banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
PETROLIMEX: Trường Sa - Ra đảo nhớ đất liền, về đất liền nhớ đảo (kỳ 1)
Cập nhật lúc 10:56 ngày 03/06/2014

(Kỳ 1 ) 

Tháng 5/2014 cả nước hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi vinh dự được đại diện CBCNV-NLĐ Petrolimex tham gia Đoàn công tác số 9 ra thăm, tặng quà, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Chúng tôi mang theo tình cảm, mang về niềm tin và lòng tự hào. 

Trong hành trình đời người - Đây là chuyến công tác không thể nào quên. Trường Sa: Ra đảo nhớ đất liền, về đất liền nhớ đảo. Giờ viết lại hành trình đầy kỷ niệm này, nhiều khoảnh khắc xúc động vẫn dâng trào.

Vinh dự

Hà Nội, ngày 27.02.2014 Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo ký ban hành Quyết định số 077/PLX-QĐ-HĐQT cử đoàn cán bộ Petrolimex đi công tác tại huyện đảo Trường Sa. Cầm quyết định trên tay, lòng chúng tôi đầy bồi hồi, xúc động, tự hào.

Thượng tá Nguyễn Đăng Tiến - Phó trưởng Phòng Tổng hợp Cục Chính trị BTL Hải quân quán triệt, triển khai nhiệm vụ Đoàn công tác số 9

Chúng tôi hiểu đây là vinh dự lớn lao. Chúng tôi sẽ được đại diện hơn 27.000 cán bộ công nhân viên - người lao động (CBCNV-NLĐ) Petrolimex ra thăm, tặng quà, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và nhà giàn DK1 (tại thềm lục địa Phía Nam); kiểm tra việc lắp đặt 5 bản đồ Việt Nam bằng gốm màu do Petrolimex tài trợ. Chúng tôi lập ngay 1 group e-mail với tên gọi “TS.PLX” chia sẻ với nhau những thông tin mà mình sưu tầm được về biển đảo, những chia sẻ của các anh lãnh đạo Petrolimex kể lại từ những chuyến đi trước. Biển đảo Việt Nam dần hiện lên ngày một rõ nét trong tâm trí chúng tôi. Các thành viên trong đoàn đều háo hức, hồi hộp đợi chờ ngày được lệnh lên đường.

24.4.2014 Trưởng đoàn Đinh Thái Hương triệu tập quán triệt về chương trình công tác và giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong đoàn. 7 anh em chúng tôi có mặt đúng giờ. Số 7 làm chúng tôi liên tưởng đến đàn chim én Petrolimex tung cánh bay trên bầu trời Đất Việt nở hoa trong một sớm bình minh.

Chiều 30.4.2014 đoàn Petrolimex chúng tôi rời Hà Nội để sáng 01.5.2014 họp Đoàn công tác số 9 tại Bộ Tư lệnh Hải quân (1A - Tôn Đức Thắng - Quận 1 -TP. Hồ Chí Minh). 7 anh em chúng tôi tư trang gọn gàng, quần áo chỉnh tề, huy hiệu Petrolimex đeo trên ngực; có mặt tại địa điểm tập kết 30 phút trước giờ họp đoàn. Đoàn công tác số 9 có cả thảy 209 người cùng với đoàn thủy thủ tầu 26 người, tổ nhà bếp 15 người và 2 bác sĩ tham gia đoàn có mặt đông đủ, buổi họp bắt đầu đúng giờ. Anh Đinh Thái Hương vinh dự được tham gia Ban chỉ huy Đoàn công tác số 9. TP. Hồ Chí Minh trong ngày lễ rực rỡ cờ hoa, ánh sáng muôn màu, phố phường sạch sẽ; gương mặt mọi người tràn đầy hạnh phúc, cuộc sống bình yên. Đi trên phố thi thoảng lại nghe thấy bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” mà lòng lâng lâng tự hào.

Đất nước mình thật đẹp và yêu chuộng hòa bình. Không chỉ yêu chuộng mà là “khát khao”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy tại Lễ thượng cờ cấp quốc gia 2 tầu ngầm HQ - 182 mang tên Hà Nội và HQ - 183 mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, tại Khánh Hòa ngày 03.4.2014. “Chúng ta khao khát, chúng ta mong muốn hòa bình … nhưng … hòa bình không thể chỉ khát khao mong muốn mà có”.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và kiều bào ta ở nước ngoài đang đồng lòng trong một thế trận lớn vững vàng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa yêu dấu. Nếu đất liền là một ngôi nhà. Trường Sa là cửa ngõ của Ngôi nhà Đất Việt. Nơi ấy có những người chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm đứng gác cho đất nước bình yên, gác cho mọi người yên giấc, gác cho các doanh nghiệp thi đua sản xuất - kinh doanh để tiềm lực kinh tế đất nước ngày càng mạnh lên.

