banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành Công Thương
Cập nhật lúc 07:57 ngày 13/08/2021
Phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, cũng là phiên họp lịch sử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời đưa ra 3 nhóm các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng cuối năm 2021.
Ngày 11/8, Chính phủ khóa XV họp Phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Phiên họp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp.
Cùng chủ trì Phiên họp với Thủ tướng Chính phủ tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Phiên họp tại điểm cầu TP HCM.
Dự phiên họp tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương...
Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc tới các địa phương qua các điểm cầu, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo các huyện, quận, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 họp phiên đầu tiên chỉ sau ít ngày kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV bế mạc. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quan trọng này, chúng ta rất vui mừng và vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến dự và chỉ  đạo hội nghị.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và  địa phương tham dự Hội nghị.
Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, hơn 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi nhiệm kỳ Chính phủ đều có sứ mệnh và dấu ấn quan trọng trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chính phủ khóa XV nhận nhiệm vụ trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 với biến chủng Delta đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên thế giới và ở Việt Nam, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.
“Hôm nay, dưới sự có mặt của đồng chí Tổng Bí thư và đầy đủ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại Trụ sở Chính phủ, bên cạnh Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên, cũng là phiên họp lịch sử, với quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Phiên họp được tổ chức sau Đại hội XIII của Đảng và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV thành công rất tốt đẹp để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị  được tổ chức trong 01 ngày với nhiều nội dung rất quan trọng, yêu cầu cao, đòi hỏi phải ngắn gọn, thiết thực, hiệu quả; trong khi năng lực chuẩn bị còn có hạn chế, vì vậy, Thủ tướng đề nghị các đồng chí  đại biểu tập trung trí tuệ, dành sự tâm huyết, thể hiện trách nhiệm và đóng góp cho sự thành công của Hội nghị.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương
Phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, cũng là phiên họp lịch sử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời nêu thêm nhận định và các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sau khi dịch Covid-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang được kiểm soát và bắt đầu phục hồi sản xuất trở lại thì dịch bệnh lại bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó đã tác động không nhỏ đến phát triển hoạt động sản xuất và thương mại của cả nước.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ - là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Tính chung 7 tháng, chỉ số SXCN tăng 7,9 (cùng kỳ tăng 2,6%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) biểu thị về xu hướng kinh tế trong sản xuất và dịch vụ tháng 7/2021 của Việt Nam chỉ đạt 44,1 điểm, giảm mạnh so với mức 53,1 điểm trong tháng 5/202, điều đó cho thấy xu hướng kinh tế Việt Nam đang bị co lại, giảm cả về sản lượng và đơn hàng.
Về hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 cũng có phần chững lại do ảnh hưởng của dịch tại các tỉnh phía Nam. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2021 giảm 0,8% so với tháng 6/2021. Tuy nhiên, 7 tháng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao 25,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ tăng 1,5%). Cán cân thương mại của Việt Nam tạm thời đang thâm hụt, nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 8,7 tỷ USD).  
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,27% so với tháng trước do ảnh hưởng thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố lượng người mua sắm giảm. 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 0,69% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 81,3% tổng mức.
5 tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, dịch bệnh Covid 19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, mặt bằng giá cả tăng cao, nhất là xăng dầu, sắt thép, phân bón, vật liệu xây dựng; sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt nhiều doanh nghiệp khu vực phía Nam bị đình trệ… Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ giao năm 2021: phát triển công nghiệp tăng 8-9% (7 tháng tăng 7,9%); xuất khẩu tăng 4-5% (7 tháng tăng 25,5%), Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7-8% (7 tháng tăng 0,69%) là một thách thức lớn đối với ngành Công Thương.
Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ Công Thương xác định các giải pháp trong những tháng còn lại phải tính đến kịch bản sống chung với dịch. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản và giải pháp tăng trưởng của từng đơn vị theo cấp độ diễn biến của dịch bệnh. Các doanh nghiệp xây dựng lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản, diễn biến  của dịch bệnh để có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Đối với ngành Công Thương, trong 5 tháng cuối năm, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tập trung thực hiện nhằm phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất. Trong đó, Bộ trưởng đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, theo dõi chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp kịp thời. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Bộ Công Thương thực hiện và thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng các Bộ, ngành, đặc biệt các địa phương cũng phải rà soát, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ khẩn trương rà soát hoàn thiện chuẩn hóa “luồng xanh”, không đặt ra bất kỳ điều kiện nào của riêng mình làm cản trở lưu thông vật tư, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Thứ hai, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, việc giữ được chân hàng, duy trì chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại hiện nay là cực kỳ quan trọng. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đối với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và gói 26.000 tỷ đồng dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19.. Đồng thời, khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và người lao động để có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất ngay sau dịch bệnh (nhất là chính sách về thuế, phí, đất đai, tài chính, lãi suất ngân hàng, dịch vụ logistics và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao nghề nghiệp).
