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trong đó, hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân; sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) dẫn số liệu năm 2020 cho thấy có 860.741 người hưởng BHXH một lần - tăng 53.652 người, tăng 6,65% so với năm 2019. Trong đó, số tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người - tăng 51,55% so với năm 2019 và bằng 2,09% so với số người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm của năm 2020.
"Dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc NLĐ rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn. Vì vậy, khi về già, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn; tạo áp lực lên xã hội và gia đình" - ông Sơn băn khoăn.
Nên giảm thời gian đóng BHXH
Thống kê cho thấy những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ trên 20 đến 40, chiếm 80,9% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung đông nhất là ở nhóm tuổi từ trên 20 đến 30 (chiếm 42,7%); nhóm từ trên 30 đến 40 tuổi đứng thứ hai, chiếm 38,2%; thấp nhất là nhóm từ 20 tuổi trở xuống (chiếm 0,25%).
Lý giải về việc số người tham gia hệ thống BHXH giảm thời gian qua, đại diện BHXH nhiều địa phương cho rằng dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên cả nước phải ngưng sản xuất hay sản xuất cầm chừng, cắt giảm nhân công hoặc tạm thời cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Ðiều này khiến NLĐ bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập, đời sống sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn. Mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống nên NLĐ đã đề nghị thanh toán trợ cấp BHXH một lần.
"Đơn cử thời điểm tháng 8-2021, trong số hơn 1,3 triệu lao động tham gia BHXH giảm thì phần lớn tập trung tại 19 tỉnh, thành phía Nam - chiếm hơn 94% (1,098 triệu người), trong đó có 3 địa phương chiếm trên 30% tổng số lao động tham gia BHXH của cả nước là là TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai" - BHXH Việt Nam dẫn chứng.
Từ thực trạng quy định hiện hành của pháp luật về chính sách hưởng BHXH một lần, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần. Ngoài ra, cần điều chỉnh cách tính lương hưu, bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần thắt chặt các quy định, điều kiện thanh toán BHXH một lần để bảo đảm người tham gia BHXH có lương hưu sau khi hết tuổi lao động.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về BHXH mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tới đây, nội dung sửa đổi Luật BHXH sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề: phát triển hệ thống xã hội đa tầng, sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm; phát triển bảo hiểm theo hướng đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng khi NLĐ chỉ đóng BHXH từ 10 - 15 năm, họ sẽ theo đuổi tiền lương hưu về già. Do vậy, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH sẽ hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần. 
Hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện
BHXH Việt Nam từng đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Theo BHXH Việt Nam, việc tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện - nhất là với những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo - sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHXH toàn dân để mọi người đều được tham gia lưới an sinh và có chính sách BHXH chia sẻ, bảo đảm cuộc sống khi về già.
Ngọc Dung (nguồn: nld.com.vn)