Chưa ra đảo - đã thấy nhớ đất liền. Chắc hẳn, người chiến sĩ ở đảo nhớ đất liền biết nhường nào. Nhớ không chỉ là nỗi nhớ. Trong nỗi nhớ bao hàm một tình yêu vô bờ bến của ai đó dành riêng cho ai đó, tình yêu của người chiến sĩ hiến dâng lên Đất Mẹ anh hùng.

Tiến ra biển lớn

Cát Lái, 02.5.2014. Sau những nghi lễ trọng thể của Hải quân Việt Nam, đúng 8h tầu HQ 571 với tên hiệu “Trường Sa” kéo một hồi còi dài tạm biệt đất liền, chúng tôi tiến ra biển lớn.

Tầu HQ 571 cùng Đoàn công tác số 9 tiến ra biển lớn

Ra biển - mới thấy trời cao, biển rộng; mới thấy nhớ đất liền. Bình minh rạng rỡ. Hoàng hôn thì đằm thắm, làm các áng mây trắng ửng hồng.

Đêm trên biển hoá ra rất đẹp. Ánh đèn tầu thuyền trên biển nhìn xa như dãy đèn đường quốc lộ. Những giàn khoan dầu thì hiên ngang như một thành phố hoa lệ, toả sáng. Anh em trên tầu HQ 571 thực sự là một đại gia đình.

7h30 tối có chương trình văn nghệ. Tất cả mọi người đều tham dự. Anh Lê Tiến Duẩn đại diện đoàn Petrolimex đơn ca bài “Cung đàn mùa xuân” trong tiếng vỗ tay cổ vũ của tất cả mọi người.

03.5.2014. Xung quanh tầu là biển. Biển cong khi nhìn từ boong tầu. Nếu lên đỉnh tầu - nơi cờ Tổ quốc đang tung bay, thì rõ ràng biển hình cầu.

Nước biển xanh, trong vắt. Giờ là thời điểm gió đông bắc đã chấm dứt, gió tây nam chưa hình thành nên biển hiền hoà, êm đềm như bàn tay người Mẹ nâng niu đứa con thơ yêu quý của mình. Tầu chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình thẳng tiến đến với Trường Sa.

Buổi sáng sóng êm đềm. Trung tá Phạm Xuân Hải - Thuyền trưởng tầu HQ 571 nói với chúng tôi: Có khi buổi sáng biển lặng như ao làng, nhưng chiều về bao giờ cũng có sóng lao xao. Chắc biển cũng trân trọng một ngày đẹp đẽ, thanh bình.

Đoàn chúng tôi thầm cảm ơn Trời, Đất, Biển; cảm ơn tất cả những ai đã quyết định tổ chức chuyến đi này. Cảm ơn những ai đang lặng lẽ, miệt mài làm việc để con tầu đi đúng hướng. Cảm ơn những ai đang mong chờ chúng tôi nơi đảo xa, cảm ơn những ai đang mong nhớ chúng tôi nơi đất liền. Không e-mail, không điện thoại, chúng tôi trầm tư hơn. Anh Lê Tiến Duẩn đem theo ít cà phê, chúng tôi rủ nhau pha tuần cà phê, rồi đến tuần trà. Thời gian đến với đảo sao mà lâu đến vậy.Ai cũng cảm thấy một điều gì sâu lắng, thiêng liêng đang dần lớn lên trong trái tim mình.

Trưởng đoàn Đinh Thái Hương nói: “Đây không phải lần đầu mình có hành trình dài trên biển; nhưng lần này đúng là trong lòng thấy bồi hồi, xúc động, thiêng liêng”. Rồi anh kể chuyện hơn 20 năm trước anh dẫn đầu Đoàn Thanh niên Petrolimex sang giao lưu với các bạn Nga, đi & về bằng tầu dầu 30.000 tấn. Hơn 10 ngày để đến TP. Nakhodka (Viễn Đông, LB Nga), rồi cũng ngấn ấy ngày trở về Việt Nam - biết bao là kỷ niệm đẹp.

Anh em lên boong tầu ngắm trời, ngắm biển, trò chuyện tâm tình. Các thành viên đoàn công tác nhiều người mới gặp nhau lần đầu nhưng nét mặt đầy thân thiện, tin cậy lẫn nhau trong một đại gia đình. Gió biển mát lành, tinh khiết, nhiều sinh khí làm đầu óc con người tỉnh táo. Gió hướng về phía đất liền - Biển vô tư, hào phóng gửi tặng gió về đất liền.

Đảo Đá Lớn vững vàng nơi đầu sóng

04.5.2014. Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi được đặt chân lên đảo. Điều mà 2 ngày đêm qua chúng tôi háo hức mong đợi rồi cũng đến.