Đối với các địa phương miền Bắc và miền Trung, Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ, cho phép các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện an toàn dịch bệnh có thể thỏa thuận với người lao động để tăng tốc sản xuất, tăng ca, tăng giờ làm trong ngày (ngày làm trong tháng) với phương châm lấy tốc độ, bù thời gian mà không vi phạm Luật lao động (hiện nay Luật lao động quy định 300 giờ làm/năm) nhằm tận dụng triệt để cơ hội hồi phục nguồn cung của thị trường thế giới, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần khôi phục phát triển kinh tế đất nước.
Đối với các doanh nghiệp khu vực miền Nam, Tây nguyên tuy vẫn phải áp dụng Chỉ thị 16 cũng cần rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng ngay các biện pháp, gồm: Khử khuẩn thường xuyên cơ sở sản xuất, tổ chức giãn cách người lao động trong các dây chuyền sản xuất; Ưu tiên cho người lao động được tiêm đủ 02 liều vắc xin, xét nghiệm định kỳ, thường xuyên cho người lao động (nhất là lao động trong các KCN, khu vực dịch vụ, vận chuyển hàng hóa..); Xem xét cho phép các doanh nghiệp, nhà máy chủ động quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với việc tuân thủ yêu cầu chống dịch trong nhà máy theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn mà liên Bộ Công Thương - Y Tế đã ban hành; đồng thời vận dụng linh hoạt, phù hợp mô hình doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến để duy trì sản xuất kinh doanh.
“Tuy nhiên, qua tiếp xúc, làm việc với các đối tác châu Âu, họ không khuyến khích, thậm chí không cho phép các doanh nghiệp tổ chức ăn, ở làm việc tại chỗ cho người lao động, nếu không bảo đảm các điều kiện về lao động và vệ sinh, môi trường”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, trước mắt cần khẩn trương hỗ trợ để có thể phục hồi hoạt động ngay các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ các doanh nghiệp mua tạm trữ (4-5 triệu tấn lúa) góp phần giảm sức ép trong tiêu thụ lúa gạo và các nông sản tới vụ của các địa phương trong cả nước nhất là khu vực miền Nam, Tây nguyên.
Thứ ba, tổ chức các phương thức kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nông sản, đồng thời theo dõi sát diễn biến nhập siêu để có biện pháp ứng phó phù hợp. Bộ sẽ tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.
Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đơn giản hóa, đẩy mạnh việc đăng ký và trả kết quả các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến, qua bưu điện. Đối với các địa phương có cảng biển chỉ đạo việc phân luồng, tuyến giao thông ngoài cảng phù hợp, phối hợp với Y tế địa phương trong phòng chống dịch để duy trì hoạt động của cảng, tránh ách tắc. Các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển và địa phương có cảng biển, xem xét giảm phí dịch vụ cảng biển, phí bốc xếp, giảm giá container lưu bãi cho các doanh nghiệp đang dừng sản xuất, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Liên quan đến câu chuyện giá phân bón đang tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân, Bộ trưởng cho hay, ngày 9/8/2021 Bộ đã có Văn bản chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi tăng giá. Đồng thời ngay trong sáng nay (11/8/2021) Bộ đã chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các nhà sản xuất phân bón lớn và UBND một số địa phương họp bàn để đề xuất các giải pháp bình ổn giá phân bón báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với kiến nghị giảm giá điện cho doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản, Bộ đang giao cho đơn vị chức năng phối với EVN cân đối các mức khả năng có thể giảm để báo cáo, đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thu mua hết nông, thủy sản cho bà con đưa vào chế biến.
Đối với việc giá thực phẩm, rau, quả tăng trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 ở TP Hà Nội, giá một số mặt hàng tăng chủ yếu do tâm lý người dân sợ thiếu nguồn cung, mua tích trữ nhiều hơn và vận chuyển khó khăn nên tiểu thương tăng giá bán. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội tăng nguồn cung gấp 2-3 lần, mở thêm 8.000 điểm bán hàng để tạo nguồn cung dồi dào, tránh tăng giá.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị cần tập trung tuyên truyền các nỗ lực phục hồi kinh tế, để tránh tâm lý lo lắng đối với các nhà đầu tư ảnh hưởng đến việc quyết định mở rộng và thu hút đầu tư cho sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
An Châu (nguồn: moit.gov.vn)