banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Tìm thêm nguồn hỗ trợ lao động thất nghiệp
Cập nhật lúc 08:39 ngày 24/09/2021
Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét dùng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ thêm cho lao động mất việc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hơn 9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Nếu dịch được khống chế, trong thời gian tới vẫn có khoảng 2,5 triệu lao động bị ảnh hưởng.
Còn ít lao động được hỗ trợ
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ ngày 9-7 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; trên 2 triệu công nhân phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do DN tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động (NLĐ) bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa.
Đồng hành cả nước chống dịch Covid-19, kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ NLĐ, các cấp Công đoàn đã và đang triển khai những nội dung chính như: Chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính Công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.376 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình cho thấy đời sống NLĐ còn gặp nhiều khó khăn. Số được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói 23.000 tỉ đồng) còn rất thấp. Cụ thể là theo báo cáo của 27 LĐLĐ tỉnh, thành phố cho thấy mới có 1,16 triệu đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ.
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thông qua việc tăng cường hỗ trợ trực tuyến và đơn giản hóa thủ tục hành chính, ngành lao động ở một số địa phương đã tạo thuận lợi cho NLĐ mất việc, nhất là NLĐ ở các khu vực cách ly, phong tỏa được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một số địa phương còn linh hoạt hỗ trợ vốn vay nhằm tạo điều kiện cho NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp, điển hình như Thanh Hóa, Đà Nẵng. Nhưng theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ lại khó thực hiện và không hiệu quả như mong muốn. Thực tế, rất nhiều DN đang phải vật lộn để duy trì sản xuất, không có thời gian xây dựng phương án đào tạo hoặc có thì cũng chưa thể thực hiện khi nhiều tỉnh, thành kéo dài thời gian giãn cách xã hội.
Có đóng - có hưởng
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2006 và chính thức triển khai từ ngày 1-1-2009 với mục tiêu hỗ trợ NLĐ bị mất việc một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp NLĐ sớm quay lại thị trường lao động... Chính sách BHTN không chỉ chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ khi mất việc làm mà còn hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Có thể khẳng định BHTN đã thật sự trở thành chỗ dựa của NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Đồng thời, BHTN giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ.
Trước những tác động của dịch bệnh đối với lao động mất việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH xem xét dùng nguồn kết dư quỹ BHTN để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho NLĐ.
Điều kiện là NLĐ đã và đang tham gia chính sách BHTN từ 6 tháng trở lên. Đề xuất này nhận được ý kiến đồng thuận của nhiều chuyên gia về lao động - việc làm. Theo luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyên tắc của quỹ BHTN và một số quỹ ngắn hạn khác là có đóng - có hưởng. NLĐ tham gia đóng vào quỹ mới được hưởng khi đủ điều kiện. NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng phần lớn là lao động tham gia BHTN nên việc trích quỹ hỗ trợ là hợp lý. Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân - người từng phụ trách vấn đề lao động, tiền lương nhiều năm - cho rằng với những quỹ tọa chi (chi trừ dần), cần thường xuyên phải rà soát mức đóng - hưởng xem đã phù hợp chưa để cân đối và sửa đổi nếu cần thiết. Ông Huân phân tích nhiều nước điều chỉnh bằng cách khi nguồn thu lớn, chi ít thì phải điều chỉnh giảm đóng, tăng chi và ngược lại: thu ít, chi nhiều thì tăng tỉ lệ đóng. Thường sau 3 - 5 năm, cơ quan quản lý sẽ phải xem xét điều chỉnh tỉ lệ đóng một lần, kể cả các quỹ ngắn hạn như ốm đau, thai sản... 
Kết dư hơn 89.000 tỉ đồng
Báo cáo của Chính phủ cho thấy tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư quỹ BHXH, BHTN ước đạt gần 935.174 tỉ đồng. Trong đó, các quỹ kết dư lần lượt là: Quỹ ốm đau, thai sản là 12.772 tỉ đồng; quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 53.751 tỉ đồng; quỹ hưu trí, tử tuất là 789.130 tỉ đồng; quỹ BHTN là 89.141 tỉ đồng.
(Nguồn: nld.com.vn)