Mặc dù 4h30 phút mới có lệnh “Toàn tầu báo thức. Báo thức toàn tầu”, từ 4h sáng trên boong dạo đã đầy người. Người thể dục, người ngắm bình minh trên biển. “Đảo Đá Lớn đây rồi” - mọi người đều hướng tầm mắt về mấy nơi sáng đèn đoán đâu là nơi chúng tôi sẽ được đến thăm đầu tiên.


Niềm vui đón khách quý của cán bộ chiến sĩ Trường Sa

Đoàn Petrolimex chúng tôi cùng Viện Văn học, Viện nghiên cứu Kinh tế - Chính trị thế giới được đặt tên là Tổ Đá Lớn. Đá Lớn B là đảo đầu tiên Đoàn công tác số 9 chúng tôi được vào thăm. Giữa mênh mông biển trời, đảo của ta sừng sững uy nghi với Cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Chúng tôi ai nấy đều xúc động, tự hào.

Chiến sĩ Trường Sa

Anh em trên đảo ra tận cầu tầu đón đoàn. Nét mặt ai cũng rắn rỏi, tự tin, vui mừng. Trên đường từ cầu tầu vào đảo chúng tôi thấy có chậu nước ngọt, bên cạnh đó là chiếc khăn gấp vuông thành sắc cạnh đặt trên chiếc khay sạch sẽ. Nước ngọt ở đảo rất quý. Chậu nước ngọt trong veo đầy đặn là để khách quý rửa mặt, rửa tay sau một hành trình vất vả. Anh em chúng tôi mạnh dạn nhúng tay vào chậu một cách trân trọng để ghi nhận thịnh tình mến khách của chủ nhà. Chậu nước ngọt và chiếc khăn tay ở Đảo Đá Lớn làm chúng tôi liên tưởng đến nghi lễ đón khách quý của người Nga với bánh mì đen và muối trắng. Mọi người trong đoàn nhắc nhau: “Cứ rửa ở trong chậu, đừng té ra ngoài”. Đặc biệt là không được đổ đi. Nước rửa xong sẽ để tưới rau. Không ai ném bánh mì đen và muối trắng đi cả.

Chúng tôi mạnh dạn nhúng tay vào chậu một cách trân trọng để ghi nhận thịnh tình mến khách của chủ nhà. Sau những phút tay bắt mặt mừng, thăm hỏi động viên, tặng quà của đoàn là giao lưu văn nghệ. Đoàn Văn công Đồng Tháp chủ trì chương trình này. 

Văn nghệ ở đảo thực sự là giao lưu. Khách hát tặng chủ nhà, chủ nhà hát tặng khách, rồi chủ và khách cùng hát.

Giữa biển trời bao la, chúng tôi thấy bài nào cũng hay, bài nào cũng xúc động lòng người.

Giữa vô vàn bài hát, họ hát bài gì?

Đoàn văn công hát những bài về Anh bộ đội Cụ Hồ, về tình yêu biển đảo Tổ Quốc, ngợi ca Bác Hồ và non sông đất nước. Cũng có bài về tình yêu đôi lứa nhưng cũng lại gắn với biển đảo, ví như bài “Ta yêu nhau trên biển”.

Các chiến sĩ lúc đơn ca, khi thì tất cả hòa cùng một nhịp: “Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa và người trồng lúa cho quê hương”, rồi “Ba thương con vì con giống mẹ”, rồi đến “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. 

Chúng tôi hiểu trong sâu thẳm người chiến sĩ là tình yêu gia đình, non sông đất nước. Tình yêu ấy mãnh liệt đến mức để ngày đêm họ đứng đây - vững vàng nơi đảo xa, gìn giữ quê nhà. 

Lúc chia tay, các anh tiễn chúng tôi ra tận cầu tầu.

 Lời tạm biệt, chúng tôi chỉ nói được “Cảm ơn các anh. Mạnh khỏe nhé” trong nghẹn ngào xúc động.

Lời cảm ơn với cả tấm lòng kính trọng người Chiến sĩ Trường Sa.

Cái chia tay đầy lưu luyến, tự hào.

Mỗi khi rời đảo về tầu HQ 571, mấy anh em chúng tôi lại rủ nhau lên boong tầu ngắm đảo. Đảo của ta sừng sững, nghiêm trang, kiêu hãnh ngẩng đầu như người lính trẻ bồng súng dưới lá Cờ Tổ quốc.

Đảo Sơn Ca và Đảo Nam Yết - Người anh em song sinh

05.5.2014. Bình minh lên, Đảo Sơn Ca đẹp như một thiên đường.

Đây là đảo nổi, có ngọn hải đăng, có hàng cột điện gió. Đảo có tên gọi là Sơn Ca vì đây là mảnh đất lành thường được chim Sơn Ca chọn làm nơi trú ngụ, sinh sản. Chúng tôi vào đảo đúng giờ chào Cờ buổi sáng.

