banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các doanh nghiệp trực thuộc
Cập nhật lúc 04:21 ngày 18/10/2021
Sau khi Ban Bí thư ban hành Quyết định số 219-QĐ/TW ngày 17/4/2009 về ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với ban cán sự đảng bộ, ngành và đảng đoàn các cơ quan Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương xây dựng, ký ban hành Quy chế phối hợp công tác số 24-QC/BCSĐBCT-ĐUK ngày 15/6/2011 và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quy chế số 453-QC/ĐUK-BCSĐBCT ngày 12/11/2013.
Hai bên đã phối hợp thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương quản lý có tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương. Trong đó, nội dung phối hợp gồm: Quán triệt và chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác tổ chức, cán bộ; công tác xây dựng các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp có vị trí then chốt của nền kinh tế.
Trước thời điểm năm 2018, Bộ Công Thương có 9 Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc Bộ có tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam. Năm 2018, Bộ Công Thương đã bàn giao, chuyển Tập đoàn Dệt may Việt Nam sang Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý; bàn giao 6 doanh nghiệp sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thực hiện quản lý gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam. Năm 2020 đã bàn giao Tổng Công ty Thép sang SCIC quản lý. Đến nay chỉ còn 01 doanh nghiệp trực thuộc Bộ có tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương là Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 219-QĐ/TW của Ban Bí thư và chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện tốt các nội dung của Quy chế phối hợp công tác. Công tác phối hợp giữa hai bên luôn đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có sự gắn kết, thường xuyên trao đổi thông tin giữa hai bên về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy Khối và Bộ Công Thương. Trong quá trình phối hợp, hai bên và các cơ quan, đơn vị tham mưu, giúp việc luôn tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp giải quyết khi có yêu cầu.
Thông qua việc thực hiện Quy chế phối hợp, hai bên đã phối hợp thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; công tác tổ chức, cán bộ; công tác xây dựng Đảng và xây dựng các đoàn thể chính trị xã hội, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp có vị trí then chốt của nền kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp, cụ thể:
Thứ nhất, phối hợp trong quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản pháp luật của Nhà nước
BCSĐ và Đảng ủy Khối đã chủ động triển khai quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận… của Đảng, Quốc hội, Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. BCSĐ phối hợp với Đảng ủy Bộ Công Thương tổ chức, mời đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị), Tổng Giám đốc doanh nghiệp dự Hội nghị phổ biến, quán triệt và chỉ đạo xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và các văn bản pháp quy của Bộ.
BCSĐ và Đảng ủy Khối đã phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, các đề án quan trọng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong việc xây dựng kế hoạch sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp.
Thứ hai, phối hợp trong công tác tổ chức và cán bộ
BCSĐ và Đảng ủy Khối đã phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý cán bộ, thực hiện các quy trình công tác cán bộ theo quy định. BCSĐ chủ trì thực hiện quy trình về công tác cán bộ thuộc diện quản lý ở các doanh nghiệp như: nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, kỷ luật, kéo dài thời gian giữ chức vụ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Trong quá trình thực hiện, BCSĐ và Đảng ủy Khối thường xuyên phối hợp, trao đổi, xin ý kiến bằng văn bản theo quy định.
Đối với công tác quy hoạch: Đảng ủy Khối lấy ý kiến BCSĐ về nhân sự thuộc doanh nghiệp dự kiến được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng ủy Khối và quy hoạch cấp ủy các doanh nghiệp trong các giai đoạn 2010-2015, 2015-2020. BCSĐ lấy ý kiến Đảng ủy Khối đối với nhân sự quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2016, 2016 – 2021. BCSĐ đã phối hợp cùng Đảng ủy Khối chỉ đạo cán bộ lãnh đạo, cấp ủy các doanh nghiệp thuộc Bộ triển khai thực hiện công tác quy hoạch theo đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương.
BCSĐ và Đảng ủy Khối đã phối hợp thực hiện tốt việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐTV/HĐQT doanh nghiệp.
Thứ ba, phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo
BCSĐ và Đảng ủy Khối chủ động phối hợp, thông báo với nhau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và công tác xây dựng Đảng của các doanh nghiệp; kết luận kiểm tra, giám sát đối với các đảng ủy tập đoàn, tổng công ty.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, mỗi bên đã chủ động chỉ đạo xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát; lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp và tổ chức đảng của các doanh nghiệp về việc chấp hành các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng. BCSĐ và Đảng ủy Khối thông báo với nhau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát. Những nội dung liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn doanh nghiệp do BCSĐ chủ trì chỉ đạo thực hiện, Đảng ủy Khối phối hợp; những nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tư cách đảng viên do Đảng ủy Khối chủ trì thực hiện, BCSĐ phối hợp.
Trong thời gian qua, thực hiện quy chế phối hợp, BCSĐ đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các đợn vị chức năng của Bộ (Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan) phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Khối trong việc xem xét, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm của cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý; những vụ việc khi có kết luận của Bộ Công Thương đều kịp thời thông báo cho Đảng ủy Khối để xem xét, xử lý về mặt Đảng.
Thứ tư, phối hợp trong lãnh đạo công tác công đoàn, đoàn thanh niên
BCSĐ lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của công đoàn thông qua Công đoàn Công Thương Việt Nam, tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể thực hiện nghiêm túc Điều lệ mà mình là thành viên. Công đoàn Công Thương Việt Nam hiện quản lý, chỉ đạo 16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 529 công đoàn cơ sở. Trong đó, có 5 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tại các doanh nghiệp có tổ chức đảng trực thuộc trực tiếp Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, gồm: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Trong thời gian qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn phối hợp với đảng ủy của 5 doanh nghiệp nói trên trong việc chỉ đạo hoạt động, sắp xếp tổ chức công đoàn của các doanh nghiệp. Đối với công tác cán bộ, Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn lấy ý kiến hiệp y, đánh giá, nhận xét của đảng ủy các đơn vị trong công tác giới thiệu nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn các Tập đoàn, Tổng Công ty; nhân sự quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý và nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra  Công đoàn Công Thương Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các đồng chí Chủ tịch công đoàn đều được cơ cấu trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy các Tập đoàn, Tổng Công ty. Nhìn chung, các cấp ủy đảng tại các đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn đạt hiệu quả cao, tạo mọi điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.
(Nguồn: moit.gov.vn)