Thấy các sĩ quan, chiến sĩ Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam hàng ngũ chỉnh tề dưới Cờ Tổ quốc, anh em Đoàn công tác số 9 chúng tôi cũng đứng vào xếp hàng. 

Bài Quốc ca Việt Nam được tất cả mọi người, quân và dân cùng hát, hòa trong tiếng sóng biển làm vang động không gian rộng lớn của đảo.

Hát quốc ca bao giờ cũng xúc động.

Nhưng hát Quốc ca trên Đảo Sơn Ca dưới ánh nắng ban mai, giữa biển trời bao la của Tổ quốc để lại trong mỗi người chúng tôi một xúc cảm thiêng liêng, không thể nào quên.

Bên cạnh giọng ca hào hùng, mạnh mẽ của Chiến sĩ Trường Sa; anh em chúng tôi trong đoàn công tác nhiều người xúc động trào nước mắt, giọng nghẹn ngào đứt quãng.

 

 Chào cờ, duyệt binh tại Đảo Sơn Ca

Lên Đảo Sơn Ca chúng tôi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy một sản vật độc đáo là quả bàng vuông. Quả bàng to thật, gần như quả lê, có cạnh gần như vuông. Cây bàng thì không vuông nhưng cán bộ chiến sĩ ở đảo cũng gọi luôn là cây bàng vuông.

Chúng tôi rủ nhau chụp ảnh làm kỷ niệm. Chỉ chụp ảnh thôi, không hái quả đem về. Ở đảo, mỗi cành cây ngọn cỏ đều thiêng liêng, đều được trân trọng giữ gìn.

Ra với đảo không có gì biếu tặng, chỉ có tấm lòng thôi cũng được; nhưng đừng nhặt của đảo bất cứ thứ gì để đem về - từ quả bàng, hòn sỏi, hạt cát đến cành san hô. Ở đất liền còn đang phát động góp đá xây đảo cơ mà! Đoàn Petrolimex chúng tôi chỉ đem về niềm tin, lòng kính trọng với cán bộ, chiến sĩ trên đảo và chụp vài tấm ảnh để làm kỷ niệm.

Ở đây có nhiều chiến sĩ trẻ. Chúng tôi thấy họ cương nghị, quả cảm trong công việc; nhưng rất hiền lành, tươi cười trong cuộc sống.

Hầu như tất cả thành viên Đoàn công tác số 9 đều tham gia hoạt động văn nghệ này. Không còn phân biệt được đâu là ca sĩ, đâu là chiến sĩ, đâu là chủ, đâu khách. Tất cả mọi người hòa cùng một nhịp, bài nọ kế tiếp bài kia, thật là xúc động.

 Chúng tôi tin vào tuổi trẻ. Chúng tôi hiểu sức mạnh của các bài hát. Nó gắn kết mọi người và gợi mở xúc cảm tích cực của con người. Đúng là “Cuộc sống đâu chỉ có cơm ăn và áo mặc”.

 Buổi chiều chúng tôi đến thăm Đảo Nam Yết.

Nhìn từ ngoài, Nam Yết chẳng khác gì Sơn Ca, giống như hai anh em sinh đôi. Cũng cột hải đăng, cũng hàng điện gió. Lên đảo thấy rộng hơn, nhiều cây xanh hơn. Ở trung tâm đảo có cây bàng vuông 8 gốc và 2 cây “mù - u” cổ thụ. Dưới tán cây có nhiều bàn ghế để mọi người nghỉ ngơi, trò chuyện. Chủ nhà đã chuẩn bị sẵn trà mời chúng tôi ở đây; không khí thật thân tình, mát mẻ.

Ở Đảo Nam Yết có một nơi làm các thành viên đoàn công tác chúng tôi vô cùng xúc động - đó là nơi yên nghỉ của 5 liệt sĩ. Tất cả mọi người đều đến đây thắp hương các anh với tấm lòng thành kính.

 
Đoàn công tác dâng hương tại mộ các liệt sĩ tại Đảo Nam Yết

Các anh mỗi người một quê, đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các anh đã đứng bên nhau trong cùng một đội ngũ, thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng; giờ nằm bên nhau vẫn hàng ngũ chỉnh tề. Người trẻ nhất sinh năm 1995, năm nay mới 19 tuổi.

Các anh gắn bó với đảo, gắn bó với nhau ngay cả khi đã dâng trọn cuộc đời đang xuân của mình vì sự nghiệp cao cả bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Các anh nằm đó, lặng im - mà chúng tôi thấy như đang cất cao lời hát “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, đang viết tiếp “Khúc quân ca Trường Sa”.

(Nguồn: Petrolimex)